21 thg 6, 2020

Nghề cào hến trên sông Lam

Những ngày nắng nóng gần 40 độ, người dân vẫn ngâm mình trên sông Lam cào hến kiếm 200.000 đến 400.000 đồng mỗi ngày.

Từ 6h, anh Nguyễn Văn Thanh, 38 tuổi, ở xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương mang theo chiếc cào bằng sắt nặng 9 kg, chai nước uống và điếu thuốc lào tới bờ sông Lam cách nhà vài trăm mét.

Bỏ đồ nghề lên thuyền, anh Thanh chạy ngược dòng khoảng một cây số tới khúc sông nước sâu hơn một mét, rồi nhảy xuống nước bắt đầu cào hến.


Với kinh nghiệm gần 10 năm làm nghề, anh Thanh biết khúc sông này năm nào cũng có hến nhiều hơn khu vực lân cận. Hến thường nằm ở nơi nước không quá sâu, dòng chảy êm, nhiều cát.

Chiếc bàn cào anh Thanh dùng cào hến rộng 80 cm, khi thả xuống nước thì răng sắt cắm vào đáy sông. Anh luồn đai thừng qua thắt lưng, nối với bàn cào và đi lùi để kéo nó về phía trước.

Ở đáy sông, hến nằm lại trong bàn cào còn cát theo nước lọt qua khe. Hơn 10 phút đi lùi kéo cào, anh Thanh thu được khoảng 2 kg hến lẫn rêu rác. Một tay giữ bàn cào ở mặt nước, tay còn lại anh nhặt bỏ rác và đổ hến vào khoang thuyền.

Ảnh Nguyễn Văn Thành đổ mẻ hến vừa cào được vào khoang thuyền. Ảnh: Nguyễn Hải.

Người dân địa phương cào hến theo thời vụ từ tháng 3 đến tháng 7 (âm lịch). Nghề này đòi hỏi sức khỏe tốt để ngâm mình trong nước sông nhiều giờ trong nắng nóng gay gắt mùa hè. Thợ cào hến thường bị mẩn ngứa, bong da do ngâm nước nhiều ngày liên tục. Bàn chân họ sứt sẹo do nhiều lần giẫm trúng mảnh sành, gốc cây nằm ở đáy sông,

Sau 5 giờ ngâm mình trong dòng sông, anh Thanh thu được 30 kg hến và lên bờ ra về. Mỗi kg hến sống giá 8.000 đồng được thương lái tới tận nhà thu mua; hến luộc tách vỏ giá 14.000 đồng/kg.

"Trời nắng ngày nào tôi cũng đi cào sáng hoặc chiều. Hôm may mắn thu nhập 200.000 đến 400.000 đồng. Nhiều hôm trời mưa hoặc thượng nguồn nước đổ về thì thu nhập không đáng kể", anh Thanh nói và cho hay nghề này giúp gia đình cải thiện cuộc sống, thay vì chỉ trông chờ vào vài sào đất nông nghiệp.

Người dân ngâm mình trên sông Lam nhiều giờ để cào hến. Ảnh: Nguyễn Hải.

Cùng cào hến trên khúc sông xã Thanh Tiên, chị Lê Thị Mùi, 42 tuổi, dùng thuyền máy nối với bàn cào bằng dây thừng, phía dưới có mảnh lưới dài 2 m. Bàn cào thả xuống đáy sông, thuyền chạy khoảng 300 m thì chị thu lưới.

"Dùng thuyền cào nhanh hơn, nhưng lại tốn chi phí dầu. Có hôm bắt được nửa tạ hến, thu 400.000 đồng. Mức thu nhập này khá hơn nhiều so với làm nông nghiệp", chị Mùi nói.

Sản phẩm mà anh Thành thu được sau gần 5 giờ làm việc. Ảnh: Nguyễn Hải.

Ông Trần Đình Sơn, Trưởng thôn Gia Hội (xã Thanh Tiên) cho biết, ngày cao điểm khúc sông này có hàng chục người bắt hến, chủ yếu là dân làm nông tranh thủ lúc xong ngày mùa, một số khác là dân sông nước từ nơi khác tìm về...

"Hến được thương lái thu mua đem tới thành phố hoặc ngoại tỉnh để tiêu thụ, chưa bao giờ ế. Chính quyền chỉ khuyến cáo người dân không cho trẻ nhỏ ra sông bắt hến vì tiềm ẩn tai nạn", ông Sơn nói.

Hến vỏ cứng, nhỉnh hơn đầu ngón tay út hoặc bé hơn tùy vào những nơi sinh sống. Chúng sống ở nước lợ và ngọt, có màu vỏ màu sáng nếu sống ở rạch và sậm hơn nếu ở sông. Hến có thể chế biến thành nhiều món như canh hến; các món xào...
Nguyễn Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét