21 thg 6, 2020

Em đi bán chè thưng

Em đi bán chè thưng

Có một bài vọng cổ xưa, khá nổi tiếng, do hai ông Út, bà Út tài danh của sân khấu cổ nhạc miền Nam trình bày, (Út Trà Ôn và Út Bạch Lan). Bài vọng cổ mở đầu bằng lời rao ngọt lịm của cô Út như sau:

Ai ăn chè bột khoai, bún tàu, đậu xanh, nước dừa, đường cát hông



Đó là bản vọng cổ Gánh chè khuya của soạn giả Thu An. Thưởng thức bài ca, ta sẽ biết gánh chè khuya ấy là gánh chè thưng. Đoạn cuối bài ca như sau:



Em đi bán chè thưng
Nặng lo chữ hiếu cho tròn
Giờ em đi mất đâu còn
Nhưng tôi nhớ mãi tâm hồn thơ ngây

Thú thiệt tui không phải là dân ghiền vọng cổ, nhưng đây là một trong những bài tủ của ba tui mà ngày xưa ông thường hát trong những buổi đờn ca tài tử với mấy người bạn đồng trang lứa. Tui đâm ra thuộc nhiều đoạn trong bài, nhứt là đoạn cuối và hồi đó gọi bài này là bài Em đi bán chè thưng chớ không hề nhớ tựa đúng của nó là Gánh chè khuya.

Chè thưng là chè gì?

Bạn có ăn chè thưng chưa? Tui chắc là rồi, vì đây là món ăn bình dân rất ngon miệng ở miền Nam. Vậy bạn nói thử coi, chè thưng là chè gì?


Nếu theo lời rao ở đầu bài Gánh chè khuya thì chè thưng là chè bột khoai, bún tàu, đậu xanh, nước dừa, đường cát. Theo kinh nghiệm ăn chè thì tui thấy trong chè thưng có đủ các món như lời rao trên (bún tàu có thể không có). Coi trên mạng thì thấy có vô số bài chỉ cách nấu chè thưng và nguyên liệu sử dụng cũng vô chừng. Ngoài các nguyên liệu cơ bản kể trên có thể kể thêm (tùy từng công thức nấu): bột báng, bột khoai, bột năng, hột sen, đậu phộng, mộc nhĩ...  Có thể còn có thứ khác, như phổ tai, có người nói: không có phổ tai thì không thể gọi là chè thưng.

Tui chỉ biết ăn và thấy ngon là chính, còn giải thích chè thưng chánh hiệu là như thế nào xin nhường lại cho các bạn góp ý thêm.

Sao kêu là chè thưng?

Trên Wiki và nhiều nguồn khác nói rằng chè thưng còn gọi là chè bà ba. Một số nguồn khác lại nói rằng chè thưng và chè bà ba là 2 thứ khác nhau và còn chỉ cách phân biệt 2 thứ chè này nữa. Riêng tui, hồi nào tới giờ chỉ biết có chè thưng chớ không biết chè bà ba, nên không có ý kiến về chuyện này. Bạn nào biết chuyện xin nói thêm nhé.


Điều tui thắc mắc là sao chè thưng lại tên... chè thưng?

Trong tiếng Việt, nghĩa thường thấy nhất của chữ thưng là tên một dụng cụ đo lường, dung tích khoảng một lít, thí dụ: một thưng gạo. Chắc chữ thưng trong chè thưng không phải nghĩa này.

Một nghĩa khác của thưng, ít thông dụng, là tên một sinh vật biển (thường là ở vùng biển phía Bắc nước ta) giống con sò, ngao, ăn được. Chắc chữ thưng trong chè thưng cũng không phải nghĩa này.

Món sò thưng nướng mỡ hành

Vậy thưng trong chè thưng nghĩa là gì? Hay là tiếng Khmer? Ai biết nói dùm với!


Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét