17 thg 6, 2020

Bánh nậm, bánh gói quê nhà

Bánh nậm, bánh gói là hai loại bánh song hành trong mỗi mẻ hấp của người dân xứ Quảng. Đó là món ăn dân dã của anh thợ cày vừa xong thửa ruộng; là thức quà quê buổi sáng mà các bà, các mẹ cho con, cho cháu; là món quà mỗi dịp về thăm quê vẫn không quên mua vài chục chiếc để làm quà cho láng giềng, đồng nghiệp.

Còn nhớ, sau những vụ mùa thu hoạch lúa, bà tôi thường chọn những loại gạo tẻ ngon nhất vụ để mang ra làm bánh nậm, bánh gói. Bánh của bà nổi tiếng khắp chợ, bởi cái vị đậm đà được nêm nếm kỹ càng của nhân, thơm bùi của lá, của bánh đã làm say lòng người thưởng thức. Bánh gói có hình chóp, được gói khéo léo sau lớp lá chuối; bánh nậm thì dẹt, có hình chữ nhật vuông vức. Mỗi thớ bánh tuy giản đơn, thoạt nhìn đầy dung dị, nhưng cũng ẩn chứa sự kỳ công của người làm bánh. 

Bánh nậm, bánh gói là món ăn đặc trưng của người dân xứ Quảng. 

Loại gạo làm bánh phải là gạo tẻ được chọn lọc kỹ, bánh chỉ ngon khi được làm từ những hạt lúa vừa được máy tách, bởi gạo để lâu sẽ không còn hương vị đậm đà, quyến rũ, thơm nồng nữa.

Bây giờ ở quê cũng ít nhà làm bánh, bởi làm được chiếc bánh có hương vị ngon phải mất nhiều công đoạn. Công đoạn làm bánh yêu cầu gạo phải được làm sạch, ngâm mềm trong nước ấm, được xay thật mịn. Ngày trước, quê tôi xay bột bằng cối đá. Ai chưa từng xay, không biết cách nắm cán cối xay, sẽ dễ bị đau tay.

Bà và cô tôi hay đảm nhiệm công đoạn này. Xay làm sao cho bột mịn, nước và bột phải quyện, không loãng cũng không đặc. Bột sau khi xay mịn phải để vài tiếng cho bột nở ra, ngậm nước thì thớ bánh mới mịn, ngon và thơm dẻo. Tiếp theo, đem khuấy bột đều tay trên lửa liu riu đến khi chín tới, tránh để bị vón cục.

Nhân bánh được bà làm khá cẩn thận. Đậu xanh được đánh tơi, thịt nạt băm nhỏ, ướp gia vị trộn đều với nhau rồi đem xào chín trước khi mang ra làm nhân. Điều đặc biệt của món bánh nậm là phần nhân bánh phải có những cọng lá hẹ xanh mướt được trộn đều trong nhân. Những chiếc bánh được gói bằng lá dong hoặc lá chuối, nhìn những chiếc bánh ấy mà tôi chỉ muốn ăn ngay. Nhưng bà bảo phải mang đi đun cách thuỷ để bánh chín mới ăn được. Hơi nóng của nước sôi sẽ làm bánh chín.

Bánh gói, bánh nậm sẽ đậm đà hơn khi chấm vào chén nước mắm chua ngọt. Khi ăn, từng thớ bánh mềm, mịn, thơm mùi lá dong, lá chuối, bùi bùi hương gạo tẻ với cái nhân chín mềm được ủ sau lớp bánh, tất cả hòa vào nhau đem đến dư vị sánh ngọt, bùi thơm.

Thỉnh thoảng, nhất là những khi nông nhàn, hai ba nhà cùng tụ lại xay bột, rồi hết người này đến người kia thay phiên nhau làm nhân gói bánh. Tiếng thịt băm nghe râm ran từ nhà này sang nhà kia, mùi nhân bánh thơm bùi bùi, lan toả trong không gian ấm tình hàng xóm láng giềng.

Bà bảo sau này lớn có đi làm xa như các cô, các bác cũng đừng quên cái hương vị đậm đà của bánh nậm, bánh gói quê mình. Quên làm sao được khi trong mỗi chiếc bánh, bà đã gửi trọn hương gạo mới của ẩm thực làng quê vào trong đó. Quên sao được những tháng ngày chập chững làm bánh cho bà...

Bài, ảnh: TRUNG ÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét