17 thg 6, 2020

Chèo thúng đưa khách du ngoạn đảo Bé

Từ chỗ phát triển nhỏ lẻ thì nay công việc này đã phát triển thành một nghề chuyên nghiệp, trở thành nghề “hot” của ngư dân. Nếu một lần đến đây, du khách đừng quên bỏ lỡ chuyến hành trình khám phá những rặng san hô gần bờ, ngắm cảnh quan đảo Bé trên những chiếc thúng của ngư dân.

“Phiêu” trên thúng

Với lời hẹn trước, từ cổng đảo Bé, lão ngư Lê Minh Quang, 60 tuổi, “người thủ lĩnh” đội thuyền thúng lặn ngắm san hô với khuôn mặt trẻ hơn tuổi vồn vã đón khách, dùng xe di chuyển khách ra bãi sau.

Ra đến nơi, những đồng nghiệp của ông Quang đã sẵn sàng phương tiện phục vụ. 5 chiếc thúng, mỗi thúng độ khoảng 2-3 khách. Họ là những người đàn ông trung niên, là những trai tráng sống trên đảo, có kinh nghiệm chèo thúng và tuyệt nhiên không có phụ nữ. Bởi phụ nữ thì không đủ sức vượt qua những con sóng mạnh mẽ.

Mỗi thúng muốn di chuyển được ra khỏi bờ phải huy động 3 thanh niên trai tráng làm nhiệm vụ đẩy thúng. Đẩy thúng ai cũng bảo phải khéo, chuẩn, căn đúng nhịp sóng ra khơi nếu không sẽ bị đẩy ngay tức khắc vào bờ. Sau đó, mỗi khách được cấp một bộ áo phao và chiếc mắt kính chuyên nghiệp. Tất cả đều thống nhất qui định đảm bảo an toàn được truyền đạt.

Ngư dân dẫn khách đi lặn ngắm san hô ở khu vực gần bờ. 

Ngồi trên thúng, mặc cho những con sóng làm cản trở mái chèo, ngư dân vừa gồng sức vượt qua, vừa đảm bảo cho du khách không bị say sóng. Ấy vậy mà những điều đặc biệt về văn hóa, con người và di sản trên đảo họ không quên tranh thủ giới thiệu.

“Phiêu” trên thúng cách bờ chừng độ 100m, ngư dân bảo rằng với những ai “yếu bóng vía” có thể dừng lại khoảng cách này để ngắm san hô. Càng xa hơn, cách bờ từ 300- 400m, các rạng san hô càng đa dạng và phong phú, hấp dẫn hơn.

Dừng lại cách bờ 300m, đeo chiếc kính lặn, du khách nhảy “ùm” xuống nước, bám vào chiếc phao tròn được ngư dân chuẩn bị trước đó để quan sát khung cảnh ở đáy biển gần bờ. Trước mắt, những bãi ngắm san hô sâu, nông hiện ra. Ai cũng xuýt xoa, nơi đây không hổ danh là nơi có những bãi san hô đẹp nhất của đảo Lý Sơn.

Từng đám san hô cứ ngỡ khô cứng lại chuyển động mềm mại trong làn nước xanh trong veo. Đủ các loại động, thực vật, thiên nhiên khoe sắc. Điều mà nhiều người chỉ từng được xem qua những thước phim trên truyền hình.

Du khách vừa tập thở, vừa huơ tay chạm vào những điều kỳ thú nơi đáy biển gần bờ, ngẩn ngơ giữa biển khơi mênh mông. Từng đàn cá ve vỡn đủ sắc màu. Thú vị hơn, có những chú cá lớn dạn dĩ vui đùa, “đáp trả” du khách.

Anh Lê Văn Thế, 35 tuổi, một du khách Hà Nội không giấu nổi cảm xúc khi lần đầu tiên đi thuyền thúng lặn ngắm san hô: “Chuyến hành trình là một trải nghiệm đáng nhớ. Tôi đã từng lặn ngắm san hô bằng các phương tiện chuyên nghiệp hơn với đầy đủ bình dưỡng khí nhưng đi thúng cùng ngư dân giúp mình cảm thấy gần gũi hơn với đất đảo Lý Sơn. Ngư dân chèo thúng rất vui vẻ, chân chất. Cảnh đẹp, không muốn lên bờ, cứ muốn ngâm mình dưới nước”.

Trong lúc dừng tay nghỉ ngơi, quan sát du khách, ông Quang có nhắc về quãng thời gian chuyển đổi nghề nghiệp, gắn liền với cái thúng, mái chèo khi bước vào nghề mới làm du lịch.

Đảo Bé được biết đến là nơi có những rặng san hô tuyệt đẹp. 

Cách đây 5 năm, du lịch Lý Sơn bắt đầu nổi lên. Ông Quang là một trong số rất ít người đầu tiên có cơ duyên gắn bó từ sự ngỏ ý của du khách với vốn liếng là cái nghề đi thúng gần bờ.

Vài tháng như vậy, sau những lần chở khách, nhiều du khách thích thú cập nhật thông tin lên mạng. Dần dà nhiều người biết đến ở đảo Bé Lý Sơn có đi thúng lặn ngắm san hô. Nhiều ngư dân ở đảo sau đó “bắt chước” làm theo. Họ có thêm nghề để làm bên cạnh nghề biển, nghề trồng tỏi, hành trên đảo- cái nghề phụ thuộc lớn vào thời tiết và nguồn nước hằng năm trên đảo nên gặp rất nhiều khó khăn.

Nghề “hot” của ngư dân
Dần dà, nghề chèo thúng dẫn khách đi tham quan bờ biển, lặn ngắm san hô là một nghề “hot” trên đảo. Điều này dễ xảy ra tình trạng chèo kéo khách, gây gỗ nhau. Lo sợ để lại những ấn tượng không đẹp trong mắt du khách, địa phương tạo điều kiện để những người như ông Quang có một hợp tác xã hoạt động theo đội, nhóm chuyên nghiệp. HTX thuyền thúng lặn ngắm san hô ra đời, ngày càng hoạt động chuyên nghiệp hơn.

“Từ chỗ có 5-10 người cùng tham gia thì đến nay đội thúng đã có khoảng 64 người. Ai cũng là “kình ngư” trên đảo, có sức khỏe và quan trọng hơn cả là yêu đảo, yêu nghề. Đặc biệt, phải chân chất và trung thực thì mới gắn bó lâu dài với anh em trong đội cũng như để lại ấn tượng đẹp cho du khách. Nếu không đáp ứng các yêu cầu, đội sẽ cho “gác mái chèo””, ông Quang say sưa nói.

Tất cả các thành viên đều trải qua lớp tập huấn ở xã, ở huyện về công tác y tế, cách làm du lịch để đảm bảo an toàn và phục vụ chuyên nghiệp hơn cho du khách. Vì là một công việc đặc biệt nên nếu là người trẻ, phổ biến từ 25- 35 tuổi càng được ưu tiên hơn.

Nghề chèo thúng còn có sự tham gia của nhiều ngư dân trẻ trên đảo. 

Anh Trần Ty, 35 tuổi, là một ngư dân trẻ. Từ khi mới lớn lên, vì hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện làm chủ, anh thường theo các thuyền lớn đi bạn. Công việc không phải lúc nào cũng như ý muốn. Từng có thời gian dài đi thúng câu mực nơi đảo xa, anh được ưu ái cho vào đội ngay. Cuộc sống ngày càng ổn định hơn.

Anh Ty cho hay, HTX hoạt động chuyên nghiệp, tài sản và công sức mọi người bỏ ra ngang nhau, lợi nhuận thu về được chia đều. Ngày hôm nay 30 thúng đi thì số còn lại đi ngày hôm sau. Dù ngày đó đi hay không thì ai cũng đều được nhận thù lao.

Phí mỗi du khách đi thúng ngắm san hô khoảng 80.000 đồng- 120.000 đồng, tùy theo khoảng cách. Dù ít hay nhiều, “các thúng” đều có ý thức đó là của chung, đến cuối giờ chia nhau.

“Vào mùa du lịch, nhất là vào ngày lễ, thứ bảy, chủ nhật ai cũng kiếm được trung bình khoảng 500.000 đồng, có khi khá hơn. Còn ngày thường “bỏ túi” cũng ít nhất 200.000 đồng”, anh Ty bộc bạch.

Vui chơi trên biển gần bờ khoảng một giờ đồng hồ, khi du khách đã thấm mệt mới yêu cầu chủ thúng chở vào bờ. Chỉ mất có khoảng thời gian ngắn nhưng ngư dân vô cùng tốn sức. Du khách ai cũng lo lắng họ sẽ mệt.

“Có khách là chèo không biết mệt. Đêm về mới thấy rũ rượi tay chân. Được cái, công việc này nó có niềm vui, được gặp gỡ du khách thường xuyên, giao tiếp thường xuyên nên cuộc sống rất thú vị”, ông Quang hài hước đáp lại để mọi người yên tâm.

Những ngày dịch Covid- 19 bùng phát, du lịch trên đảo gặp khó. Từ dịp lễ ngày 30.4- 1.5 đến nay, mỗi ngày họ cũng chỉ kiếm được 70.000 đồng do lượng khách giảm nhiều.

Tuy nhiên, mỗi ngư dân đều không nản lòng vì đây là khó khăn chung. Họ cố gắng sống với nghề “cha sinh mẹ đẻ” bằng cả tình yêu biển đảo, từng bước cùng với địa phương phục hồi du lịch trở lại như trước.

Bài, ảnh: Thiên Hậu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét