Đối với những món vay ít giá trị thì việc trả nợ thường đơn giản. Tuy nhiên, nếu món vay có giá trị lớn, đến thời gian lấy nợ, người cho mượn có cách đòi nợ rất đặc biệt, đó là lễ đòi nợ. Theo đó, đến ngày hẹn trả nợ, vợ chồng chủ nợ sẽ bàn bạc làm lễ đòi nợ. Trước khi làm lễ, chủ nhà mời già làng (có khi là thầy cúng) và anh em dòng họ đến nhà mình để dự lễ và chứng kiến.
Người M’nông có nhiều phong tục đầy tính nhân văn
Để làm lễ đòi nợ, chủ nhà thường chuẩn bị một ché rượu cần. Nếu món nợ có giá trị cao họ sẽ thịt một con heo, nếu khoản nợ vừa vừa thì thịt một con gà. Khi ché rượu đã châm đầy nước, heo đã mổ xong, người phụ nữ chủ nhà nấu nồi cơm mới. Sau đó, chủ nhà thông báo với những người được mời tới rằng, gia đình có cho người ta mượn tài sản, bây giờ đã đến hẹn lấy nợ, cho nên mời anh em họ hàng đến chứng kiến việc mình đi đòi nợ. Sau khi được mọi người chấp thuận, già làng sẽ cúng cho người đàn ông chủ nhà.
Trước khi làm lễ cúng, già làng sẽ rót một ít rượu cần ra chén có tiết heo, dùng bông gòn để bôi tiết lên ngực người đàn ông trực tiếp đi đòi nợ, với ý muốn cho người này luôn bình tĩnh trong mọi tình huống. Dù có đòi được nợ hay không thì cũng phải gặp gia đình người ta nói chuyện cho ra nhẽ, cho đúng phải trái, luôn giữ bình tĩnh, để người ta trả nợ mình dễ dàng.
Tiếp theo, chủ nhà sẽ ngồi bên ché rượu, đối diện với già làng (hoặc thầy cúng), tay phải cầm cần rượu. Lúc này già làng bắt đầu cất lời cúng: “Hỡi thần nhà, thần bếp, hỡi linh hồn ông bà tổ tiên, hôm nay gia đình làm lễ cúng cho chủ nhà để đi đòi nợ, mong cho thần linh bảo vệ, giúp đỡ, đi đến nơi về đến chốn, đòi được nợ”. Sau khi cúng, già làng khuyên bảo thêm, đại ý đến đòi nợ thì nói chuyện cho trôi chảy lưu loát, nói cho hay cho đúng để người ta hiểu và trả tài sản cho mình. Lấy được nợ rồi thì trở về an toàn.
Khi chủ nợ đến nhà đòi nợ, nếu gia chủ đồng ý trả nợ thì ở lại nhiều ngày. Còn trường hợp gia chủ chưa có để trả ngay và hẹn tiếp vài ba năm sau trả nợ, thì chủ nợ có thể ở lại làm khách đôi ba ngày. Việc ở lại làm khách nhằm mục đích vừa để chủ nợ hiểu hơn về điều kiện sống, khả năng kinh tế của gia đình vay mượn, và cũng là tăng thêm tình cảm thân mật giữa hai nhà. Dù có đòi được nợ hay không thì tình cảm giữa hai gia đình vẫn không thay đổi, họ vẫn là anh em, là người thân quen của nhau.
Trường hợp đòi được nợ, mang tài sản về thì chủ nhà sẽ mời anh em họ hàng tới để thông báo và cúng mừng cho tài sản mà mình có được. Khi họ hàng đã đến đông đủ, chủ nhà mời già làng làm lễ. Gia đình chủ nhà cũng sẽ cột một ché rượu cần và thịt một con heo để thông báo với già làng, họ hàng rằng mình đã đòi được nợ. Ví dụ đòi được bộ chiêng, thì đây là tài sản được người ta trả nợ, không phải lấy không, lấy cắp. Sau đó, chủ nhà tiếp tục làm lễ cúng chiêng mới với mong muốn linh hồn của chiêng từ nay sẽ về ở cùng với gia đình, là tài sản của nhà mình, bảo vệ và mang nhiều điều may mắn cho gia đình chủ mới.
Lời cúng của chủ nhà như sau: “Hỡi thần nhà, thần bếp, thần buôn làng, hôm nay chúng tôi cúng mừng chiêng mới, mong các thần giúp đỡ và bảo vệ chúng tôi. Mong từ nay gia đình sẽ gặp nhiều may mắn, có thêm nhiều của cải, nuôi trâu trâu đẻ thành đàn, nuôi bò nuôi dê đầy chuồng đầy sân. Mong cho có nhiều lúa, ăn cơm còn thừa trong nồi, uống nước còn thừa trong bầu, ché rượu cần còn một hàng đầy, buôn làng ngày càng đông vui…”.
Kết thúc lễ cúng, chủ nhà sẽ uống rượu trước, tiếp theo là già làng, người phụ nữ, con cái theo thứ tự và cuối cùng là khách mời. Mọi người cùng ăn uống vui vẻ, chúc tụng nhau những điều hay, điều tốt.
Ngày nay, cuộc sống của đồng bào M’nông đã có nhiều đổi thay. Khi cần tiền để đầu tư vào sản xuất, bà con đến ngân hàng để vay vốn làm ăn. Nếu có vay mượn với nhau, mọi người thường làm giấy tờ để làm chứng nên việc đi đòi nợ theo phong tục cũng dần mai một. Tuy vậy, trong các bon làng, khi vay hay trả nhau, người M’nông vẫn cho đó là một dịp để gặp gỡ, sum vầy.
Hoàng Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét