19 thg 5, 2020

Quận có tên đường hai vị hoàng tử

Quận 8 của Sài Gòn có hình thế khá đặc biệt, nằm giữa xung quanh kênh rạch. Những câu chuyện về một vùng đất xưa kia “trên bến dưới thuyền” tạo nên nét riêng biệt, vốn được mệnh danh là miền đất 5 cù lao.

Kênh Tàu Hủ nhìn từ phía đại lộ Võ Văn Kiệt 


Sự trùng hợp thú vị 

Từ những năm cuối của thập niên 1990, tôi có quen biết với vài người làm công tác văn hóa thuộc Trung tâm văn hóa quận 8. Thỉnh thoảng lại đưa những bản tin ngắn về hoạt động văn hóa của miệt đất này, nên thường chú ý đến đặc điểm lịch sử những con đường, có nơi mang tên rất dân dã, lại có nơi mang tên hoàng tộc. Đặc biệt là sự hiện diện của hai vị hoàng tử triều Nguyễn, là Tùng Thiện vương và Tuy Lý vương, được đặt tên cho hai con đường nằm gần một nơi khá tấp nập, là chợ Xóm Củi, ngôi chợ truyền thống nổi tiếng. Sự ngẫu nhiên về cuộc đời của hai vị ấy khiến tôi cố công tìm hiểu.
Cả hai hoàng tử đều là con của vua Minh Mạng, nhưng khác mẹ. Một người là Nguyễn Phúc Miên Thẩm (tước Tùng Thiện vương) và một người là Nguyễn Phúc Miên Trinh (tước Tuy Lý vương). Theo nhiều nguồn sử liệu, đặc biệt là hai học giả Trần Trọng Kim và Vương Hồng Sển thì thái tử Đảm (sau này là Đức Thánh Tổ Minh Mạng) được sinh hạ năm 1791 ở hậu liêu của ngôi chùa Khải Tường ở làng Tân Lộc (vị trí nay thuộc khu vực đầu đường Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM), giữa lúc còn chiến tranh ly loạn giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn. Ngôi chùa ấy, sau đó trong các cuộc chiến kháng Pháp của quân dân Nam bộ, đã bị phá hủy.
Năm trước khi vua Minh Mạng lên ngôi (1819), vị hoàng tử thứ 10 là Miên Thẩm được hạ sinh. Năm kế tiếp, đúng vào lúc nhà vua bước lên ngai vàng (1820), hoàng tử thứ 11 là Miên Trinh chào đời.
Có những sự trùng hợp giữa hai nhân vật này khá thú vị. Thứ nhất, họ đều là những nhà thơ trụ cột của Mạc Vân thi xã đầu thế kỷ 19 tại Huế. Thứ hai, họ đều được bổ nhiệm chức Tôn Nhân Phủ của triều Nguyễn trong cùng một năm, nhưng một người là tả Tôn Nhân Phủ và một người là hữu Tôn Nhân Phủ. Và thứ ba, cả hai vị đều được đặt tên đường cạnh nhau ở Q.8 cho đến bây giờ! 

Kênh Tàu Hủ ở Q.8 nhìn từ cầu Chà Và - ẢNH: TRẦN THANH BÌNH 

Những câu chuyện ấy trở lại khi một ngày tôi đi theo đường Nguyễn Biểu (Q.5) để băng lên cầu Chữ Y về hướng Q.8, để về đường Hưng Phú nhộn nhịp. Những quanh co kênh rạch khiến tôi lan man nhớ đến một nhân vật đáng kính. Gần 200 năm trước, quan đại thần Trương Đăng Quế (thầy học của vua Thiệu Trị, và là nhạc phụ của Tùng Thiện vương Miên Thẩm) vào kinh lý xứ Nam kỳ để thiết lập một hệ thống địa bạ cho toàn cõi. Để rồi sau này, khi cần đạc điền thống kê hoặc phân xử các tranh chấp, bộ sổ địa bạ ấy vẫn được lưu giữ sử dụng rất hiệu quả và chính xác, hơn cả trăm năm sau còn được đem ra tham khảo. Bây giờ tên vị quan đại thần này cũng được đặt tên cho một con đường ở Q.Gò Vấp. 

Cầu chà, chợ củi 

Sở dĩ Q.8 được xem là vùng đất những cù lao, vì hình dáng thon dài, nằm lọt thỏm giữa các sông và kênh rạch chằng chịt như sông Cần Giuộc, kênh Tàu Hủ, kênh Lò Gốm, kênh Ruột Ngựa, rạch Ụ Cây và rạch Ông Lớn nằm ở mé giáp Q.7... Bên trái quận có 5 dải đất nhỏ giống như các cù lao, còn bên phải là một doi đất to dần về phía đông, hiện là trung tâm hành chính của quận. Trên trục đường Dương Quang Đông, là nơi tập hợp trụ sở nhiều cơ quan, kéo dài về phía nam là H.Bình Chánh, cuối dải đất ấy là chợ đầu mối Bình Điền. 

Kênh Tàu Hủ ở Q.8 nhìn từ cầu Chà Và - ẢNH: TRẦN THANH BÌNH 

Dài dòng một chút về địa thế, để thấy sinh hoạt lâu đời của cư dân vùng này gắn liền với nhiều bến sông, cũng là điều dễ hiểu. Đó là bến Than, bến Củi, bến Mễ Cốc và có địa danh các xóm liên quan đến từng loại hàng mà họ mua bán.

Q.8 ngày nay (vào trước năm 1975 bao gồm diện tích 2 quận 7 và 8 với 11 phường đều có tên chữ như Rạch Ông, Xóm Củi, Bến Đá…), từ năm 1987 đến nay giữ ổn định 16 phường là đơn vị hành chính trực thuộc, được đánh số từ 1 đến 16. Địa hình và địa mạo Q.8 được hình thành bởi sự chia cắt của hơn 20 sông, kênh và rạch. Quận có diện tích tự nhiên 19,18 km2 (tương đương với Q. Gò Vấp là 19,74 km2), dân số 424.000 người với mật độ 22.200 người/km2

Như xóm Củi chuyên nghề bán củi, xóm Than chuyên nghề bán than, nay đều đã trở thành phường phố. Ở đoạn nối thông từ đường Hải Thượng Lãn Ông của Q.5 sang phía chợ Xóm Củi của Q.8 là chiếc cầu có tên Chà Và bắc qua kênh Tàu Hủ. Tìm hiểu mới biết, vào giữa thế kỷ 19 dưới triều Nguyễn có nhiều thương nhân người Ấn Độ đến làm ăn tại Sài Gòn. Lúc ấy, người ta thường gọi người Ấn (hoặc một số chủng dân có sắc da ngăm đen như người Indonesia, người Mã Lai…) là người Chà Và. Nhưng nguồn gốc của Chà Và lại xuất phát từ tên đảo Java ở Indonesia, được đọc trại ra, rồi chỉ luôn những người ngoại quốc đến Việt Nam, có màu da ngăm đen như người Ấn. Những con phố của người Ấn quần cư ở Q.8 một thời thường mở các cửa tiệm vải vóc tơ lụa, là mặt hàng kinh doanh chủ yếu của họ. Theo thời gian, chiếc cầu được lấy luôn tên Chà Và, do người Ấn ban đầu đã đóng góp tiền xây dựng ra nó, nhằm để đi lại thông thương qua kênh rạch. 

Nhớ lại, cách đây 23 năm, tôi có dịp đi miền Tây để thực hiện phóng sự Hiểm họa ở vùng đất lở về xứ lụa Tân Châu (An Giang), phản ánh nỗi trăn trở lo lắng của người dân cho miền đất thơ mộng nằm ven thượng nguồn sông Tiền, trước nguy cơ bị “xóa sổ” do bị xói lở. Vùng này vốn nổi tiếng về nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa. Bài báo đăng trên Thanh Niên ngày 24.9.1997, đến nay vẫn còn lưu giữ như một kỷ niệm. Lúc ấy hỏi chuyện, nghe vài vị cao niên kể rằng nhiều người Ấn ở Q.8, Sài Gòn thời trước đã tìm về đây mua tơ lụa, đặc biệt là loại lãnh Mỹ A, một sản phẩm làng nghề độc đáo của miệt Tân Châu, mà họ rất chuộng. Sau năm 1945, nhiều thương nhân người Ấn đã trở về nước. Tính ra, những “giao dịch lụa là” ấy lùi về dĩ vãng cũng đã hơn 50 - 60 năm rồi! 

Cầu Chà Và Q.8 - ẢNH: TRẦN THANH BÌNH 

Kênh Tàu Hủ nhìn từ phía đại lộ Võ Văn Kiệt - ẢNH: TRẦN THANH BÌNH 

Cho đến nay, dù không còn mua bán ở các bến thuyền nhưng những địa danh gắn liền với đủ loại hàng hóa trao đổi xưa kia vẫn còn ở Q.8 như chợ Xóm Củi, đường Xóm Củi hoặc bến Mễ Cốc… Riêng ngôi chợ một thời nổi tiếng với sự tập trung sinh hoạt xa hoa ở các tầng lầu phía trên cách đây hơn 25 năm, vẫn tồn tại như một quá vãng. Bất giác, hình dung rằng một thời nơi đây, đã từng có hàng chục nhà máy xay lúa, ghe thương hồ rộn ràng từ miền Tây lên trao đổi lắm thứ, thường cập các bến ở Q.8 để giao thương. 

Một ngày đẹp trời, khi chụp vài tấm hình, tôi chợt thấy kênh Tàu Hủ có lẽ đã hẹp dòng hơn xưa, nhưng đại lộ Võ Văn Kiệt chạy dọc bên kênh vẫn ngược xuôi người xe, thênh thang trong nắng!

Tôn Nhân Phủ 

Năm Minh Mạng thứ 17 (Bính Thân - 1836), vua đặt ra Tôn Nhân Phủ và đặt quan chức để coi mọi việc trong họ nhà vua. Nhà vua thờ tiên tổ có 7 miếu: những miếu phía tả gọi là chiêu, những miếu phía hữu gọi là mục. Con cháu các dòng chiêu hay mục đều phải phân biệt chi nào ra chi ấy. Đặt tôn nhân lệnh một người, tả hữu tôn chính hai người, tả hữu tôn nhân hai người, để coi việc hoàng tộc và việc phân biệt tự hàng chiêu hàng mục, ghi chép hàng lượt người thân người sơ, việc nuôi nấng và cấp tước lộc cho mọi người trong hoàng tộc. Lại đặt tả hữu tôn khanh hai người, tả hữu tá lý hai người, để coi thứ trật mọi người trong tôn thất và việc cấp dưỡng cho kẻ cô ấu, giúp đỡ những việc tang hôn… (theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, bản đặc biệt - NXB Kim Đồng, trang 433 - 434)

Trần Thanh Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét