9 thg 5, 2020

Nguyên phi Ỷ Lan và các di tích thờ bà tại Hải Dương

Nguyên phi Ỷ Lan có nhiều tên gọi, có tài liệu cho rằng bà tên là Lê Thị Khiết hoặc Lê Thị Yến, Lê Thị Yến Loan, quê tại làng Thổ Lỗi, sau đổi là Siêu Loại, nay thuộc huyện Thuận Thành (Bắc Ninh). 

Tượng thờ Nguyên phi Ỷ Lan tại nhà Mẫu chùa Đông Cận 

Theo sách Danh nhân Việt Nam, vua Lý Thánh Tông tuổi ngoài 40 mươi mà chưa có con nên rất lo lắng, nghe tin ngôi chùa ở làng Thổ Lỗi linh thiêng bèn đến cầu tự. Dân làng ra xem rất đông, duy chỉ có một người con gái đang cắt cỏ, nhìn kiệu vua đi qua, đứng tựa vào gốc cây lan mà cất tiếng hát.

Vua lấy làm lạ, cho vời hỏi và rất cảm phục tài đối đáp thông minh cũng như ngoại hình xinh đẹp của nàng, bèn đưa về cung, phong là Ỷ Lan phu nhân, xây một cung riêng cho nàng, đặt tên là cung Ỷ Lan. Khác với các cung phi khác luôn tìm cách lấy lòng nhà vua, Ỷ Lan quan tâm đến mọi việc trong triều và miệt mài đọc sách thánh hiền. Chẳng bao lâu cả triều đình đều cảm phục sự hiểu biết uyên thâm của bà.

Năm Bính Ngọ 1066, Ỷ Lan sinh Thái tử Càn Đức, sau này là vua Lý Nhân Tông - một trong những vị vua anh minh của nhà Lý, do đó bà được phong là Nguyên phi. Nguyên phi hiểu biết nhiều nên giúp vua đưa ra những kế sách hay để trị nước, an dân, một trong những kế sách của bà mà đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị là muốn nước giàu dân mạnh thì phải biết nghe lời can gián của bậc trung thần và nhân từ với nhân dân.

Năm Kỷ Dậu 1069, vua Lý Thánh Tông mang quân đi đánh Chiêm Thành, trao quyền nhiếp chính cho Ỷ Lan. Bà đã điều hành tốt việc trị nước, vượt qua hạn hán, lũ lụt, mùa màng thất bát, dẹp yên bạo loạn, an dân. Cảm ơn đức ấy, nhân dân đã tôn Ỷ Lan là Quan Âm nữ. Thời gian này, vua Lý Thánh Tông đánh mãi không thắng quân Chiêm Thành bèn trở về, gần đến kinh thành đều nghe tiếng ca ngợi Nguyên phi trị nước giỏi, khiến dân tâm hòa hợp. Vua than “kẻ kia là đàn bà còn giỏi như vậy, ta là đàn ông mà vụng về sao?”, rồi đem quân trở lại đánh, quả nhiên thắng trận.

Năm 1072, Thái tử Càn Đức mới 7 tuổi lên ngôi, phong bà làm Hoàng Thái phi, sau này là Linh nhân Hoàng Thái hậu. Ỷ Lan rất chăm lo đến mở mang dân trí, khuyến khích việc học hành, tổ chức thi cử để chọn người tài. Bà ban hành nhiều chính sách tiến bộ như giảm tô thuế, cấm giết trâu bò để khuyến khích việc nông trang…

Bà còn am hiểu đạo Phật và thường du ngoạn khắp nơi, tìm những cảnh đẹp để dựng tháp, xây chùa. Tương truyền bà đã cho xây dựng 150 ngôi chùa ở cả nước. Có thể nói bà là một trong những người có công truyền bá đạo Phật.

Năm 1117, bà mất tại kinh thành Thăng Long. Sau khi bà mất, nhiều nơi đã lập đền thờ. Tại Hải Dương có nhiều di tích thờ bà là đền Đươi, đền Đồng Bào, đền Đông Cận và chùa Cẩm Trục.

Theo thần tích còn lưu tại đền Đươi, xã Thống Nhất (Gia Lộc), khi Ỷ Lan đi du ngoạn tới địa phận làng Cẩm Đới (tên nôm là làng Đươi), thấy dân phong thuần hậu, phong cảnh hữu tình, có một gò đất cao, một bên là sông nước, một bên là đồng ruộng bèn dừng chân nghỉ ngơi. Quan nội thần Lý Đạo Thành huy động dân làng mang tre, lá dựng nhà rước bà vào nghỉ, tựa như một hành cung.

Bà ân cần hỏi thăm tình hình nhân dân, ban phát tiền vàng cho dân làng mua ruộng, tu sửa đền, chùa, miếu. Sau khi bà qua đời, nơi hành cung bà nghỉ ngơi, nhân dân đã xây dựng thành ngôi đền lớn, đó chính là đền Đươi. Các triều đại sau đều có sắc phong và ban phát tiền của để tu tạo.

Trước kia, đền Đươi có quy mô lớn nhưng trải qua thời gian, hiện nay chỉ còn tòa tiền tế, trung từ và hậu cung cùng hai dãy hành lang, được trùng tu vào khoảng cuối thế kỷ XVII. Tại hậu cung có khám thờ để tượng Nguyên phi Ỷ Lan.

Hàng năm, lễ hội tại di tích tổ chức vào 18 tháng 2, kỷ niệm ngày sinh và 25 tháng 7 âm lịch tưởng niệm ngày mất của bà. Trong những ngày mở hội, tượng của Nguyên phi được đưa ra khỏi cung cấm, tổ chức rước để nhân dân chiêm bái. Năm 1992, đền Đươi được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia.

Tại xã Gia Xuyên (Gia Lộc) cũng có một ngôi đền lớn thờ Nguyên phi Ỷ Lan là đền Đồng Bào. Ngôi đền trải qua nhiều lần trùng tu, lần gần nhất vào năm 1905, kiến trúc kiểu tiền, nhất hậu đinh gồm 5 gian tiền tế, 5 gian trung từ và 3 gian hậu cung, phong cách kiến trúc nghệ thuật thuộc thời Nguyễn.

Tại đền hiện lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị gồm các chất liệu gỗ, gốm, giấy... Cùng với ngôi đền, trong khu di tích còn có ngôi chùa thờ Phật và ngôi đình thờ thành hoàng làng. Năm 1991, khu di tích được Nhà nước xếp hạng quốc gia.

Ngoài làng Cẩm Đới, Đồng Bào, Nguyên phi Ỷ Lan còn dừng chân tại làng Đông Cận, xã Tân Tiến (Gia Lộc). Tại đây, bà đã có công giúp dân làng phục hóa nông trang, thâm canh tăng vụ. Sau khi bà mất, dân làng Đông Cận đã xây dựng đền thờ để tưởng nhớ công ơn. Trải qua thăng trầm của lịch sử, đền thờ không còn lưu giữ được, những đồ tế tự của đền được dân làng di chuyển vào miếu Đông Cận.

Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, nhiều đồ thờ tự cũng bị phá hủy, chỉ còn lại pho tượng thờ Nguyên phi Ỷ Lan và 2 nàng hầu. Năm 2007, chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng nhà Mẫu bên cạnh chùa Đông Cận, pho tượng thờ Nguyên phi được thờ tại đây. Năm 2013, cụm di tích miếu - chùa Đông Cận được xếp hạng cấp tỉnh.

Tại chùa thôn Cẩm Trục, xã Ngọc Liên (Cẩm Giang), nhân dân dựng chùa thờ Phật và phối thờ bà do có nhiều công lao dựng chùa. Bà được phật tử và nhân dân vô cùng kính trọng.

ĐẶNG THU THƠM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét