3 thg 5, 2020

Mùa trâm Bảy Núi

Mùa trâm Bảy Núi (An Giang) thường bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 6 (âm lịch) hàng năm. Năm nay, cây trâm cho năng suất kém hơn, giá bán thấp hơn so những năm trước. Tuy nhiên, không vì vậy mà người dân vùng Bảy Núi kém vui, bởi cây trâm đã giúp nhiều người, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer có thêm thu nhập trong những lúc nông nhàn.

Trái trâm được coi như món quà thiên nhiên ban tặng cho người dân 


Việc hái trâm khá nguy hiểm nên đàn ông thường đảm nhận công việc này 

Cây hoang dã

Bên cạnh cây thốt nốt thì cây trâm được coi là một trong những loại cây đặc trưng của vùng Bảy Núi. Tại huyện Tri Tôn, cây trâm tập trung nhiều ở 2 xã Núi Tô và Cô Tô. Đây là những địa phương có đông đồng bào DTTS Khmer sinh sống.

Theo những người cao niên ở đây cho biết, cây trâm không được ai trồng, thường mọc hoang dã ngoài tự nhiên. Đây là loại cây có sức sống khá cao, dù ở các vùng đất khô cằn vẫn có thể sinh trưởng và phát triển tốt. Cây trâm không ai trồng cũng không cần phải chăm sóc, cứ đều đặn hàng năm lại cho trái xum xuê nên được người dân nơi đây gọi vui là của trời cho.

Hàng năm, từ cuối tháng 3 đến tháng 6 (âm lịch) là cây bắt đầu ra trái. Trái trâm nhỏ, hơi dài, mọc thành từng chùm, khi mới có trái có màu xanh, già màu đỏ tươi và lúc chín sẽ chuyển sang màu tím đen. Trái trâm chín sẽ đen bóng, no tròn, mọng nước, ăn vào có vị chua chua, ngọt ngọt và hơi chát; trái càng đen càng ngọt. Cây khoảng 7 năm tuổi mới bắt đầu cho thu hoạch, tuổi thọ của cây trâm kéo dài đến trên 50 năm. Điều đặc biệt là cây càng lớn tuổi sẽ cho trái càng sai.

Việc thu hoạch trái trâm khá vất vả và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nên chỉ có những người đàn ông làm công việc này. Để hái được những trái trâm chín mọng, người ta phải trèo lên những ngọn cây cao rồi dùng tay để hái. Đối với những trái trâm ở tán lá ngoài, bà con dùng thang tre hoặc những cây tre to, dài được đục lỗ nhỏ và cố định những thanh sắt vào để làm bàn đạp đi lên.

Với những người leo cây trâm giỏi, bình quân 1 ngày có thể hái được 20-30kg trái. Những gia đình có nhiều gốc trâm, sản lượng lớn, thương lái đến tận vườn thỏa thuận giá thu mua và đặt cọc trước, mỗi mùa trâm có thể kiếm được vài chục triệu đồng.

Tăng thu nhập
Những ngày này, dọc theo tuyến đường tại xã Núi Tô dễ dàng bắt gặp hình ảnh những thúng trâm của người dân để dọc 2 bên đường bán cho du khách gần xa. Ông Chau Song (người dân xã Núi Tô) cho biết, gia đình có 1 gốc trâm, ngay tại ranh đất ruộng của gia đình. Hàng năm, sau khi hết mùa gặt là gia đình ông chuẩn bị “đồ nghề” để bắt đầu công việc hái trái trâm bán cho người dân.

Theo ông Song, mỗi cây trâm trưởng thành sẽ cho năng suất bình quân khoảng 450kg trái. Với giá bán hiện nay khoảng 20.000 đồng/kg, nguồn lợi từ bán trái trâm giúp gia đình ông có được thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống hàng ngày trong lúc nông nhàn. “Cây trâm không cần chăm sóc gì, hễ đến mùa là gia đình tôi chỉ lo hái đem ra lề đường bán là có thể kiếm tiền chi tiêu” - ông Song cho biết.

Cũng theo ông Song, năm nay thời tiết bất lợi nên năng suất trái trâm không cao như những năm trước. Bên cạnh đó, giá mặt hàng này giảm đi rất nhiều so với năm rồi. “Năm trước, gia đình tôi bán với giá 40.000-50.000 đồng/kg. Năm nay, do tình hình dịch bệnh nên khách mua rất ít. Giá trâm giảm đi một nửa so với năm ngoái. Dù giá thấp nhưng cũng mang lại thu nhập cho gia đình tôi trong lúc nông nhàn” - ông Chau Song chia sẻ.

Cây trâm được xem là món quà thiên nhiên ban tặng cho đồng bào DTTS Khmer vùng Bảy Núi nói chung, huyện Tri Tôn nói riêng. Không chỉ góp phần tăng thu nhập cho bà con trong lúc nông nhàn, cây trâm còn giúp giữ đất, giữ vườn; tạo bóng mát cho những người nông dân sau những buổi lao động mệt nhọc.

Thời gian tới, ngành chức năng sẽ nghiên cứu nhân giống những loại trâm cho trái to, ngọt, có giá trị kinh tế cao để hỗ trợ người dân trồng cây phân tán. Qua đó sẽ giúp cho bà con nâng cao thu nhập, góp phần bảo tồn loại cây đặc sản này.

ĐÌNH ĐỨC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét