3 thg 5, 2020

Chiềng và Xiềng có nghĩa gì trong địa danh vùng người Thái

Đến vùng người Thái, ta thường thấy những tên xã, tên mường được đặt bắt đầu bằng chữ Chiềng, như Chiềng Mai, Chiềng Chung, Chiềng Pấc… Cũng có nơi gọi là Xiềng. Chữ Chiềng và Xiềng có ý nghĩa như thế nào?

Ông Cà Văn Chung, Phó giám đốc Sở Khoa học công nghệ tỉnh Sơn La, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, sinh ra và lớn lên tại Sơn La. Ông Cà Chung giải thích về chữ Chiềng và Xiềng trong cách đặt tên các địa danh của người Thái như sau:

"CHIỀNG: người Thái phát âm là “Chiêng”, ở một số nơi phát âm thành Xiêng (Xiêng Khoảng, Xiêng Khọ, Xiêng May (Chiềng Mai), Xiêng Rai ...) là vị trí trung tâm của 1 Mường lớn (Chu/ Nha/ Châu Mường). Thường mỗi Mường chỉ có một Chiềng. Ví dụ: Mường Muổi có Chiềng Ly, Mường Mụa có Chiềng Dong, Mường Sang có Chiềng Chu, Mường Tấc có Chiềng Hoa (sau gọi thành bản Chiềng)...

Đây là vị trí thuận tiện về nhiều mặt, có thể đi lại, tiếp xúc với nhiều nơi khác trong và ngoài Mường. Về quy mô, tương đương với một bản lớn của người Thái (nên sau này có nơi được gọi sai đi là bản như Bản Chiềng, Phù Yên). Chiềng là nơi ở của các dòng họ quý tộc và là nơi đóng bộ máy thống trị của Mường. Có thể nói Chiềng là thủ phủ của một mường, nhiều nơi phát triển thành thành phố lớn hoặc thủ đô của quốc gia. (Xiêng May thành thủ đô của Lạn Na, sau đó thành thành phố lớn của Thái Lan)".

Vòng xòe ngày hội. Ảnh: Khai thác

Chiềng có nghĩa là một trung tâm giao lưu văn hóa, chính trị của một Mường. Vậy tại sao vẫn thấy chữ Chiềng được đặt cho các xã? Theo ông Cà Chung: "Rất tiếc, sau giải phóng, một số cán bộ ít am hiểu về xã hội Thái đã tham mưu cho chính quyền mới đặt một loạt các tên của xã (đơn vị hành chính mới) mang chữ Chiềng, như: Chiềng Cơi, Chiềng Xôm, Chiềng La, Chiềng Ngần, Chiềng Sinh... Nên ý nghĩa của từ Chiềng bị hiểu sai đi.

Tuy nhiên trong lịch sử người Thái, “Chiềng” ngoài mang ý nghĩa như trên là phổ biến,cũng có ngoại lệ như: Chiềng Pấc là tên một mường phìa của châu Mường Muổi, Chiềng Cang là tên một mường phìa của châu Mường Mụa; trong sử sách, người Thái gọi nước Lào là Chiềng Đông, Chiềng Tòng (theo kiểu người nước ngoài gọi "Hà Nội", được hiểu là "Việt Nam", trong các bản tin).

Theo sử thi “Quam tô mương”, khi Lạng Chượng đến Mường La, ông đã lập nên Chiềng An, Viêng Hài, Viêng Giảng. Nhưng sau đó, khi thương mại phát triển, nhu cầu trao đổi sản phẩm hàng hoá tăng lên thì hình thành nên một trung tâm mới về buôn bán là Chiêng Le (không hiểu tại sao chuyển sang tiếng Việt lại ghi thành Chiềng Lề). Trung tâm này là khu vực Rặng Tếch của Sơn La ngày nay".

Trong các tên địa danh của người Thái còn xuất hiện chữ Viềng. Vậy Viềng được sử dụng trong hoàn cảnh nào? Ông cà Chung cho biết: VIỀNG có nghĩa là thành luỹ quân sự, nơi bảo vệ Chiềng hoặc biên cương. Viềng có thể đắp bằng đất hoàn toàn như Viêng Giảng, Viêng Lán (Sơn La) hay kết hợp với địa hình tự nhiên núi, sông, suối như Viềng Lôi (Hà Nội), Viêng Chăn (Lào); có khi đào suối nhân tạo như Viềng Xam Mứn (Điện Biên)... Viềng sau này xây bằng gạch mộc hay đá ong như Viêng Mai (Thailand), Viêng Toong (Myanma).

Trên viềng thường có các các vị trí quân sự giống như lô cốt hay chòi canh gọi là “Che”. Ví dụ tại Viềng Lôi (thành Cổ Loa) có 3 “che” ở 3 thành có tên là “Che noóc”, “Che tò” và “Che cuông” (tiếng Thái có nghĩa là “Che ngoài”, “Che tiếp” và “Che trong”). Viêng Mai, Viêng Toong vẫn còn giữ được các “Che” tương đối nguyên vẹn. (“Che”: tiếng Thái cũng có nghĩa là góc, mà các “Che” quân sự này cũng đặt tại các góc).

Hoài Thu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét