23 thg 5, 2020

Tục Teh Bo’k và lễ quay đầu trâu của người S’tiêng

Trong nhiều phong tục tập quán thể hiện văn hóa lâu đời của người S’tiêng ở Bình Phước, tục Teh Bo’k và lễ hội quay đầu trâu là loại hình văn hóa thuộc phạm vi nhóm cộng đồng, khu vực.

Teh Bo’k có nội dung và hình thức tương tự lễ kết nghĩa của một số dân tộc khác. Có một điều rất dễ nhận diện là tục này gắn liền với lễ hội quay đầu trâu. Teh Bo’k chỉ phổ biến ở nhóm người S’tiêng ở 2 huyện Bù Gia Mập, Bu Đăng và một số ít người Mơnông của địa phương này.

Theo lời kể của nhiều già làng ở vùng Bù Đăng, tục Teh Bo’k và lễ hội quay đầu trâu của người S’tiêng đã hình thành từ lâu đời. Những người con trai trong một nhà sau khi lập gia đình, họ ở nhiều sóc khác nhau. Sợ lâu ngày tình cảm gia đình không còn gắn kết nên họ phải hình thành tục này để các thành viên trong gia đình có dịp kết nối với nhau. Ngoài ra, hình thức này còn tồn tại với những người không phải là anh em ruột trong một gia đình. Song đều có chung đặc điểm về hình thức thực hiện phong tục và tổ chức lễ hội.


Hình ảnh giã gạo quen thuộc của người S’tiêng (Bình Phước) - Ảnh tư liệu


Việc tổ chức lễ hội để duy trì tục Teh Bo’k có nhiều cách thức thực hiện, có thể la người anh lớn nhất trong gia đình tổ chức trước, nhưng cũng có thể là người có điều kiện kinh tế tốt hơn sẽ tổ chức trước. Khi thỏa thuận được vấn đề này, gia đình tổ chức lễ hội và mời người có tục Teh Bo’k với mình về sóc dự lễ hội. Lễ hội thường diễn ra giữa 2 gia đình nhưng cũng có thể nhiều hơn.

Lễ hội được tổ chức với thời gian 2 ngày trở lên, tùy thuộc vào số lượng người tham gia và nhu cầu giao lưu giữa các gia đình. Đến ngày tổ chức lễ hội, gia đình chuẩn bị các vật lễ, vật dụng và thực phẩm để tiếp đón gia đình “bạn”, trong đó, không thể thiếu trâu. Các hộ được mời phải đi từ chiều hôm trước khi diễn ra ngày lễ chính. Khi đi đến cách sóc khoảng 500m thì dùng cồng chiêng để đánh báo hiệu, gia đình tổ chức lễ hội nghe được dùng cồng chiêng đánh đáp trả để thông báo việc đã sẵn sàng và mời họ vào. Nếu có nhiều hộ cùng được mời đến dự thì gia đình nào thong báo trước sẽ được mời vào trước... Khi đến khu vực lễ, chủ nhà mang 2 ống tre đựng đầy rượu cần để mời người đàn ông của đoàn đi dự lễ. 2 người phải uống cạn, coi như nghi thức đón tiếp nhau. Sau đó, các thành viên được mời vào khu vực dự lễ, trong đó những thành viên chính được mời vào nhà để nghỉ ngơi. Khi đi qua cửa, mỗi thành viên được chủ nhà dùng máu gà trát vào chân với tâm niệm để trừ khử tà ma.

Sáng hôm sau thì thực hiện nghi lễ cúng thần linh tại sân của sóc, trong đó có nghi lễ hiến sinh (giết trâu). Sau nghi lễ này, các vật lễ cúng thần linh (thường là trâu, heo) sẽ được đưa ra chế biến để mọi người cùng thưởng thức. Trong đó, phần đầu trâu luôn được để dành cho gia đình là khách mời dự lễ, nếu có 2 gia đình được mời dự, gia đình chủ lễ phải giết 2 con trâu để có đủ số đầu trâu tặng. Sau khi lễ hội kết thúc, tối thiểu 3 năm sau, các gia đình là khach mời sẽ tiến hành tổ chức lễ hội, mời gia đình là chủ lễ của buổi lễ hôm nay về dự. Khi đó, phần đầu trâu cũng được dành cho gia đình là khách mời như một sự trả lễ. Chính hình thức trao đầu trâu xoay vòng này mà nhiều người đã gọi đây là lễ hội quay đầu trâu.

Tục Teh Bo’k là phong tục mang tính bắt buộc, phổ biến ở nhóm người S’tiêng ở 2 huyện Bù Gia Mập, Bù Đăng. Nếu có điều kiện thì họ làm thịt trâu thết đãi và để dành đầu trâu trao cho gia đình khách mời. Còn không có điều kiện, các gia đình chỉ giết gà, heo để tổ chức và phần đầu của heo, gà cũng được để dành cho gia đình khách mời. Hiện nay, ở vùng Bình Minh, huyện Bù Đăng, nhiều gia đình con duy trì tục này và vẫn tổ chức lễ hội với quy mô khác nhau, tùy điều kiện kinh tế của mỗi gia đình.

Hưng Điền - Bảo tàng tỉnh Bình Phước

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét