Nghề đúc đồng ở Long Điền có từ những năm 90 của thế kỷ XVII, đến nay đã được truyền qua nhiều đời. Không một dòng gia phả ghi chép lại và những người thợ đúc chuông cũng không ai biết xóm chuông có từ khi nào và ông tổ của làng nghề truyền thống này là ai. Đúc chuông đồng là một sáng tạo văn hoá độc đáo mang đậm chất dân gian truyền thống. Để có một sản phẩm hoàn chỉnh, người thợ đúc phải trải qua nhiều khâu, nhiều công đoạn như théc chuông, song sườn, vẽ hoa văn, tiết hoạ… Đúc đồng là nghề có một sức sáng tạo độc đáo với những hoa văn phức tạp trên sản phẩm mang đậm nét dân gian truyền thống đòi hỏi người thợ phải có cặp mắt tinh tường, đôi tay khéo léo và phải là những nghệ sỹ bậc thầy về âm thanh. "Quá khứ vàng son" của nghề là vào thời Chúa Nguyễn và thời nhà Nguyễn khi mà triều đình phong kiến còn tồn tại với sự phát triển mạnh của các đền miếu, chùa chiền,…
Nghệ nhân đang thao tác trên sản phẩm.
Để đúc một sản phẩm đồng hoàn chỉnh là cả một quá trình lao động hết sức vất vả và công phu với nhiều giai đoạn khác nhau. Qui trình đó gồm các bước chuẩn bị nguyên liệu, nhiên liệu, tạo lò đốt nguyên liệu, nồi nấu đồng, tạo khuôn đúc, đun nóng chảy đồng, rót đồng đổ vào khuôn đúc và hoàn chỉnh sản phẩm. Nồi đúclà chiếc chảo rộng lòng, rộng miệng, có thành và thân dày. Nồi nấu đồng làm bằng đất sét rây rất kỹ lọc không còn sạn sỏi được trộn với vỏ trấu sống, dùng đất làm nền khuôn nồi. Đất bên trong nồi được xoa với muối ăn để bảo đảm sự bền vững của nồi khi nhiệt độ tăng và tiếp cận với nước đồng. Tuỳ theo khối lượng và hình dáng của vật đúc đồng ma người ta dùng khuônhai mang hay nhiều mảnh. Điều đáng quan tâm ở đây là kỹ thuật đất làm khuôn người ta dùng loại đất sét pha với đất thịt nhào luyện với trấu.
Khác với các loại khuôn đúc sản phẩm khác, nghề đúc đồng phải tạo ra hai khuôn đúc bằng chất liệu đất sét trắng, 1 khuôn ở bên trong và 1 khuôn bao bên ngoài. Người nghệ nhân thể hiện tài hoa và sự khéo léo của mình thể hiện hoa văn trên từng sản phẩm, chủ yếu trên lư hương và đại hồng chung. Tạo nên những quai chuông đặc sắc của đại hồng chung các nghệ nhân đã có sáng kiến nặn bằng sáp ong, khi đổ đồng vào khuôn đúc sáp ong nóng chảy và tan đi nhường chỗ cho đồng. Trên các lư hương, đại hồng chung các nghệ nhân sử dụng các mô típ hoa văn truyền thống để trang trí: Hoa cúc, mặt trời, dây hoa cách điệu, bánh xe luân hồi, sóng nước, hoa sen, trái đào, cây trúc… Đặc biệt các loại nhạc cụ, nhạc khí: đại hồng chung, chuông, chiêng, thanh la, não bạt.. các nghệ nhân phải pha chế tỷ lệ đồng và các hợp kim thế nào để tạo nên có độ vang ngân và trầm bổng khác nhau.
Nghệ nhân đang khắc hoa văn lên sản phẩm.
Tuy nhiên cho đến nay trên địa bàn thôn Long Sơn, huyện Long Điền chỉ còn lại 04 hộ làm nghề đúc đồng với quy mô nhỏ, sản phẩm chủ yếu là chuông lớn, chuông gia đình, và các sản phẩm khác như lư đồng, đồ thờ cúng,…. Thị trường tiêu thụ được thông qua cửa hàng phân phối trung gian tại thành phố Hồ Chí Minh và các chùa trong khu vực miền Nam. Nguồn nguyên liệu được các cơ sở mua tự do ngoài thị trường với chất lượng trôi nổi không được kiểm soát. Nghề đúc đồng ở Long Điền đang đứng trước nguy cơ bị chìm lãng, mai một do thiếu thị trường, thiếu vốn, thiếu công nghệ, bị cạnh tranh bởi nhiều loại hàng thay thế. Nhiều nghệ nhân đã phải chuyển đổi sang nghề khác vì kế mưu sinh. Xóm chuông "một thời xa vắng" đang rất cần có sự lên tiếng, quan tâm của các cấp lãnh đạo và các ban ngành chức năng trong việc phục hồi và phát triển làng nghề truyền thống của địa phương, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân đồng thời phát huy tiềm năng phát triển làng nghề gắn liền với du lịch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét