Từ Hà Nội theo Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, du khách tới TP Bắc Giang rẽ phải theo quốc lộ 31 chừng 40km là tới thị trấn Chũ (Lục Ngạn). Thời điểm này, vải đang vào mùa đậu quả. Vải thiều sinh trưởng nhanh, lớn trông thấy hằng ngày. Khi tiếng chim tu hú gọi bầy là đến mùa thu hoạch (khoảng cuối tháng Tư, đầu tháng Năm âm lịch).
Vải thiều Lục Ngạn đang vào mùa đậu quả.
Huyện Lục Ngạn là vùng cây ăn quả nổi tiếng của cả nước. Vải thiều Lục Ngạn đã có “chỉ dẫn địa lý”. Với diện tích cây ăn quả trên 28 nghìn ha của tập đoàn các loại cây ăn quả, trong đó vải thiều chiếm gần 16 nghìn ha. Sản lượng vải tươi thu hoạch hằng năm bình quân từ 90 nghìn đến 110 nghìn tấn. Ngoài ra, huyện còn có các loại hoa quả khác như cam, bưởi, táo Đài Loan, nhãn, hồng, na, ổi…
Về Lục Ngạn vào mùa thu hoạch vải thiều là niềm mong ước của du khách gần xa. Vừa tận mắt chứng kiến vùng vải, vừa tận hưởng trái vải tại gốc nơi miền quả ngọt nằm trong tour với những điểm du lịch sinh thái, tâm linh, hoang sơ mà hấp dẫn. Đến Lục Ngạn vào mùa thu hoạch vải, du khách sẽ chìm vào dòng người ngược xuôi chở vải, người mua và bán sôi động. Vậy mà mọi người đều có ý thức nhường nhịn, cảm thông và hỗ trợ nhau, tránh va chạm, tai nạn giao thông. Vào chính vụ, xe ôtô đi về vận chuyển vải thiều đi muôn nơi như mắc cửi, cả Lục Ngạn thức cùng trái vải. Các cấp, ngành đều tập trung hỗ trợ nhân dân tiêu thụ vải thiều.
Từ lúc vải bắt đầu đậu quả, cho tới khi thu hoạch chừng gần hai tháng nữa, dịp này, người Lục Ngạn đã tất bật chuẩn bị cho mùa thu hoạch vải thiều sắp tới như xây lò, sửa lại lò sấy vải, chuẩn bị than củi, chất đốt, vận chuyển, sản xuất thùng xốp, chuẩn bị các điểm sản xuất đá cây, điểm cân vải cùng nhiều dịch vụ “ăn theo” mùa thu hoạch vải... Không khí sôi động dần lên từng ngày theo độ lớn cùng trái vải.
Tuy vậy, Lục Ngạn không chỉ có trái ngọt. Sẽ là bỏ lỡ cơ hội, nếu du khách đến vùng đất này không đến thăm các điểm du lịch chủ yếu, hấp dẫn, nổi bật của huyện. Điểm dừng chân đầu tiên là đền Cầu Từ (cách thị trấn Chũ 9km), tại đây có cây thị ngàn năm tuổi, cả 7 người ôm vòng quanh mới hết chu vi của gốc. Du khách cũng có thể qua cầu Chũ vắt qua dòng sông Lục Nam đến làng Thủ Dương- địa phương được nhà nước đầu tư khôi phục và xây dựng làng nghề thủ công truyền thống, đó là mỳ Chũ. Mỳ Chũ đã có mặt khắp thị trường trong nước. Tại đây, phóng thêm tầm mắt khoảng 5km đường chim bay là đỉnh non thiêng Am Vãi, có tên là Am Ni Tự, là di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2017, nằm trong quần thể di tích Tây Yên Tử. Nếu rẽ trái từ ngã tư thị trấn Chũ đi khoảng 9km là tới hồ Khuôn Thần, khu sinh thái đa dạng của huyện Lục Ngạn. Tại đây du khách có dịp nghe rừng thông vi vút reo, thả mình trên lòng hồ cùng với những làn điệu dân ca dân tộc Sán Chí, Nùng, Sán Dìu của nghệ nhân trong các làng bản. Trở lại ngã tư thị trấn Chũ, ngược lên 5km theo quốc lộ 31, du khách ghé thăm đền Hả, di tích cấp Quốc gia…
Chỉ một tour du lịch ngắn, với chừng ấy địa điểm cũng đủ cho du khách tham quan, vãn cảnh, để khi chia tay Lục Ngạn vẫn đầy vấn vương, lưu luyến... Về miền quả ngọt, thưởng thức trái ngọt, nhưng ngọt hơn vẫn là lời mời của người Lục Ngạn hẹn mùa sau lại về và về với mùa hội Xuân, vui cùng trai làng, gái bản dặt dìu qua câu sloong hao, câu sli, câu lượn trong Ngày hội Văn hoá- Thể thao các dân tộc Lục Ngạn, để thêm yêu mảnh đất này.
Bá Đạt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét