Đều đặn từ sáng sớm, ông Nguyễn Văn Quân, 44 tuổi, xã Tân Long, thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng cùng người làm thuê tất bật ra đồng nhổ năn. Ông Quân là một trong số hơn 100 hộ dân ở xã trồng năn và xem đây là nghề chính của gia đình suốt 5 năm nay.
Năn là loại cây thuộc họ cói, được thu hái quanh năm và sử dụng như một loại rau ăn sống hoặc chế biến thành nhiều món ăn. Loại cây này mọc ở nhiều tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Long An, Cà Mau... song nơi có năn nhiều và ăn năn sành điệu là dân Bạc Liêu và Sóc Trăng.
Theo ông Quân, nghề trồng năn khá dễ vì loại cây này thích hợp với điều kiện vùng đất trũng phèn, sinh trưởng mạnh vào mùa mưa. "Ngày xưa cây năn chỉ là loại cây cỏ mọc hoang, không có giá trị kinh tế. Qua thời gian, thương lái thu mua, bán đi nhiều tỉnh lân cận nên nó ngày càng có giá trị", ông chủ khu ruộng 5.000 m2 trồng năn cho biết.
Cũng theo ông Quân, công đoạn nhổ năn khá quan trọng, đòi hỏi phải kinh nghiệm làm nghề để năn không bị đứt gãy. Khi nhổ, người thợ cần dùng lực không quá mạnh, chọn những cây vừa mọc nhô lên khỏi mặt nước khoảng một gang tay.
Bà Trần Thị Út Nhì, 49 tuổi, nhổ năn thuê cho ông Quân đã nhiều năm nay. Bà cho biết, mỗi ngày làm 3 giờ kiếm được 100.000 đồng. Không riêng bà Út Nhì, thị xã Ngã Năm có nhiều người làm nghề này, đặc biệt là phụ nữ.
Thông thường, người dân bắt đầu nhổ năn từ tờ mờ sáng và đến khoảng 9h họ kéo những sọt nhựa chở năn vào chòi để phân loại.
Ông Quân xếp những bó năn cho gọn và thẳng. Mỗi ngày ông thu hoạch khoảng 150 kg, bán cho thương lái với giá 5.500 đồng một kg.
Ông Quân cho biết khoảng một tháng nay, ruộng năn của gia đình cho thu hoạch liên tục mỗi ngày. Trung bình mỗi tháng, ruộng năn cho gia đình thu nhập khoảng 30 triệu đồng.
Năn thành phẩm được người thợ phân loại, cắt đúng kích thước khoảng 30 cm, rửa sạch cột lại thành từng bó. Trong lượng mỗi bó từ 600 gram đến một kg tùy yêu cầu của thương lái.
Trong quá trình phân loại năng thành phẩm, nông dân thường dùng nước tưới đều lên những bó năn để tránh bị héo.
Thương lái đến tận ruộng năn của gia đình ông Quân để thu mua.
Theo nhiều người dân ở xã, cây năn được thương lái thu mua ngày càng nhiều nên người trồng không phải lo lắng đầu ra. Giá trị kinh tế của năn hiện cao gấp 2-3 lần so với canh tác lúa trên cùng diện tích nên có những hộ trước đây trồng lúa, nay đã cải tạo ruộng để trồng năn.
Một thương lái chở năn đi giao bán tại các nhà hàng, chợ, siêu thị ở Sóc Trăng.
Cây năn sau khi được bóc vỏ có màu trắng non khá ngon mắt. Đây là loại rau sạch được nhiều người ưa chuộng dùng để ăn kèm lẩu mắm, hoặc nấu canh cá, canh cua đồng...
Nguyệt Nhi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét