23 thg 5, 2020

Chiêm ngưỡng nghệ thuật điêu khắc đình Long Thái

Trải qua hàng trăm năm lịch sử, đình Long Thái ở xã Thái Sơn, huyện Đô Lương không chỉ là di tích lịch sử nổi tiếng mà còn là công trình nghệ thuật có kiến trúc độc đáo. 

Đình Long Thái được xây dựng từ lâu đời và được làm lại vào năm 1842 để thờ thành hoàng làng là Vua Lê Trang Tông. Đình khởi công được mấy tháng thì dừng lại, 2 năm sau mới thi công tiếp. Thời đó, khi làm ngôi đình này đã có 18 chủ thợ mộc đại diện cho các tổ thợ trong vùng tập trung về làng Vĩnh Long bắt thăm để chọn tổ thợ thi công. 


Đình Long Thái gồm 2 tòa hạ đình và thượng đình. Hạ đình là 1 ngôi nhà 5 gian chủ yếu làm bằng gỗ mít, được thiết kế theo kiểu cung - dục - oai bẩy - trông trụ, dài 23m, rộng 11m. Bộ khung ngôi đình là một tác phẩm điêu khắc đồ sộ, độc đáo. Ảnh: Huy Thư 

Khấu, cốt nâng... của đình được chạm mặt hổ phù, hình rồng khá đẹp. Ảnh: Huy Thư 

Hai vì hồi của đình Long Thái là những tác phẩm tuyệt mỹ hội tụ tài năng điêu khắc của người nghệ nhân xưa. Trên các vì hồi này, "tứ linh" được miêu tả một cách sống động uyển chuyển với mật độ điêu khắc chạm trổ dày đặc. Ảnh: Huy Thư 

Các trụ, đấu, hòn kê... nâng đỡ hoành đình cũng được thiết kế, chạm trổ một cách tài hoa. Ảnh: Huy Thư 

Trên những kẻ mái, kẻ hồi, đều được chạm lộng, chạm bong kênh 2 mặt các đề tài "tứ linh", "tứ quý"... Thông qua các mảng chạm khắc người xưa muốn gửi gắm, chuyển tải đến thế hệ mai sau những thông điệp nhân văn cao đẹp. Ảnh: Huy Thư 

Một điều đặc biệt khác trong kiến trúc đình Long Thái là nâng đỡ đường chân thủy có gần 20 chiếc bẫy hiên. Theo người dân địa phương, sau khi đình được dựng xong, một người thợ mộc đi qua thấy đình cao, mái ngắn, cho rằng khi tế lễ gặp mưa sẽ bị tạt: “Quan viên ướt áo, Quan lão ướt quần", nên tổ thợ mộc thi công đã cho cắt ngắn 24 cột đình và nối thêm các mái đình bằng những chiếc bẫy hiên. Các bẫy hiên được chạm khắc những hình ảnh khác nhau. Ảnh: Huy Thư 

Ngoài phần gỗ, trên các đầu đao, bờ nóc, bờ dải của hạ đình, các linh vật được xây đắp một cách sinh động, tạo cho đình những đường cong mềm mại, uyển chuyển. Năm 2020, chính quyền và nhân dân địa phương đã phục hồi lại thượng đình 3 gian với kinh phí hơn 800 triệu đồng bằng nguồn xã hội hóa. Hiện, cổng trước của đình đang được thi công. Năm 2006, UBND tỉnh Nghệ An đã ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử văn hóa Đình Long Thái. Ảnh: Huy Thư 

Huy Thư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét