Nhà thờ Mằng Lăng được xây dựng trong khuôn viên 5.000 m2, theo lối kiến trúc Gothic. Trên đỉnh của nhà thờ là hai tháp chuông hai bên, ở giữa là thập tự giá, biểu tượng của thánh đường. Mặt tiền là những lối vào hình mái vòm, các cửa sổ hình búp măng xung quanh phía trên tường bao bọc nhà thờ. Không chỉ mang phong cách kiến trúc xuất xứ châu Âu, nhà thờ Mằng Lăng còn có những họa tiết chạm trổ tinh xảo, toát lên chất mộc mạc văn hóa Việt trên những cánh cửa chính bằng gỗ.
Khuôn viên nhà thờ thoáng mát, rợp cây xanh, trước sân có một khu hầm nhỏ, được xây dựng khá kỳ công trong lòng một quả đồi giả. Bên trong hầm lưu giữ cuốn sách "Phép giảng tám ngày" và nhiều bức điêu khắc chạm trổ kể lại những câu chuyện về Chân Phước Anre Phú Yên(1625-1644), là một trong những vị quan thầy của giáo lý viên và giới trẻ Công giáo thế giới.
“Phép giảng 8 ngày” là tên của cuốn sách Quốc ngữ đầu tiên với 319 trang, mỗi trang in thành 2 cột, được in song ngữ bằng tiếng Latin (bên trái) và chữ Quốc ngữ sơ khai (bên phải), do tác giả Alexandre de Rhodes soạn. Trên cuốn sách vẫn còn rất rõ dòng chữ ghi tên tác giả là Alexandre de Rhodes. Trải qua thời gian và cải tiến của nhiều thế hệ người dùng, chữ Quốc ngữ đã tồn tại và phát triển đến ngày nay và trở thành chữ Quốc ngữ chính thức của dân tộc Việt Nam.
Nhà thờ Mằng Lăng là một trong những nhà thờ cổ, được xây dựng vào năm 1892 tại xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
Nhà thờ sơn màu xanh xám giản dị.
Những khung cửa hình búp măng kiểu Gothic.
Bên trong giáo đường rộng lớn của nhà thờ Mằng Lăng.
Trước sân còn có một khu hầm nhỏ, được xây dựng khá kỳ công trong lòng một quả đồi giả.
Không gian huyền bí bên trong hầm.
Dưới hầm có một nơi dành cho giáo dân cầu nguyện.
Trên bức tường hầm khắc hình ảnh ghi lại Thầy giảng Anrê Phú Yên được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong Á thánh Anre Phú Yên năm 2000.
Các hình ảnh lưu niệm về Á thánh Anrê Phú Yên.
Những hình ảnh về lễ phong Chân Phước Á thánh Anrê Phú Yên năm 2000.
Tóc Á thánh Anrê Phú Yên được lưu giữ trong hầm.
Cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên của linh mục Alexandre de Rhodes được lưu giữ tại nhà thờ. Ảnh: Tư liệu
Nhà thờ Mằng Lăng thu hút du khách trong và ngoài nước.
Theo các bậc cao niên trong vùng, tên gọi Mằng Lăng là lấy từ tên của một loài cây trồng rất nhiều ở vùng này cách đây hàng thế kỷ. Trong nhà thờ ngày nay còn giữ một bàn gỗ mặt tròn làm bằng gỗ mằng lăng, có đường kính 1,7m.
Tồn tại gần 130 năm, nhà thờ Mằng Lằng như một chứng nhân lịch sử, một công trình kiến trúc đặc sắc nằm trên mảnh đất “Hoa vàng trên cỏ xanh” nổi tiếng của Phú Yên với những bãi biển trong xanh và cát trắng mịn màng. Nhà thờ Mằng Lăng thực sự là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước trong hành trình du lịch Phú Yên.
Bài và ảnh: Đặng Kim Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét