30 thg 5, 2020

Chả yến mạch lá lốt, món chay của sự tiếp nối

Có thật nhiều điều để nhớ về Huế mỗi khi nhắc tới. Với một người đam mê ẩm thực, khó có thể bỏ qua Huế trong những món chay. Từ cầu kỳ cho đến giản đơn thì vẫn phảng phất đầy đủ tính cách Huế. Đôi khi, tôi vẫn ghé những nhà hàng, quán chay để thưởng thức. Nhưng ẩm thực chay xứ Huế trong tôi bắt nguồn từ người chị thuần chất Cố đô mà tôi quen biết.

Món chả yến mạch lá lốt béo dẻo, thơm lành 

“Ăn chay mà ngon thế này thì em ăn cả đời cũng được”. Tôi thốt lên câu đó khi được chị thiết đãi một bữa cơm chay thân mật với rất nhiều sự mới lạ. Trong đó, chú ý nhất là món ăn được làm từ yến mạch lá lốt. Tôi đã mắt tròn mắt dẹt bởi sự kết hợp này.

Tôi quen chị trên một diễn đàn về món chay cùng với lời hứa hẹn khi nào vào Huế chị sẽ đãi. Chị là thành viên tích cực của nhóm ăn chay với nhiều chia sẻ về cách làm món chay sao cho ngon, hấp dẫn. Vậy là tôi vào Huế và gặp chị, cảm nhận được nguồn năng lượng bình an từ một người thuần chay.

Chị là dâu cả trong một gia đình dòng dõi hoàng tộc của Huế. Từ đi đứng, nói năng cho đến cả lúc nấu nướng, chị vẫn giữ lấy “nét dịu dàng pha lẫn trầm tư” mà mảnh đất này “di truyền” đến mỗi người con gái. Gia đình chị gần như là thuần chay. Ngày rằm và mồng một thường ăn rất kỹ. Những ngày còn lại trong tháng thì có thể nới lỏng ra khi thêm vào các loại ngũ vị tân như hành, tỏi, hẹ, kiệu… Tôi ghé chị vào một ngày “nới lỏng” như thế, nên mới có cơ hội được thưởng thức một món chay thật sự “đỉnh” – chả yến mạch lá lốt.

Tôi tò mò quá đỗi vì sao lại có sự kết hợp này. Bởi yến mạch vốn là một loại ngũ cốc ngoại nhập, nên đây không thể là một món cổ truyền về chay. Nấu ăn cũng chứa đựng vô vàn sự ngẫu hứng. Những món ăn chị nấu bây giờ chính là sự kế tiếp của ngày qua, của mẹ, của dì đã chỉ dạy.

Trong các món chay vẫn thường hay kết hợp cùng lá lốt. Có thể là đậu khuôn cuốn lá lốt, phù chúc cuốn lá lốt. Nhưng yến mạch cuốn lá lốt đưa đến một sự mới mẻ. Đó dường như là món chay của rất nhiều những điều giao thoa. Bởi trong đó có mùi hương thơm lừng đặc trưng từ lá lốt, và sự béo dẻo, mới lạ của yến mạch.

Món ăn này rất dễ thực hiện. 3 nguyên liệu chính là yến mạch, lá lốt và hành tây. Chỉ cần muối, nước mắm chay và tiêu xay làm gia vị là đủ. Đầu tiên, cho nước vừa phải vào phần yến mạch để yến mạch quánh dẻo. Hành tây cắt hạt lựu nhỏ cho vào hỗn hợp, trộn đều. Thêm muối, mắm chay và một ít tiêu xay vào cùng sao cho vừa hợp khẩu vị. Tôi tham gia vào khâu cuối khi tự tay cuốn từng chiếc lá lốt với phần nhân chị làm sẵn. Sau đó cho vào chảo dầu và chiên.

Dễ mà lại không dễ, đơn giản mà không đơn giản, với tôi, điều đó nằm ở khâu cuốn lá lốt. Với một đứa cũng ham làm những đồ về thủ công, tôi vẫn loay hoay không biết cách để những thanh chả lá lốt tròn, đẹp, đều tăm tắp và không hề bị bung ra như chị.

Chị nói thêm rằng, yến mạch có sẵn vị béo, rất dễ để làm nên các món ăn ngon. Thêm hành tây vào để mang lại vị ngọt tự nhiên sẵn có. Còn hương thơm của lá lốt thì bao thế hệ đều mê mẩn. Bởi thế, biết cách kết hợp các loại nguyên liệu cũng là cách hạn chế sử dụng những gia vị hóa học không tốt cho sức khỏe. Đây cũng là món chị hay làm để đãi những người bắt đầu với chuyện ăn chay, vì nó quyến rũ về mọi mặt.

Chả yến mạch lá lốt là món ăn của rất nhiều sự tiếp nối, giữa truyền thống và hiện đại, giữa phương Đông và phương Tây, giữa món mặn và món chay. Nó thật dễ thuyết phục cho những ai bước đầu làm quen với ăn chay. Đó cũng là mong muốn của chị khi tiếp tục cuộc hành trình khám phá sự thú vị của rau củ, để có những món ngon, tiếp nối thêm nhiều điều an lành đến mọi người. Gặp chị, tôi thêm hiểu vì sao người ta đến Huế để ăn chay.

Bài, ảnh: YÊN THƯỜNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét