19 thg 5, 2020

Nét độc đáo của hai bảo vật quốc gia

Mới đây, tượng đôi sư tử đá chùa-đền Bà Tấm và chuông Nhật Tảo đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là những bảo vật quốc gia. Đây là hai bảo vật có sức sống lâu bền với thời gian gắn với những dấu mốc lịch sử quan trọng của Việt Nam đồng thời là đỉnh cao nghệ thuật điêu khắc đá và đúc đồng trong di sản văn hóa nước nhà. 

Tượng đôi sư tử - Tuyệt đỉnh của nghệ thuật điêu khắc


Tượng đôi sư tử đá chùa - đền Bà Tấm đặt tại Di tích chùa - đền Bà Tấm, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Báu vật này xuất hiện từ Thế kỷ XII (Thời Lý) được làm từ đá có kích thước lớn (cao 110, rộng 140 cm) và đặt trang trọng tại tòa Tam bảo của chùa.

Khuôn viên cụm di tích chùa, đền bà Tấm tại xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Cận cảnh đôi sư tử đá chùa - đền Bà Tấm.

Chữ “Vương” được tạc trên trán đôi sư tử đá.

Đôi sư tử đá này được coi là một trong những biểu tượng đỉnh cao của kỹ thuật điêu khắc đá vương triều nhà Lý.

Tượng được tạc từ khối sa thạch với kỹ thuật tạo hình điêu luyện.

Đôi tượng sư tử đá được đặt trong gian chính điện. 


Đôi sư tử đá chùa- đền Bà Tấm là một biểu tượng đỉnh cao của kỹ thuật điêu khắc đá của vương triều nhà Lý thể hiện bàn tay tài hoa và óc thẩm mỹ cao của nghệ nhân.Trên tác phẩm thể hiện các đường nét chạm khắc tinh tế, mang nhiều ý nghĩa triết lý đạo Phật, đồng thời thể hiện rõ sự uy nghiêm, quyền năng của một linh vật mang dấu ấn trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam ở thế kỷ XII.

Chuông Nhật Tảo - Dấu ấn sử liệu thành văn

Chuông Nhật Tảo là hiện vật tại Di tích đình Nhật Tảo, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội được làm bằng đồng, có trọng lượng 6kg. Chuông Nhật Tảo là cổ vật độc bản duy nhất ở thế kỷ X cho đến nay có hình dáng độc đáo, khác biệt so với hệ thống chuông chùa ở Việt Nam. Họa tiết trang trí trên thân chuông thể hiện đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc và nghệ thuật đúc đồng thời bấy giờ.

Chuông Nhật Tảo còn nguyên vẹn dù có tuổi đời hàng ngàn năm.

Chuông Nhật Tảo được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2020.

Chuông Nhật Tảo được xem là quả chuông duy nhất có niên đại từ thế kỷ X còn thấy ở Việt Nam.

Chi tiết linh vật trên phần cao nhất của chuông Nhật Tảo. 


Chuông có bản viết văn rất cụ thể, là nguồn sử liệu chân thực, ý nghĩa đối với việc nghiên cứu, tìm hiểu xã hội người Việt thời tự chủ. Bản viết hay còn gọi là bản minh xuất xứ từ năm 948 giúp chúng ta hiểu sâu hơn về lịch sử làng xã, tôn giáo, đặc biệt là Đạo giáo trong đời sống tâm linh của người Việt ở thế kỷ X. Đây cũng là tài liệu hiện vật đầu tiên và duy nhất cho đến nay thể hiện mối quan hệ song hành giữa Đạo giáo và Phật giáo trong đời sống tâm linh của người Việt vào thời Lý - Trần. 

Bài: Bích Vân - Ảnh: Việt Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét