20 thg 5, 2020

Độc đáo điệu múa sư tử mèo của người Tày, Nùng

Trải qua quá trình sinh sống, phát triển, đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở Ðắk Nông vẫn còn gìn giữ, lưu truyền những nét văn hóa đặc trưng, mang đậm bản sắc dân tộc; trong đó, phải kể đến điệu múa sư tử mèo.

Ðây là một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống được biểu diễn trong các dịp lễ, tết của người Tày, Nùng. Theo quan niệm của họ, sư tử là tượng trưng cho sự thịnh vượng, sư tử đi đến đâu là mang theo hạnh phúc, no đủ và niềm vui đến đó. Người Tày, Nùng cho rằng, múa sư tử mèo để xua đi những điều xấu, do vậy khuôn mặt mèo càng dữ tợn càng tốt, điệu võ càng mạnh mẽ càng hấp dẫn. Nếu thiếu điệu múa sư tử mèo là thiếu đi một phần linh hồn của ngày hội và màu sắc rực rỡ của ngày xuân. 

Múa sư tử mèo đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của người Tày, Nùng mỗi dịp lễ, tết 

Ðể múa sư tử mèo, người múa phải điều khiển một chiếc đầu có hình dáng gần giống đầu sư tử, nhưng có khuôn mặt của con mèo. Ðể làm được đầu sư tử mèo bền đẹp, bắt mắt phải mất hơn 1 tuần. Nghệ nhân phải tìm chọn loại đất lấy ở giữa dòng sông, suối, sau đó được đem giã nhuyễn, cho nước quánh mịn. Ðầu sư tử phải được nặn giống nguyên mẫu, dáng hình phong phú, đẹp. Nặn xong hình mặt thì đem phơi, cho đất sét khô lại rồi dán giấy bồi, sau đó là công đoạn sơn vẽ các màu, tạo nên hình thù, gương mặt mèo hợp lý, bắt mắt. Cuối cùng là gắn các mảnh vải nhiều màu sắc, bông, lông vào đầu và tạo đuôi sư tử mèo.

Đầu sư tử mèo hoàn chỉnh có hình tròn giống chiếc nón vành rộng, đường kính khoảng 60 cm, có mắt mũi to, mồm rộng, tai nhỏ, lông mày, 3 chiếc sừng, lưỡi và râu mép trông dữ tợn. Thân sư tử mèo rộng khoảng 1 m, dài 2 m được may vá với nhiều màu sắc sặc sỡ. Phía trong đầu có 2 thanh ngang bằng gỗ để làm tay cầm khi múa. Mỗi con sư tử mèo có khuôn mặt, sắc thái riêng, không con nào giống con nào.

Múa sư tử mèo có các động tác cơ bản là xuống tấn, đi đường, múa chào, kính bái các miếu, các gian thờ cúng. Trong bài múa sư tử mèo, không thể thiếu phần biểu diễn các động tác võ thuật như các bài quyền, kiếm, binh khí thể hiện sức mạnh, sự dẻo dai của con người. 

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có rất ít hộ đồng bào dân tộc Tày, Nùng còn lưu giữ sư tử mèo, các loại nhạc cụ dùng múa sư tử mèo 

Những người có kinh nghiệm từ 10 năm trở lên mới được múa đầu sư tử mèo đen (sư tử có uy thế trong đội múa). Đây phải là người rất sành sỏi, giỏi giang, có thể biết người nào múa sai để chỉnh đốn. Vào những ngày hội lớn hay công việc hệ trọng của địa phương mới được múa sư tử mèo đầu đen, trước đó phải làm lễ cẩn thận, theo đúng cách thức truyền thống. Thông thường một đội múa sư tử mèo ít nhất phải có 8 người, càng nhiều người múa thì càng hay, mỗi con sử tử mèo chỉ được một người múa.

Cũng như múa sư tử của các dân tộc khác, múa sư tử mèo của người Tày, Nùng không tách rời khỏi nhạc và trò diễn; dàn nhạc phải đủ trống, chiêng, chũm chọe, thanh la. Trong đội múa sư tử mèo, dẫn đầu thường là những thanh niên khỏe mạnh, mặc sắc phục truyền thống, mang gậy đôi, kiếm, tẳng giảo (binh khí của người Nùng)..., thể hiện các thế võ mạnh mẽ, dứt khoát. 

Múa sư tử mèo tại Lễ hội lồng tồng được tổ chức hằng năm ở xã Nam Xuân (Krông Nô) 

Với những giá trị văn hóa truyền thống đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Múa sư tử mèo của người Tày, Nùng là loại hình Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2017. Tuy nhiên hiện nay, được biết trên địa bàn tỉnh không còn nghệ nhân biết làm đầu sư tử mèo, có rất ít các nghệ nhân biết múa sư tử mèo và chỉ còn vài hộ còn gìn giữ được sư tử mèo. Trong khi đó, nhu cầu thưởng thức, sử dụng sư tử mèo trong các lễ hội của người dân lại rất cao. Người Tày, Nùng ở Đắk Nông phải đặt mua sư tử mèo ở các tỉnh phía Bắc mang vào để sử dụng, lưu giữ cẩn thận.

 
Anh Mã Văn Tá, nghệ nhân có kinh nghiệm múa sư tử mèo lâu năm ở thôn Thanh Sơn, xã Nam Xuân (Krông Nô) cho biết: Múa sư tử mèo của người Tày, Nùng là hình thức múa trò với nhiều loại như: bái lạy, chào nhau, sư tử đẻ con, nhảy bàn, múa võ... Để phục vụ các trò diễn, sự ngẫu hứng của dàn nhạc khi diễn tấu là vô cùng quan trọng. Người đánh trống phải nắm bắt nhanh sự chuyển động của động tác múa để sáng tạo kịp thời những tiết tấu phù hợp. Người đánh trống càng giỏi, sự hòa theo của thanh la, chũm chọe càng nhịp nhàng thì trò múa càng hấp dẫn.

Sau khi sử dụng trong các lễ hội, sư tử mèo và các loại nhạc cụ phục vụ múa được người Tày, Nùng trân trọng, cất giữ cẩn thận, coi đó là tài sản quý giá của gia đình, dòng tộc và địa phương nơi sinh sống.

Bởi vậy, để bảo tồn và phát huy hơn nữa các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp Nhân dân cần tăng cường hơn nữa. Tỉnh, ngành chức năng cần quan tâm, nghiên cứu đào tạo thế hệ trẻ biết chế tạo, múa sư tử mèo. Qua đó góp phần gìn giữ, phát huy và quảng bá loại hình di sản văn hóa truyền thống này; tạo nên sự đa dạng, phong phú trong kho tàng văn hóa dân gian trên địa bàn tỉnh. 

Bài, ảnh: Y Krăk

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét