12 thg 2, 2020

Đường nào về La Mã?

Đường nào về La Mã?

Đó là tỉnh lộ 887, đi từ Bến Tre đến xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm. Tới ngã ba Sơn Đốc thì quẹo phải, đi khoảng 300 met thì thấy bên trái có con đường nhỏ mang tên Lộ La Mã. Đi hết con Lộ La Mã này (khoảng hơn 2 km) thì ta thấy một ngôi nhà thờ, đó là Nhà thở họ đạo La Mã, hay còn được gọi là Nhà thờ Đức Mẹ La Mã. Bạn đã tới La Mã!



Nhà thờ La Mã không lớn, lại ở một nơi khá heo hút, vắng vẻ, thế nhưng đây lại là một Trung tâm hành hương quan trọng của người Công giáo. Bởi vì nơi đây lưu giữ bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, bức ảnh linh thiêng đã hiện hình sau khi bị mờ hình ảnh hơn 3 tháng nằm dưới kinh nước.

Xin được kể lại câu chuyện này dựa theo tư liệu của giáo phận Vĩnh Long.

Tại làng Hiệp Hưng, Tỉnh Bến Tre, thuộc Giáo Phận Vĩnh Long có một nơi gọi là Bầu Dơi. Nơi đây là một cánh đồng trũng bỏ hoang, cây cối mọc um tùm, là nơi dành cho chim cò dơi cú đến tụ họp. Dân chúng vùng này phần đông quây quần tụ họp chung quanh chợ Sơn Đốc, cách Bầu Dơi chừng hai cây số. Khoảng năm 1930, cha sở Cái Bông là cha Lu-ca Sách ở gần đấy, sai một thầy đến giảng đạo và cất một ngôi Nhà Thờ nhỏ ở gần khu chợ để làm nơi phượng tự và giảng dạy những người tân tòng. Dịp này, cha Lu-ca Sách có tặng nhà thờ một bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Từ năm 1945, chiến tranh làm cho họ Cái Bông và Sơn Đốc không giao thông được với nhau.

Mãi tới năm 1947, chiến tranh lan rộng, dân chúng Sơn Đốc phải tản cư hết, trong số đó có 11 gia đình tản cư lên Bầu Dơi. Thế là nhóm Công Giáo này không có Linh Mục chăm sóc. Mấy năm sau họ mới tiếp xúc được với xứ Cái Sơn do cha Phê-rô Dư cai quản, cách xa tới 20 cây số. Sau đó một năm, dân làng Bầu Dơi cất được một ngôi Nhà Thờ làm nơi thờ phượng. Ngày 11/11/1949, Đức Cha Vĩnh Long Ngô Đình Thục (bào huynh của tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm) về làm phép Thêm Sức tại Cái Sơn, ngài đã thân hành đến thăm Bầu Dơi và đổi tên là họ La Mã, Bến Tre. Từ đó La Mã xuất hiện tại Việt Nam.



Hình Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp

Hình nguyên thủy

Sự kiện Đức Mẹ hiện hình, được gọi là Sự kiện La Mã xảy ra vào năm 1950, được ghi lại trong cuốn sách nhỏ có phép in của Đức Giám Mục Phêrô Ngô Đình Thục như sau:
  • Ngày 1/2/1950, sau cuộc ruồng bố trở về nhà, anh Thành thấy mất tượng ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Đến trung tuần tháng 5, một bà lão Cao Đài đi xúc cá gặp được cái khuôn ảnh ấy ở giữa rạch, còn đủ kiếng, nhưng ảnh đã phai màu hết, chỉ còn để lại mảnh giấy xám xám lăng nhăng vài lỡ rách. hay tin, anh Thành đến nhìn và xin lại đem về nhà đút vô kẹt vách để đó. Sau ông Hạt, là cha ruột của anh Thành đến nhà thăm con, thấy vậy sợ tội mới đem về nhà riêng để trên bàn thờ trước tấm vách đơn sơ ở giữa nhà.
  • Ngày 7/10/1950, một lần nữa La Mã dưới làn mưa bom đạn. Cuộc tổng ruồng dữ tợn, tiếng súng nổ như bắp rang, khói lửa mịt trời. Thiên hạ phải tản cư chạy hết.
  • Ông Hạt và người con trai út tên Trọng hay tin trễ không chạy kịp, nên chịu phép, lại núp dưới tấm vách lá sau bàn thờ. Hai cha con réo Đức Mẹ liên miên. Những viên đạn ào ào hoạt động, nhà ông Hạt như nhiều nhà khác bị đạn xuyên qua tơi bời, duy có bàn thờ và tấm vách lá sau bàn thờ là khỏi đạn thôi.
  • Đến lúc tiếng súng đã im hẳn, thiên hạ bắt đầu hồi cư, hai cha con thấy mình thoát chết mừng quá, chạy ra trước bàn thờ, đọc kinh cám ơn Chúa. Vừa ngó lên bàn thờ, hai cha con sững sờ. Phép lạ, phép lạ! Ông Hạt nói: "Đức Mẹ hiện ra kìa", ông réo lối xóm chạy lại coi sự lạ. Ai nấy vừa hồi cư, mình mẩy còn ướt mèm chạy lại nhà ông Hạt thì thấy; ảnh Đức Bà Hằng Cứu Giúp mấy tháng trước mất hẳn hình rày lộ rõ lại, duy chỉ có hai mũ triều thiên trên đầu Đức Mẹ và Chúa Giêsu là còn lu thôi. Hai mũ nầy đến ngày 15/8/1951, nhằm lễ Đức Bà Mông Triệu, hai triều thiên ấy mới lộ rõ.
  • Tiếng sự lạ nầy đồn ra, Cha Luca Sách, Cha sở Họ Cái Bông, với sự dè dặt rước tượng ảnh ấy về để tại nhà thờ Cái Bông đến ngày 20/6/1951. Sau khi trang sức lại nhà thờ, thì bổn đạo rước Đức Mẹ trở về La Mã.

Giáo dân kính ngưỡng trước hình Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp

Từ đó, tin Đức Mẹ hiện hình đồn ra khắp nơi và người ta tuôn đến La Mã cầu xin Đức Mẹ đông đúc vô ngần. Nhiều người đã tuyên bố mình đã được phép lạ tỏ tường… Trước lòng cậy trông và sùng kính của dân chúng, Đức Giám mục Vĩnh Long đã ban một tâm thư huấn dụ như sau:

“Dù Bề Trên chưa đoán định hư thật thế nào, Toà ta không cấm bổn đạo đến viếng Nhà Thờ ấy, miễn là sẵn lòng vâng phục lý đoán Hội Thánh sẽ ra, sau khi đã truy cứu rõ ràng cẩn thận, và miễn là hằng nhớ mình đến viếng nơi Thánh ấy cho được cầu nguyện và hãm mình, không phải đi du lịch, ăn chơi sung sướng. Cho nên Ta khuyên lơn ai đi đến nơi ấy – từ hàng Giáo Sĩ cho đến bổn đạo thường – như không ăn chay được thì ít ra kiêng thịt và không dùng các thứ rượu. Nếu không thức được trót đêm cầu nguyện thì it là thức một giờ làm Giờ Thánh hay là lần hạt Mai Khôi.Nếu không thinh lặng được thì nói nhỏ tiếng, không nên ồ ạt, cợt giỡn vì là nơi Thánh. Nam nữ không nên trà trộn, nhất là nhựt một chiều rồi. Người nữ phải ăn mặc nết na kín đáo, không nên lòe loẹt son phấn.Ta khuyên ai nấy đừng lợi dụng chốn thánh mà buôn bán kiếm lời hoặc phổ khuyến xin khất gì.

Muốn cho ai nấy dễ bề chịu các phép Bí Tích thì ta ban cho các cha đã có quyền giải tội trong Địa Phận mình cũng được giải tội ở La Mã.

Sau hết ta ước ao cho những kẻ tưởng mình đã được ơn riêng Đức Mẹ ban ở La Mã, thì trình bày việc ấy cho cha bổn sở, tốt hơn là xin giấy chứng minh lương y trước khi đi La Mã và sau khi nghĩ mình được ơn riêng Đức Mẹ cho thuyên giảm bệnh tật rồi, gửi giấy má ấy đến tay Cha Sở La Mã”.

Làm huấn lệnh này tại Vĩnh Long ngày 11 tháng 2 năm 1952 cũng là ngày Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức

Ký tên
* Phêrô Ngô Đình Thục
Giám Mục Vĩnh Long
”.

Năm nay là 2020, kỷ niệm 70 năm ngày xảy ra Sự lạ La Mã, Đức Mẹ hiện hình. Tui đến thăm Nhà thờ La Mã và thấy chương trình Lễ kỷ niệm như sau:

Tui không là người Công giáo, nên chắc là không tham dự cuộc hành hương này, xin đăng thông tin để các bạn tham khảo.



Nếu bạn có dịp đến Nhà thờ La Mã, khi ra khỏi nhà thờ hãy đi tiếp một đoạn ngắn, bạn sẽ tới một cây cầu bắc qua sông. Đó là cầu La Mã (xem bản đồ). Vậy là bạn đã đi qua Lộ La Mã, tới Nhà thờ La Mã, và qua Cầu La Mã rồi đó. Đường đến La Mã gần quá phải không?


Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét