5 thg 2, 2020

Độc đáo lễ cúng thần rừng của đồng bào Pu Péo

Lễ cúng thần rừng là một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần đặc sắc gắn với sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng của đồng bào Pu Péo (thôn Chúng Trải, xã Phố Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang). Lễ cúng thần rừng phản ánh niềm tin của con người với thiên nhiên với trời đất và vạn vật và ý thức hướng về tổ tiên nguồn cội, tưởng nhớ tới ông bà tổ tiên đã phù hộ cho cháu con may mắn, mạnh khỏe, làm ra của cải vật chất có bát ăn, bát để... 

Nghi lễ linh thiêng
Tục cúng thần rừng đã có từ lâu đời trong đời sống tín ngưỡng của người Pu Péo. Tại những nơi người Pu Péo sinh sống đều có một khu rừng cấm riêng được người dân giữ gìn và bảo vệ bởi những luật tục và những điều kiêng kỵ. Trong ý thức người dân, rừng cấm là nơi thần rừng cư ngụ và để có cuộc sống no đủ, gia đình được khỏe mạnh, không đau ốm thì dân làng không được phép xâm phạm vào nơi ở của thần rừng, không được chặt cây, lấy củi, săn bắt thú...

Tay cầm cành cây, thầy cúng gọi mời thần rừng và các vị thần . Ảnh: Thanh Hà 

Lễ cúng thần rừng được tổ chức một lần duy nhất trong năm. Với người Pu Péo ở Chúng Trải (Phố Là) lễ cúng thường được tổ chức vào ngày 6/6 (Âm lịch), đúng tiết giao hòa của trời đất. Lễ cúng thần rừng đặc biệt quan trọng với người Pu Péo bởi quan niệm khi chết được đủ 3 năm thì đều được con cháu đưa linh hồn vào ngụ ở trên những cây cổ thụ trong khu rừng nguyên sinh linh thiêng cùng với thần rừng và tổ tiên ngàn đời của họ. Bởi vậy, rừng đặc biệt thiêng liêng với người Pu Péo, họ có ý thức bảo vệ rừng rất nghiêm ngặt, mỗi cánh rừng coi như một cấm địa mà người dân tộc khác không thể bước vào chặt phá tùy tiện được.

Đàn cúng của người Pu Péo khá đơn giản, được làm bằng những cành cây nhỏ, để nguyên lá, cắm xuống đất, cành đan vào nhau. Sau đó thầy cúng lấy lá chuối hoặc lá rong chải lên ban thờ, cơm nắm và trứng luộc được đặt lên đó.

Lễ cúng thần rừng của dân tộc Pu Péo gồm 2 phần: Phần cúng dâng lễ và phần cúng chính. Phần cúng dâng lễ hay còn gọi là cúng sống. Lễ vật cúng thần rừng gồm 2 đôi gà sống, 1 con dê có sừng. Mâm lễ trên giàn tre (các phần cơm thịt hoặc trứng), hương, tiền vàng, đèn dầu hoặc nến cốc. Phần cúng chính hay còn gọi là cúng chín. Lễ vật cúng thần rừng gồm gà luộc 2 con, lòng dê luộc chín (hoặc lòng lợn luộc gồm lòng non, lòng già, gan, phổi) và 1 miếng thịt luộc. Cơm tẻ 50 bát, trứng luộc 50 quả, rượu 3 chai.

Hướng về nguồn cội
Lễ cúng bắt đầu khi thầy cúng gọi mời thần rừng và các vị thần về nhận các đồ lễ và dự hưởng bữa cơm của dân làng; cúng tế gà sống (một đôi gà trống mái) nhằm để tỏ lòng biết ơn trời đất và các vị thần đã phù hộ cho dân bản được khỏe mạnh, làm ăn có bát ăn, bát để, cầu xin các vị thần che chở cho các gia đình không bị tà ma làm hại, gia xúc gia cầm, cây trồng không bị dịch bệnh; cúng tế dê sống mời các vị thần linh về hưởng giấy vàng bạc và dự bữa cơm của tất cả dân làng, đến chứng nhận con dê về chăn thả và phù hộ cho chúng con được khỏe mạnh, bình an, nhà nhà may mắn, dê, bò,lợn, gà, cây trồng không bị dịch bệnh.

Cơm và trứng được chia nhỏ thành từng phần trên hai ban thờ để mời các vị thần . Ảnh: Thanh Hà 

Sau lễ cúng dê sống là lễ cúng gà luộc chín: Gà trống đỏ, con gà mái đen, 4 ly rượu thơm, 2 bát lòng gà, các thần ăn rồi cho tất cả chúng con cùng ăn, cùng hưởng lộc của các thần. Xin các vị thần báo cho xem xương gà cho hiện lên 4 lỗ tốt, đừng thêm lỗ khác ở bên cạnh, cho 4 lỗ bằng vuông, lỗ tốt thì lấy sáp ong gắn vào, lỗ xấu thì đừng cho nhìn thấy.

Tiếp đến, lễ cúng lòng dê luộc chín (lòng được chia làm 4 phần): Mời các thần cùng ăn thử, 4 bát lòng, tim gan phổi có cả nước canh và 4 ly rượu để cúng, mời các vị thần ăn trước, cho người ăn sau, thần ăn hưởng hương khói, người ăn lại của thần cho được may mắn khỏe mạnh lại làm lễ lần sau.

Cuối cùng, lễ cúng giao cơm cho thần: Sau khi làm xong các phần lễ, thầy cúng giao đủ 10 phần cơm phần thịt ở trên giàn cho đại thần cai quản các thần bề dưới, thiếu đâu không đủ, thần chia cho đủ, đủ cho các thần. Cầu mong các thần cùng phù hộ, che chở cho chúng con được mưa thuận gió hòa, nhà nhà bình an, có tài có lộc, lúa ngô tươi tốt, dê ngựa đầy chuồng, nhà nhà may mắn, con cháu sung túc...

Thầy cúng cúng có đoạn: “Xin thưa thần linh, nắm cơm to ở trên cùng là để cho vị thần to nhất, cai quản tất cả các thần bé ở dưới, con xin giao đủ các phần cơm, trứng, thịt, thần linh được ăn rồi con xin giao đủ 4 ly rượu và 5 chén trà, thiếu đâu không đủ, thần chia cho đủ, đủ cho các thần. Ăn rồi các thần cùng phù hộ, che chở cho chúng con được mưa thuận gió hòa, nhà nhà bình an, có tài có lộc, lúa ngô tươi tốt, dê ngựa đầy chuồng... nhà nhà may mắn, con cháu sung túc...!”.

Phần rượu trên mâm lễ được thiếu nữ Pu Péo mời khách . Ảnh: Thanh Hà 

Sau khi kết thúc phần lễ, phần hội diễn ra trong không khí sôi nổi với những lời hát, điệu múa và chơi trò chơi dân gian như chơi đu quay, bập bênh, ném quả Lay Púc, đẩy gậy, đánh yến, đánh cù.

Lễ cúng thần rừng là dịp để mỗi người con dân tộc Pu Péo thắt chặt mối đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau xây dựng môi trường sống lành mạnh, hăng hái thi đua lao động sản xuất, bảo vệ và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Đặc biệt, nghi lễ này mang ý nghĩa quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn các gía trị văn hóa như ngôn ngữ, phong tục tập quán của dân tộc Pu Péo, góp phần làm phong phú thêm sắc màu văn hóa dân gian các dân tộc Việt Nam.

Hồng Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét