16 thg 2, 2020

Về Yên Bái thưởng thức đặc sản Vịt bầu Lục Yên

Chất đất và nguồn nước vùng Ngọc Lục Yên, Yên Bái đã tạo nên nhiều sản vật ngon, được cả nước biết đến trong đó phải kể đến vịt bầu Lâm Thượng. 

Những con vịt bầu ở đây có nguồn gen quý, được chăn thả ngoài tự nhiên, ăn thóc gạo sạch và ốc suối, rêu đá, nên rất thơm ngon.

Vịt chủ yếu được thả ngoài tự nhiên. 

Lâm Thượng nằm bên dòng suối Khuổi Luông trong vắt chảy dọc theo chiều dài của xã. Hai bên suối là những ruộng lúa, nhà sàn, nhà đất của bà con người Tày, người Dao san sát nhau. Dòng suối ấy ngoài nước trong thì các loại thủy sinh cũng rất phát triển, như rêu đá, các loại ốc, ếch, ngóe… đây là thức ăn phổ biến cho vịt ngoài tự nhiên.

Tận dụng lợi thế đó, đã bao đời nay, người dân Lâm Thượng đã cùng nhau nuôi vịt. Nhà nào ít cũng vài con, nhiều hàng chục, hàng trăm con. Trừ những ngày gieo cấy phải nhốt để không phá mùa màng, thì còn lại bà con thả vịt suốt ngày ngoài đồng, dưới suối. Cứ vậy, từng đàn vịt nối đuôi nhau kiếm mồi, lớn lên như vịt sinh sống ngoài tự nhiên.

Loại vịt được bà con nuôi là giống vịt bầu địa phương, đã được bà con giữ từ đời này sang đời khác. Giống vịt này có chân vàng và ngắn, dáng đi lạch bạch; cổ vịt ngắn, ức vịt căng, lông mượt, mỗi con nặng từ khoảng 1,6 đến 2,2kg.

Chị Hoàng Thị Duyên, ở bản Thâm Pớt, xã Lâm Thượng cho biết: "Vịt này lúc bé thì cho ăn gạo, ăn cơm, lớn lên thì ăn thóc. Ăn xong là thả no ra suối, ra đồng chơi để kiếm thêm thức ăn. Khi nuôi được khoảng 1,5 kg trở lên là ăn thịt được. Hiện chúng tôi vẫn nuôi theo phương pháp như thời xưa các cụ để lại". 

Thịt vịt Lâm Thượng. 

Vịt ở đây được bà con nuôi khoảng 4 tháng là bắt đầu chắc thịt, nhưng ngon nhất là vịt từ 5 đến 7 tháng tuổi. Việc làm thịt vịt của bà con các dân tộc ở Lục Yên thường cầu kỳ hơn vào những dịp liên hoan lễ tết, với những món không thể thiếu như: lòng vịt xào rau đắng (một loại lá cây mọc ở rừng núi đá vôi, hoặc dưới tán rừng cây vầu); mọk vịt - là món làm từ cổ cánh, thịt băm nhỏ trộn với hạt dổi, rau răm, củ sả, mùi tàu, thính bột gạo rang... rồi gói lá rong hấp hoặc xôi. Nhưng phổ biến và được yêu thích nhất vẫn là món vịt luộc chấm nước mẻ với rau răm thái nhỏ...

Những người sành ăn chỉ cần nhìn vào bát nước chấm, hay gắp miếng thịt tới ngang miệng đã biết có phải vịt Lâm Thượng hay không? Có lẽ vì thế mà vịt bầu Lục Yên nói chung, vịt Lâm Thượng nói riêng đã có mặt ở hầu hết các quán phố huyện, xa hơn là thành phố Yên Bái.

Nhưng để nó thực sự trở thành những món ăn khó quên, có chỗ đứng trong lòng thực khách thì người chế biến cũng phải có kinh nghiệm. Anh Hoàng Văn Lục, ở xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên nói: "Phần sơ chế là phần quan trọng nhất, trong quá trình làm thì phải làm thật sạch, sát muối kỹ thì vịt mới thơm không có mùi. Còn phần chế biến phải để ý đến nước dùng, nếu luộc thì nước gần sôi mới cho vịt vào thịt mới săn chắc hơn. Còn nếu sôi quá cho vào thì sẽ bị nhũn bên ngoài, bên trong chưa chín hay là sẽ bị đỏ thịt". 

Tiết canh, vịt quay là những món không thể thiếu trong những dịp liên hoan lễ tết. 

Được chăn thả đa phần ngoài tự nhiên, tắm mình giữa những dòng suối mát lành chảy ra từ dãy núi đá nên bởi vậy, vịt bầu Lâm Thượng có thịt thơm, ngọt, ít mỡ, được người dân trong huyện coi là món ngon dùng để thết đãi khách quý, là món quà quý để biếu tặng nhau. Vịt bầu cũng là món ăn được khách phương xa luôn tìm thưởng thức mỗi khi có dịp về với đất Lục Yên và trở thành một trong mười sản phẩm đặc sản nổi tiếng của tỉnh Yên Bái.

Anh Nguyên Đình, một doanh nhân thường có mặt ở Lục Yên tìm mua đá quý nói: "Mỗi lần về Lục Yên phải tìm vịt thường ăn như vịt Lâm Thượng hay Khánh Thiện để ăn, vì vịt ở đây được thả dưới suối sạch, ăn rất ngon. Có nhiều món tôi rất thích chế biến từ vịt, ngoài vịt luộc ra có món bánh vịt, người ta dùng thịt trộn với bánh rồi sôi lên cùng với các gia vị khác, ăn vào nhớ mãi. Món nữa mình thích là lòng vịt nộm với bẹ chuối tươi hoặc dọc mùng ăn vào thấy rất mát và ngon". 

Vịt Lục Yên nấu canh măng. 

Ngày nay, trước nhu cầu của thị trường ngày càng lớn, vịt bầu Lâm Thượng đã được phát triển nuôi rộng khắp ở các xã có điều kiện về nguồn nước, môi trường tương tự như Khánh Thiện, Khai Trung, Tân Phượng, Mai Sơn...

Bên cạnh đó, cũng đã bắt đầu hình thành hệ thống cung ứng – sản xuất và tiêu thụ vịt bầu theo chuỗi giá trị. Đây là tín hiệu tích cực, vì không chỉ bảo tồn và phát triển được giống vịt quý, giúp bà con cải thiện bữa ăn hàng ngày, mà còn giúp bà con nhân dân huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái có thêm thu nhập, nâng cao đời sống.

Thừa Xuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét