TỪ VÀI DÒNG GHI CHÉP
Có lẽ nhiều người Quảng Ngãi đã từng đọc "Non nước xứ Quảng" của nhà biên khảo Phạm Trung Việt và từng xem đây là cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ yêu mến mảnh đất này.
Cánh đồng hành ở xã An Hải (Lý Sơn). Ảnh: NGUYễN ĐĂNG LÂM
Ra đời cách nay hơn nửa thế kỷ, "Non nước xứ Quảng" đã tái bản nhiều lần, kể từ bản in đầu tiên ra mắt năm 1962. Trong sách này nhà biên khảo Phạm Trung Việt có viết khái lược về Lý Sơn trong tiểu mục "Núi, sông, đồng bằng, bờ biển và hải đảo", phần "Địa lý tự nhiên".
Khi nói về lịch sử khai khẩn đảo Lý Sơn, theo bản in năm 1971, Khai Trí Sài Gòn, trang 41, tác giả cho biết: "Xưa, Lý Sơn là một hòn đảo hoang vu. Vào đời vua Lê Kính Tông (1600- 1619), năm 1604 mới có người ở đất liền ra khai khẩn đất đai, định cư lập ra hai phường...".
Có lẽ từ những dòng ghi chép này mà nhiều tài liệu, sách vở khi viết về Lý Sơn, khi nhắc về lịch sử khai phá đảo Lý Sơn đều viết theo sách "Non nước xứ Quảng" của Phạm Trung Việt.
Theo ký ức truyền khẩu và được bao thế hệ người Lý Sơn tôn vinh, việc khai khẩn đất đai Cù Lao Ré ngay buổi đầu xa xăm ấy, thuộc về công trạng của 15 vị tiền hiền ở làng An Hải và An Vĩnh tại vùng cửa biển Sa Kỳ ra khai phá lập nên hai phường An Hải và An Vĩnh ở đảo Lý Sơn: Ở An Hải có 8 người thuộc các họ Nguyễn, Dương, Trương, Trần, Võ, Nguyễn Đình, Nguyễn Văn, Lê; ở An Vĩnh có 7 người thuộc các họ: Võ Văn, Võ Xuân, Phạm Quang, Phạm Văn, Lê, Nguyễn, Trần (sau này mỗi làng phế truất một ông, là ông họ Lê làng An Hải và ông họ Trần làng An Vĩnh, nên giờ chỉ còn 13 vị tiền hiền). Tuy nhiên, qua văn bản Hán Nôm, thì dường như, các vị khai khẩn đầu tiên trên đất Cù Lao Ré lại là những người có họ khác, hay nói chính xác hơn là các ông họ Bùi, vốn ở làng Tư Cung, chứ không phải ở vùng cửa biển Sa Kỳ. Về vấn đề này, có lẽ cần nghiên cứu hết sức nghiêm cẩn trong thời gian tới. |
MỘT BẰNG CHỨNG QUAN TRỌNG
Trong suốt nhiều năm qua, khi tiến hành nghiên cứu về Cù Lao Ré - Lý Sơn, chúng tôi đã tìm thấy hàng nghìn trang chữ Hán - Nôm còn lưu giữ ở các dòng họ. Nhiều tài liệu có từ rất sớm, ngay vào thời Lê Trung hưng với các niên hiệu, như: Hoằng Định (1601 - 1619), đời vua Lê Kính Tông; Cảnh Trị (1663 - 1671), đời vua Lê Huyền Tông; Vĩnh Hựu (1735 - 1740), đời vua Lê Ý Tông; Cảnh Hưng (1740 - 1786), đời vua Lê Hiển Tông...
Trong số các tài liệu cổ xưa này, tôi đặc biệt chú trọng đến một tài liệu gồm 2 trang chữ Hán có niên đại thời Hoằng Định, hiện còn lưu giữ tại nhà ông Dương Pháp, xã An Hải. Sở dĩ tôi chú trọng đến tài liệu này, bởi nó không chỉ là tài liệu có niên đại sớm nhất được phát hiện trên đảo Lý Sơn mà còn cho chúng ta biết khá rõ về một thời xa xăm có những người đi mở đất tại xứ Cù Lao Ré.
Theo tài liệu này, vào ngày 28 tháng 4 năm Hoằng Định thứ 4 (1604), các viên Tá Trung hầu Thủy thuyền Bùi Đức Tiến, các Tướng thần Bùi Văn Hiến, Võ Lương, Trần Ất, Xã trưởng Bùi Đức Thắng, cùng nhiều người khác ở xã Tư Cung, Châu Mi, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi trình bày về việc có xem xét ở địa phận ngoài Cù Lao [Ré] còn phần đất lâm lộc (đất rừng ở chân núi) có thể chặt phá làm sơn điền (ruộng núi), nên khẩn khoản xin ân chỉ được khai phá.
Xét thấy các ông Bùi Đức Tiến, Bùi Văn Hiến, Bùi Đức Quang hoàn toàn không có ruộng đất, thật khó bề sinh sống, nên đồng lòng xin quan trên thương xót phê chuẩn cho được chặt phá sơn điền để sinh sống và kế nghiệp lâu dài. Cuối văn bản có lời phê của quan trên: "Giao cho được đốn chặt [lâm lộc] để canh tác".
Theo văn bản này, việc đầu tiên có thể khẳng định: Mặc dù chỉ nghe thông tin rồi ghi vào "Non nước xứ Quảng", nhưng những dòng ghi chép của nhà biên khảo Phạm Trung Việt trong sách này là phù hợp với nội dung tài liệu mà chúng tôi tìm thấy được ở Lý Sơn. Việc khai mở đất đai ở xứ Cù Lao Ré - Lý Sơn đúng vào năm Hoằng Định thứ 4 (1604), đời vua Lê Kính Tông.
TS. NGUYỄN ĐĂNG VŨ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét