15 thg 2, 2020

Ngắm vẻ đẹp độc đáo của hai nhà thờ lớn nhất Huế

Bên cạnh các công trình kiến trúc cung đình, lăng tẩm, Huế còn được biết đến bởi những nhà thờ Công giáo có kiến trúc độc đáo và lâu đời. Trong đó, phải kể đến 2 công trình nhà thờ nổi bật là Nhà thờ Dòng chúa cứu thế và Nhà thờ Phủ Cam.

Nằm ngay giữa trung tâm thành phố Huế, ngôi giáo đường Dòng chúa cứu thế được xây dựng dưới thời vua Khải Định, khánh thành vào tháng 8 năm 1962 do kiến trúc sư Nguyễn Mỹ Lộc thiết kế.


Kiến trúc của nhà thờ là sự tổng hòa kiến trúc Đông – Tây, mang nhiều nét đặc trưng của một nhà thờ Công giáo La Mã.

Tuy mang hơi hướng Phương Tây trong kiến trúc, nhưng do thiết kế bởi người Việt Nam, nên vẫn mang nhiều nét truyền thống. Điển hình như mái ngói lợp bằng đất nung. Hay ngay giữa nhà thờ, tháp chuông có hình bát giác, cao vút vươn thẳng lên trời: gồm ba tầng với mái giật cấp, xòe rộng.




Nhà thờ có góc đẹp từ mọi phía.

Bên trong nhà thờ có chiều rộng 38m, dài 72m, được thiết kế theo kiến trúc mái vòm cao, tạo cảm giác đồ sộ cho những ai tới đây.




Những đường cong mềm mại trên trần nhà thờ và hệ thống cửa kính nhiều màu sắc hai bên tường giúp không gian thánh đường luôn ngập tràn ánh sáng và không kém phần lung linh, huyền ảo.

Vào những dịp Giáng sinh, nhà thờ được trang hoàng và khoác lên vẻ đẹp huyền bí, lộng lẫy bởi hệ thống đèn tràn ngập màu sắc.


Đây được xem là một địa điểm lý tưởng được nhiều bạn trẻ và du khách tới tham quan và chụp ảnh mỗi khi đến Huế.

Nếu nhà thờ Dòng chúa cứu thế thu hút bởi vẻ ngoài lộng lẫy thì Nhà thờ Phủ Cam lại hấp dẫn bởi vẻ đẹp cổ kính, lâu đời.

Là một kiến trúc thể hiện sự giao thoa giữa nét cổ điển và hiện đại, Nhà thờ Phủ Cam mang theo dấu ấn thời gian chứng kiến những thăng trầm, biến cố của vùng đất cố đô.

Được chính thức khởi công vào năm 1682, nhà thờ Phủ Cam được cho là một trong hai nhà thờ đẹp và lâu đời nhất của Huế. Có tên đầy đủ là Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam, nơi đây có lịch sử gắn liền với thời chúa Nguyễn vào thế kỷ 17.

Nhà thờ Phủ Cam toát lên một vẻ đẹp lịch sử đậm chất Phương Tây cổ điển và say đắm lòng người.

Phía trước nhà thờ là hai bức tượng đúc, bên phải là thánh Phêrô, bên trái là thánh Phaolô cũng là những bổn mạng của giáo xứ Phủ Cam.

Điểm nhấn của ngôi nhà thờ này là phần mặt tiền với hai tháp chuông vươn thẳng lên trời cao như một cuốn kinh thánh mở ra. Nhưng đồng thời cũng mang dáng dấp của một đầu rồng há miệng.


Mặc dù được xây dựng từ vật liệu đá thô kết hợp nhưng chính những đường nét trong thiết kế đã khiến phần mặt tiền của nhà thờ hiện lên vô cùng thanh thoát và mềm mại.

Bên trong nhà thờ được thiết kế mái vòm hình parabol ôm trùm có sức chứa khoảng gần 2.500 người. Vừa tạo cảm giác hiện đại vừa mang hơi hướng cổ điển của các ngôi nhà thờ phương Tây.

Cứ mỗi dịp Giáng sinh về, nơi đây thu hút rất nhiều người dân và du khách đến để có cho mình những tấm hình đẹp.


Nơi đây còn được nhiều cặp đôi lựa chọn để có những bộ ảnh cưới thật đẹp và ý nghĩa.

Có thể nói, nhà thờ Phủ Cam là một trong những tuyệt tác kiến trúc Công giáo nổi bật ở Việt Nam. Công trình này cũng là một trong những điểm nhấn ấn tượng trong sự nghiệp của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, bên cạnh các công trình nổi tiếng khác của ông như Dinh Độc Lập, Viện Nguyên tử Đà Lạt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét