13 thg 2, 2020

Bảo vật nghìn năm

Từ xa xưa, Quảng Ngãi ngày nay đã là một vùng đất đặc biệt. Các nhà nghiên cứu văn hóa nhận định, đây là mảnh đất giàu có vì lẽ di sản của người xưa dày đặc từ trên rừng xuống biển, hiếm nơi nào có được. Dẫu là hữu duyên hoặc cơ duyên chăng nữa, mảnh đất này đã ôm vào lòng bảo vật qua nghìn năm.

Đi qua ba nghìn năm 


Một sự ngỡ ngàng từ trong lịch sử cho đến hiện tại khi đề cập đến văn hóa Sa Huỳnh mà Quảng Ngãi là chiếc nôi của nền văn hóa tiêu biểu này. Trải qua hàng nghìn năm, chuyện về người Sa Huỳnh cổ vẫn luôn mới mẻ bởi sự hiện hữu của những di sản cho đến ngày nay. Bảo tàng Tổng hợp tỉnh hiện đang lưu giữ bảo vật quốc gia là 28 bình gốm hình lọ hoa Long Thạnh, trong đó có 18 bình gốm còn nguyên vẹn. 

Bộ sưu tập bình gốm, bình lọ hoa Long Thạnh. Ảnh: P.Lý 


Hàng nghìn năm vùi sâu trong lòng cát, bình gốm cùng với những ngôi mộ chum của người Sa Huỳnh cổ được phát hiện trong những lần khai quật khảo cổ và đào thám sát ở Long Thạnh, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ). Theo các nhà khảo cổ học, các bình gốm này thuộc giai đoạn sơ kỳ đồng thau, cách nay khoảng trên dưới 3.000 năm. Đây là bộ sưu tập bình gốm có một không hai hiện nay.

Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, TS.Đoàn Ngọc Khôi cho biết: Các thành viên trong Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đã bị thuyết phục bởi giá trị đặc sắc về nghệ thuật tạo hình và trang trí mỹ thuật của người Sa Huỳnh cổ, cho thấy sự khéo léo, tài hoa đạt đến trình độ thẩm mỹ cao. Bình gốm làm bằng kỹ thuật nặn tay kết hợp dải cuộn với chất liệu đất sét được lọc kỹ, pha cát mịn, xương gốm mỏng tương đối chắc, áo gốm tô đỏ, kiểu dáng thanh thoát, hoa văn trang trí phong phú. Nghệ thuật trang trí trên bộ sưu tập bình gốm mô tả cuộc sống của người Sa Huỳnh cổ gắn liền với biển. Qua đây cho thấy nghề thủ công làm gốm rất phát triển của cộng đồng cư dân văn hóa Sa Huỳnh.

Quảng Ngãi hiện lưu giữ nhiều hiện vật của cư dân văn hóa Sa Huỳnh, nhưng vì sao lại đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận bộ sưu tập bình gồm là bảo vật quốc gia? Vì lẽ bộ sưu tập bình gốm được ví như “thẻ căn cước” chứng minh gốc tích của văn hóa Sa Huỳnh.

Đồ gốm văn hóa Sa Huỳnh phát triển đỉnh cao ở giai đoạn sắt sớm vẫn mang dấu ấn nghệ thuật gốm của giai đoạn Long Thạnh sơ kỳ đồng thau, mà đặc trưng nhất là bộ sưu tập bình gốm hình lọ hoa. Điều này góp phần chứng minh tính bản địa của văn hóa Sa Huỳnh, là nền văn hóa thuộc thời đại kim khí phát sinh phát triển ngay trên dải đất miền Trung Việt Nam, là đại diện tiêu biểu để hình thành nên nền văn hóa nổi tiếng.

Pho tượng hiếm có trên thế giới 

Như một cơ duyên khi Quảng Ngãi có được pho tượng tu sĩ chế tác bằng đá thời Chămpa, hiện trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. Tiến sĩ Khôi kể: Năm 1994, tôi bất ngờ nhận được cuộc điện thoại từ Công an tỉnh nhờ đến giám định niên đại của pho tượng thu được từ một người buôn đồ cổ. Trên thế giới chỉ có hai pho tượng tu sĩ của người Chămpa được tìm thấy tính đến thời điểm hiện nay, một đang ở Quảng Ngãi, một ở Indonesia, nhưng khác về phong cách chế tác. Pho tượng này được người dân tìm thấy ở tháp Phú Hưng, tỉnh Quảng Nam, nằm chôn vùi dưới lớp đổ nát. “Tôi rất bất ngờ khi nhìn thấy pho tượng. Chỉ có thể nói là quá tuyệt vời”, tiến sĩ Khôi hồ hởi. 

Pho tượng tu sĩ Chămpa. Ảnh: P.Lý 

Lại một sự thuyết phục tuyệt vời đối với các thành viên của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, pho tượng tu sĩ Chămpa được công nhận là bảo vật quốc gia trong niềm vui sướng của giới nghiên cứu văn hóa. Đây là pho tượng đại diện cho phong cách nghệ thuật Mỹ Sơn A1 thế kỷ X, còn gọi là phong cách nghệ thuật Trà Kiệu muộn. Tượng tu sĩ thể hiện vị thầy thông thái của người Chămpa với phong cách nghệ thuật tạc tượng đạt đến trình độ hoàn mỹ, mang đặc trưng bản địa của văn hóa Chămpa. Đây là tác phẩm độc nhất vô nhị mà cho đến nay ở các đền tháp Chăm của miền Trung cũng như trong các di tích Chămpa lớn như Mỹ Sơn, Trà Kiệu cũng chưa có tiêu bản thứ hai.

Một sự ngẫu nhiên khi pho tượng tu sĩ được giữ lại Quảng Ngãi, nhưng cũng là hợp lẽ khi nơi đây từng là mảnh đất của người Chămpa, nổi tiếng nhất là phong cách điêu khắc Chánh Lộ. Quảng Ngãi hội đủ về giá trị của một vùng đất, để rồi hình thành nên trung tâm phát triển cực mạnh của người Chămpa. Không gian văn hóa của người Chămpa nay vẫn còn hiện hữu, góp phần làm nên sự tuyệt vời trong kho tàng di sản văn hóa của người xưa ở Quảng Ngãi. Trên địa bàn tỉnh hiện có đến 80 điểm đền tháp Chămpa phân bố rộng khắp ở cửa sông, cửa biển, cửa rừng... Một điều rất đặc biệt ở đây là dẫu trải qua hàng nghìn năm, nhưng không hề đứt quãng, mà có sự tiếp nối về văn hóa. Tiến sĩ Khôi bảo rằng: “Lịch sử là biết tìm hiểu về quá khứ, những gì không thể lãng quên, nhìn nhận giá trị để bảo tồn và phát huy đúng hướng trong hiện tại cũng như tương lai”.

Quả vậy, từ bình gốm của cư dân văn hóa Sa Huỳnh, đến pho tượng thể hiện vị thầy thông thái Chămpa và rất nhiều di sản khác của người xưa đã mở ra một hướng nghiên cứu về văn hóa và cũng là mở ra cơ hội để Quảng Ngãi phát triển bền vững trên cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị từ các di sản văn hóa.

PHƯƠNG LÝ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét