28 thg 2, 2020

Bên mộ cụ Đồ Chiểu

Tui viếng mộ cụ Đồ Chiểu (xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) lần trước cách đây cả ngàn năm, chính xác là năm 1999 thuộc thiên niên kỷ trước. Ngàn năm trước, nơi đây chỉ có ngôi mộ ông và mộ bà đơn sơ nằm bên nhau, cạnh đó là mộ của cô con gái Sương Nguyệt Anh. Cạnh mộ là nhà thờ nhỏ để người người thắp nhang tưởng niệm ông bà và con gái.

Ngàn năm sau, vào một ngày đầu năm 2020, tui lại có dịp viếng mộ cụ Đồ Chiểu. Bây giờ bên cạnh mộ người ta đã bày tỏ lòng tôn kính bằng cách xây một ngôi đền thờ thật trang trọng. Đền thờ và khu mộ có tổng diện tích là 13.000 m2, được khánh thành ngày 1/7/2002 nhân dịp kỷ niệm 180 năm ngày sinh của cụ Đồ Chiểu (1/7/1822). Nơi đây đã được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia từ năm 1993 và nâng lên thành Di tích quốc gia đặc biệt năm 2017.

Cổng vào khu đền thờ.

Đền thờ Nguyễn Đình Chiểu

Phía trước đền thờ là nhà bia, với văn bia tưởng niệm cụ Đồ Chiểu và bia tiểu sử của cụ.

Đền thờ hình tròn với 3 tầng mái tượng trưng cho 3 nghề nghiệp của cụ Đồ Chiểu là nghề dạy học, bốc thuốc và nhà thơ. Bên trong đền thờ là tượng cụ Đồ được làm bằng đồng thau, nặng 1,2 tấn, hai bên là hai câu thơ: 

Chở bao nhiêu đạo, thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian, bút chẳng tà


Mảng phù điêu bên trái tả cảnh cụ Đồ đọc văn tế “Lục tỉnh sĩ dân trận vong” tại chợ Đập (Ba Tri) năm 1883. Mảng phù điêu bên phải miêu tả trận đánh của Phan Ngọc Tòng tại Giồng Gạch (xã An Hiệp – Ba Tri).

Tui bước ra phía sau để viếng thăm khu mộ của cụ Đồ Chiểu, và không hiểu sao tui cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi thấy khu mộ và ngôi nhà thờ cũ vẫn đơn sơ như thuở nào, ngàn năm trước.


Cổng vào khu mộ và ngôi nhà thờ từ ngày xưa

Việc tôn vinh nhà thơ yêu nước, sống trong lòng người dân Nam bộ, bằng ngôi đền thờ quy mô đồ sộ là việc làm xứng đáng nhưng bên cạnh đó việc giữ lại ngôi mộ và đền thờ đơn sơ từ thuở nào là trân trọng tấm lòng người dân quê chân chất vốn yêu quý ông, cũng như nói lên tình cảm gắn bó của nhà thơ với quê hương mộc mạc thân thương của mình.

Và đây là nấm mồ đơn sơ của ông và bà yên nghỉ bên nhau


Tui đứng bên nấm mồ của đôi tình nhân, ngẫm nghĩ:

Ở một góc độ nào đó, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu có một cuộc đời bất hạnh. Tài hoa, nhưng công không thành, danh không toại. Mẹ mất khi lai kinh ứng thí nên phải bỏ thi, khóc đến mù mắt khi còn quá trẻ. Nước mất, nhà tan, lưu lạc xa quê (ông quê quán ở Thừa Thiên, sinh ra ở Gia Định, nhưng gắn bó cuộc đời ở Bến Tre).

Nhưng không, ông không đỗ đạt, không làm quan, không giàu có nhưng có những áng thơ văn bất hủ, được hàng triệu người dân thuộc nằm lòng, trải qua hàng trăm năm. Được mọi người kính yêu suốt từ xưa đến nay, sống không giàu sang nhưng luôn được xóm làng cưu mang đùm bọc.

Và ông có bên mình một tình yêu tuyệt vời, cao quý. Chàng Lục Vân Tiên bị mù mắt, bị hủy hôn, cuối cùng vẫn có nàng Kiều Nguyệt Nga chung thủy. Nhưng Nguyệt Nga yêu Vân Tiên từ khi chàng chưa bị mù, và qua bao gian nan đôi trai tài gái sắc gặp nhau khi chàng đã sáng mắt, công thành danh toại. Còn Nguyễn Đình Chiểu? Ông cũng bị mù, cũng bị từ hôn, nhưng ông mãi mãi bị mù, mãi mãi chẳng bao giờ đỗ đạt. Trong hoàn cảnh ấy, có một người con gái, nhỏ hơn ông đến 13 tuổi, chấp nhận chăm sóc cho người chồng mù lòa suốt cả cuộc đời, cho dù nghèo khó, cho dù lưu lạc giữa khói lửa binh đao. 

Đó là bà Lê thị Điền. Bà đã luôn ở bên cạnh để chăm sóc cho ông suốt hơn 30 năm, cho đến ngày xuôi tay nhắm mắt. Và chỉ 2 năm sau, cụ Đồ Chiểu đã giã từ cõi đời để theo về với người tào khang tri kỷ. Hai ông bà nằm cạnh bên nhau, yên nghĩ vĩnh hằng.

Tui nghĩ, đó chính là hạnh phúc.

Gia đình ấy càng sum vầy hơn khi bên cạnh là ngôi mộ của cô con gái Sương Nguyệt Anh.


Mộ của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh bên cạnh mộ song thân

Từ khu mộ đơn sơ của gia đình cụ Nguyễn Đình Chiểu nhìn ra là ngôi đền thờ trang trọng của ông. Có lẽ ông bà hoàn toàn yên lòng nằm bên nhau ở "ngôi nhà" đơn sơ của mình giữa miền quê thanh tịnh, giữa lòng kính yêu của hậu thế. Vĩnh viễn.


Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét