6 thg 2, 2020

“Làng cần xé” gần 100 năm tuổi

Dù xã hội đã phát triển, nhiều thiết bị máy móc không ngừng ra đời thay thế cho hoạt động lao động, sản xuất của con người. Thế nhưng, tại vùng đất Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang vẫn còn sót lại nhiều làng nghề truyền thống làm bằng thủ công, trong đó có “Làng cần xé” hàng 100 năm tuổi.

Để cần xé bền, đẹp, người thợ phải làm bằng cả cái tâm

“Làng cần xé” này nằm dọc theo bờ kênh Xáng Cái Côn - Phụng Hiệp trải dài suốt 2km. Nơi đây lúc nào cũng nhộn nhịp với hàng trăm thợ đan cần xé miệt mài, cần mẫn chẻ tre, trúc, vót nan, đan cần xé sẵn sàng cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước.

“Làng cần xé” ở Ngã Bảy

Xuôi theo QL1 từ TP.HCM 210 cây số, chúng ta sẽ đến với thị xã Ngã Bảy (thuộc huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang). Đây là nơi hội tụ của 7 con sông: Xẻo Môn, Xẻo Vong, Bún Tàu, Lái Hiếu, Cái Côn, Mang Cá và kênh Xáng. Và cũng chính nơi đây đã tạo nguồn cảm hứng cho soạn giả Viễn Châu viết nên bài vọng cổ lừng danh “Tình anh bán chiếu” vào năm 1960 do đệ nhất danh ca Út Trà Ôn thể hiện: “Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên dàm kênh Ngã Bảy. Sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra chào…”. Song song với chợ nổi Ngã Bảy, “Làng cần xé” Ngã Bảy - Phụng Hiệp cũng tồn tại hàng trăm năm nay.

Không biết “Làng cần xé” ra đời khi nào. Chỉ biết là người đầu tiên đến vùng đất này đan cần xé chính là ông Dương Văn Thân. Theo những người cao niên kể lại, vào khoảng cuối thập niên 50 của thế kỷ XX, ông Dương Văn Thân, có tên thường gọi là Hai Bạch, tỉnh Bạc Liêu là một cán bộ kháng Pháp. Do bị truy bắt nên ông trốn vào Ngã Bảy - Phụng Hiệp sinh sống. Tại đây, ông lập gia đình rồi đan cần xé mưu sinh. Bằng tay nghề và kinh nghiệm từ trước nên ông đan cần xé rất thành thạo. Thấy vậy, những người sống cùng thời cũng đến học hỏi và được ông truyền nghề. Từ đó, làng đan cần xé bắt đầu hình thành. Ban đầu, nơi đây chỉ có 6 gia đình làm. Sau ngày đất nước thống nhất, cao điểm có lúc lên đến 400 hộ với gần 200 lao động. Từ nghề đan cần xé, nhiều người dân đã có công ăn việc làm, gia đình ấm no, hạnh phúc.

Anh Phạm Thành Lập hạnh phúc khi được tiếp nối truyền thống làng nghề

Theo anh Phạm Thành Lập (45 tuổi, thợ đan cần xé hơn 35 năm), cần xé có nguồn gốc từ cái “sọt tre” ở miền Bắc và cái “gùi” của đồng bào dân tộc miền núi. Cách đây gần 1000 năm đã có nghề đan sọt (tiền thân của nghề đan cần xé). Khi ở đây khai hoang lập ấp - nông nghiệp phát triển nhanh chóng, đòi hỏi nhiều công cụ lao động. Trước yêu cầu đó sự xuất hiện của cái cần xé là hết sức cần thiết: làm ruộng phải có cần xé để đựng đất, đựng phân; làm vườn phải có cần xé đựng trái cây thu hoạch; tát mương tát đìa phải có cần xé đựng cá tôm, trong xây dựng thì cần xé dùng vác cát, đá…

Để đáp ứng cho nhu cầu mọi người, người thợ cần xé thiết kế nhiều loại to, nhỏ khác nhau: Cần xé lớn, cần xé vừa, cần xé nhỏ. Đặc biệt, còn có một số cần xé chuyên dùng như: sức chứa 1 táo = 10kg, cần xé lùn dùng để đựng vật dụng trưng bày các sản phẩm… Để tạo ra được một cái cần xé, người thợ phải trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên phải có vật liệu là tre, trúc, mây, dây chì… “Để cần xé bền, thợ phải chọn vật liệu chất lượng. Tre, trúc phải già. Khi mua về, chất chúng vào nhà hoặc mái hiên cho ráo mình mới sử dụng. Thân trúc để làm nan đan, nan trụ, nan léo miệng, đọt trúc thì được đập dập dùng để gầy với nan trụ làm mê đít. Sau đó lên nan, đánh lông hai, rồi đánh lông tư, bẻ miệng, léo vành, làm quay, nẹp hông. Quay và nẹp hông của cần xé làm bằng tre. Ở công đoạn lên nan, làm nan gốc là khó nhất. Vì đây là công đoạn quyết định độ to, nhỏ của cái cần xé” - anh Lập tiết lộ.

Quyết tâm giữ gìn truyền thống làng nghề
Đan cần xé không khó, chỉ cần nhìn người đi trước làm chừng 1 hoặc 2 ngày là có thể làm được. Có khi một ngày, người thợ lành nghề có thể đan 5-6 cần xé lớn nhưng đối với người mới vào nghề thì đây không phải là việc dễ dàng. Chị Nguyễn Thị Bé (đan cần xé từ khi 10 tuổi) chia sẻ: “Lúc mới vào nghề, tôi bị đứt tay hoài hà vì tre, trúc rất bén. Có khi nhìn đôi tay sần sùi, ghê lắm. Đã nhiều lần định bỏ nghề đi thành phố làm cho khỏe nhưng đi rồi lại về tiếp tục công việc này. Không theo nghề không được. Nghĩ chừng đôi ba ngày là thấy bứt rứt, bồn chồn khó chịu lắm. Dù công việc này vất vả nhưng mỗi khi làm ra được cái cần xé đẹp, chỉn chu tôi thấy vui lắm!”.

Dù ngày nay, có nhiều công cụ tiên tiến ra đời phục vụ cho lao động, sản xuất, thế nhưng không có gì có thể thay thế được cần xé của người Việt Nam. Do làm bằng tre, bằng trúc nên cần xé cũng có sức sống bền bỉ theo thời gian, cùng người dân vượt qua mọi khó khăn, thử thách để giữ gìn truyền thống của ông cha ta để lại. Không chỉ riêng làng đan cần xé Ngã Bảy, nhiều tỉnh thành khác cũng có làng đan cần xé như: Kiên Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu… nhưng Ngã Bảy là làng đan cần xé có quy mô lớn nhất, tính chuyên môn hóa cao. Theo bà Lâm Thị Bảy (thợ đan cần xé từ thập niên 90), sở dĩ “Làng cần xé” Ngã Bảy vẫn còn tồn tại là do lòng yêu nghề của các thế hệ. Có gia đình 3 thế hệ vẫn miệt mài làm. Những đứa trẻ mới 10 tuổi cũng tập tành vót nan, chẻ tre phụ cha mẹ đan cần xé. Dù hiện tại số hộ đan cần xé ở đây không nhiều như trước, chỉ chừng 100 hộ nhưng với số lượng như vậy đã nhiều hơn những nơi khác rồi”.

Nói về động lực giúp mình “một lòng một dạ” với nghề, bà Lâm Thị Bảy không giấu giếm: “Đây là làng nghề có gần 100 năm nay. Nó không chỉ phục vụ cho lao động, sản xuất của người dân mà còn là nét đẹp truyền thống của vùng miền. Nếu ai cũng nghĩ bỏ nghề đi làm công việc khác thì hôm nay không còn cái làng đan cần xé này nữa. Khi đó, quê hương mình sẽ mất đi vẻ đẹp vốn có từ bao đời”.
Dù hiện tại bà Bảy đã già yếu nhưng hằng ngày bà vẫn tần mẩn đan từng cần xé để phụ con bỏ mối. Không chỉ vậy bà còn dạy nghề miễn phí cho lớp trẻ với mong mỏi, thế hệ này sẽ nối nghiệp cha ông.

Dù số lượng thợ đan cần xé không nhiều như trước nhưng sản phẩm tạo ra luôn cung cấp đủ cho thị trường. Do sản phẩm chất lượng, tay nghề khéo léo nên cần xé Ngã Bảy không chỉ đến với các tỉnh lân cận mà còn được xuất khẩu sang nước ngoài như Trung Quốc, Đài Loan… Mỗi cái cần xé có giá bán từ vài chục ngàn đến hàng trăm ngàn. Vì vậy, mức thu nhập từ nghề này đã ổn định, cuộc sống người dân khấm khá hơn. Bà Trần Thị Năm (chủ vựa cần lớn lớn nhất Ngã Bảy) cho biết: “Trước đây gia đình tôi rất nghèo. Nhờ nghề đan cần xé, đến nay gia đình tôi đã ổn định. Mỗi ngày thu nhập trên dưới 1 triệu đồng. Ngoài việc tự đan cần xé bán, tôi còn thuê nhiều người đến làm. Có lúc hút hàng bán một ngày cả trăm cái. Trong thời gian tới, tôi sẽ mở rộng vựa ra và thuê thêm nhiều thợ đan cần xé để vừa tạo công ăn việc làm cho họ vừa phát huy truyền thống làng nghề”.

Bài, ảnh: Kiều Khánh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét