5 thg 2, 2020

Sắc bùa - nét văn hóa của cộng đồng các dân tộc vào Xuân

Gắn với nghi lễ nông nghiệp nhằm cầu mong một năm mới may mắn, thuận lợi, hàng năm, người Kinh và người Mường ở nhiều vùng thường thực hành sắc bùa vào thời điểm gần với Tết Nguyên đán. Loại hình văn hóa tiêu biểu này chứa đựng những giá trị văn hóa quý báu, được lưu truyền từ xa xưa. 

Sự tương đồng và phổ biến

Lễ hội sắc bùa hay hát sắc bùa là một hình thức nghệ thuật trình diễn dân gian gắn với một số nghi lễ trong nông nghiệp ở nhiều tỉnh khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ. Hát sắc bùa, séc pùa hay còn gọi là xéc bùa (có nơi gọi xắc bùa hay khoá rác) xéc bùa, tiếng Mường có nghĩa là xách cồng. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Huy Vọng, sắc bùa còn có nghĩa là phép thuật. “Séc” là rung lên, huơ, sóc sắc lên mang tính tín thuật. “Bùa” là “bùa phép” hàm chứa những ý nghĩa hiện thực đời sống - một phương tiện văn hoá màu nhiệm để chủ thể văn hóa cầu mong những điều tốt lành không chỉ cho cá nhân và cả gia đình, cộng đồng khi tiễn đưa cái cũ, đón chào cái mới. Loại hình diễn xướng tập thể này gắn liền với một hoạt động nghi lễ và các trò vui chơi truyền thống mang đậm nét văn hóa dân gian với các hình thức dân ca nghi lễ, hát chúc mừng năm mới và trừ tà được lưu truyền từ xa xưa. 


Cồng không thể thiếu trong lễ hội sắc bùa Mường ở Hòa Bình. 

Trong “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức thời Nguyễn có ghi lại tục hát sắc bùa này: “Lễ Tết cuối năm ở Nông Nại - Đêm 28 tháng chạp, Na nhân (tục gọi là Nậu sắc bùa) đánh trống mọi, gõ phách, một đoàn năm, mười người đi theo dọc đường, thấy nhà hào phú thì đẩy cửa ngõ vào dán lá bùa nơi cửa, niệm thần chú, rồi nổi trống phách lên, hát những lời chúc mừng, chủ nhà dùng cỗ bàn chè rượu khoản đãi và gói tiền thưởng tạ, xong nhà này lại qua nhà khác, cũng làm như vậy, cho đến trừ tịch mới thôi, ấy là có ý đuổi tà ma, tiễn cũ rước mới”.

Đối với người Mường, phong tục truyền thống lâu đời này được người Mường lưu truyền, gìn giữ cho đến nay gần như trọn vẹn. Sử thi “Đẻ đất đẻ nước” đã ghi nhận về nguồn gốc xa xưa của nó. 


Món bánh uôi của người Mường ở Hòa Bình không thể thiếu trong lễ hội sắc bùa. 

Mang tính chất nghi lễ cộng đồng, sắc bùa được kế thừa, chắt lọc qua thời gian và gìn giữ được một trình tự và cấu trúc chặt chẽ về nghi lễ, diễn xướng cũng như ý nghĩa của nó. Tuy nhiên, mỗi nơi, hình thức các cuộc diễn xướng này có những đặc điểm riêng gắn với đặc trưng văn hoá của từng địa phương. Đến nay, ở nhiều vùng loại hình này đã biến mất. Vùng Nam Bộ, hát sắc bùa chỉ còn có xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, nhưng cũng đã bị mai một.

Giá trị văn hóa đặc sắc

Nhìn chung, hàng năm, cứ đến khoảng 27, 28 tháng Chạp, những nghệ nhân tụ tập tại nhà ông bầu hay ông trùm gánh để tập luyện lại bài hát và đến 30 tháng Chạp thì lên đường đi hát sắc bùa. Dịp này, các gia đình tổ chức nghi lễ cúng tại gia để cảm tạ thần linh, tổ tiên đã phù trợ cho sức khỏe, làm ăn thuận lợi và cầu mong một năm mới nhiều thuận lợi, may mắn. Sau đó gia đình đón phường sắc bùa tới chúc mừng và nhập theo đoàn sắc bùa đi thăm các gia đình trong bản. Vào dịp này, những người con của gia đình, bản làng, dù ở đâu đều cố gắng thu xếp về sum họp cùng gia đình, bản làng. 


Phường sắc bùa đến thăm một gia đình. 

Thông thường, đoàn sắc bùa có khoảng trên dưới chục người do ông bầu hay ông trùm điều khiển. Đội hát sắc bùa đi đến các gia đình trong làng, bản để chúc Tết. Cùng với hình thức “dán bùa” trước cửa để xua đuổi tà ma, rủi ro và đón điều may mắn vào nhà thì lời hát sắc bùa phản ánh những ước mơ thuần hậu, chất phác của người nông dân với cuộc sống ấm no, yên bình.

Với người Mường, đoàn hát bao giờ cũng có đánh cồng chiêng. Với hát sắc bùa của người Việt trước đây thường có trò diễn “súc sắc súc sẻ” và có tục đốt pháo vào đêm 30 Tết.

Ở Bến Tre, đội hát bao giờ cũng có một người chơi đàn cò, một người đánh trống cơm, hai người chơi sanh cái và sanh tiền. Nét hấp dẫn đặc sắc của hát sắc bùa Thừa Thiên Huế chính là mang đậm chất sân khấu. Đội sắc bùa gồm một ông cái sắc, một ông tróc quỷ, một em bé đóng quỷ, một ông đánh trống và ông lối lo đọc chú. Các nhân vật đều được phân vai biểu diễn. Đội đọc chú giữ vai trò như đồng ca. Và chỉ có ở vùng này có nghi lễ bắt quỷ còn về hình thức nghi lễ ở các vùng cơ bản giống nhau. Sự khác nhau lớn nhất giữa các vùng chính là lời chúc mừng năm mới. Đây chính là tính ứng tác đầy sáng tạo của chủ thể văn hóa theo từng đối tượng hát mừng, tạo nên sự phong phú, độc đáo của mỗi vùng. 



Với người Mường ở Hòa Bình, Hà Nội và một số vùng, lễ hội sắc bùa thường được tổ chức vào buổi sáng với nhiều hoạt động như: Đánh cồng chiêng, hát đối, chơi ném còn. Nhiều phường bùa cùng đi thì tạo nên phường bùa lớn. Cột còn giữa bản là điểm đến đầu tiên của phường bùa, nơi diễn ra cuộc đua tài về ca hát và tấu chiêng. Tiếp theo, phường bùa đi đến các gia đình đánh cồng chiêng, hát vui chúc Tết. Ở Hòa Bình, phường sắc bùa của người Mường có 12 người, tương ứng với bộ chiêng 12 chiếc. Người Mường ở miền núi Nghệ An, Hà Tĩnh lại hát sắc bùa cùng với chuông.

Sắc bùa là một minh chứng cho quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa diễn ra giữa các tộc người trong một không gian văn hóa nông nghiệp lúa nước. Là dịp kết nối cả cộng đồng vào không gian văn hóa truyền thống đậm đặc với nhạc cụ truyền thống, những giai điệu dân ca chúc tụng, hàm chứa đậm nét những giá trị nhân văn sâu sắc mà hồn hậu.

Trịnh Thị Hiền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét