9 thg 2, 2020

Nước non Cao Bằng

Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, địa chất độc đáo, Công viên Địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng đang mang lại một sức sống mới cho tỉnh miền biên viễn này phát triển du lịch cũng như quảng bá văn hóa, tạo sinh kế cho 9 dân tộc người bản địa. 

Kỳ thú nước non miền biên viễn 


Công viên Địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng có diện tích hơn 3.000 km2, trải dài trên 6 huyện Hà Quảng, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa và một phần diện tích các huyện Hòa An, Nguyên Bình và Thạch An. Nơi này có 130 điểm di sản địa chất độc đáo mang giá trị quốc tế, trong đó có 1 khu bảo tồn quốc gia, 5 khu bảo tồn loài sinh cảnh, 5 khu bảo vệ cảnh quan và 2 hành lang đa dạng sinh học, nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Công viên Địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng là miền đất mà du khách có thể tìm hiểu lịch sử trên 500 triệu năm của Trái đất qua các dấu tích còn lại ở đây.


“Khu du lịch Thác Bản Giốc được SUN GROUP đầu tư hạ tầng góp phần phát triển du lịch Cao Bằng và cả vùng xung quanh và huyện Trùng Khánh xứng tầm khu du lịch kiểu mẫu quốc gia”


Bí thư huyện Trùng Khánh Phạm Văn Cao
Công viên Địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như khu du lịch sinh thái Phia Oắc, Phia Đén, quần thể hồ Thang Hen, động Ngườm Ngao… và đặc biệt thác Bản Giốc, từng được bình chọn là một trong bốn thác vùng biên giới lớn và đẹp nhất trên thế giới.


Nằm ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, thác Bản Giốc nằm giữa biên giới Việt-Trung, rộng khoảng 50m, cao khoảng 35m và gồm ba tầng. Quanh thác có rừng dày, cùng với dòng nước tung bọt trắng xóa xuống sông Quây Sơn quanh năm và các hoạt động sống của con người, sẽ cho du khách những trải nghiệm không thể nào quên.

Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, địa chất độc đáo, Công viên Địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng đang mang lại một sức sống mới cho tỉnh miền biên viễn này phát triển du lịch cũng như quảng bá văn hóa, tạo sinh kế cho 9 dân tộc người bản địa. Ảnh: Công Đạt

Khu du lịch thác Bản Giốc (Trùng Khánh) thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế tham quan mỗi năm. Ảnh: Trịnh Bộ 

Du khách khám phá bản đá Khuổi Ky (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh). Ảnh: Trịnh Bộ 

Khối nhũ đá hình đài sen úp ngược tinh xảo và tuyệt đẹp trong động Ngườm Ngao (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh). Ảnh: Công Đạt 

Du khách chụp hình lưu giữ khoảnh khắc với thác Bản Giốc (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh). Ảnh: Trịnh Bộ 

Vẻ đẹp hùng vĩ của thung lũng Phong Nậm (xã Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh). Ảnh: Công Đạt 

Đến thác Bản Giốc du khách ghé thăm Chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc được xây dựng nguy nga và khang trang trên ngọn núi Phia Nhằm, cách thác Bản Giốc khoảng 500m. Từ trên chùa có thể nhìn bao quát được một vùng không gian rộng lớn biên cương phía Bắc của Tổ quốc.

Ngoài ra, tuyến du lịch Đèo Mã Phục và "Mắt Thần núi" ở xã Quốc Toản (huyện Trà Lĩnh) là một trong những con đèo đẹp nhất ở Cao Bằng. Đi bộ trên con đường mòn khúc khuỷu quanh "Mắt Thần núi" du khách sẽ được khám phá hồ Nặm Trá rộng khoảng 15 ha cùng thác nước Nặm Trá đẹp duyên dáng.

Vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén thuộc Công viên địa chất Nước Non Cao Bằng với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, mang đậm nét hoang sơ. Nơi đây lưu giữ 90 loài thực vật và 58 loài động vật quý, hiếm, có giá trị về nghiên cứu khoa học, bảo tồn nguồn gen và giáo dục môi trường. Khu rừng ở nóc nhà phía Tây của tỉnh Cao Bằng còn được coi như "lá phổi xanh", có tác dụng lớn trong việc điều hòa khí hậu góp phần bảo tồn và phát triển bền vững trong khu vực. Vào mùa Đông lạnh giá, du khách còn có thể được chiêm ngưỡng băng tuyết phủ trắng Phia Oắc.

Khám phá Vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén còn là cơ hội để du khách tìm hiểu lịch sử của Di tích quốc gia đặc biệt khu rừng Trần Hưng Đạo - nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Đại tướng lừng danh không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới, ngày 22-12-1944 đã cùng 34 chiến sĩ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Trải nghiệm văn hóa bản địa

Truyền thuyết dân tộc Tày kể rằng, từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên, vùng Cao Bằng là địa phận Thục Phán đánh bại các đối thủ đã thống nhất hai thành phần cư dân Lạc Việt và Tây Âu lập nên nước Âu Lạc, lên ngôi vua An Dương Vương, chuyển thủ đô về Cổ Loa (Đông Anh – Hà Nội). Nghĩa là từ thời kỳ đầu lập quốc, Cao Bằng đã từng là một trung tâm chính trị, văn hóa.

Chính vì thế, 9 dân tộc Tày, Nùng, Dao... sinh sống tại các huyện Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Phục Hòa, Trùng Khánh đã tạo nên một bức tranh văn hóa sinh độc và đặc sắc.

Người dân sinh hoạt trong những nhà sàn bằng đá có niên đại hơn 400 năm ở bản Khuổi Ky. Ảnh: Trịnh Bộ 

Người dân xã Phong Nậm thu hoạch lúa và vận chuyển trên những cây cầu gỗ nhỏ bắc qua dòng Quây Sơn. Ảnh: Công Đạt

Nép mình dưới chân núi Phà Hùng, bản Phia Thắp ( xã Quốc Dân, huyện Quảng Uyên) được biết đến với nghề làm hương truyền thống từ bao đời nay. Ảnh: Công Đạt 

Người Tày ở Trùng Khánh với nghề nhuộm vải truyền thống. Ảnh: Trịnh Bộ

Miến dong Phia Đén (xã Thành Công, huyện Nguyên Bình) là một trong những loại miến có chất lượng ngon nhất ở nước ta, mỗi năm, các cơ sở ở đây cung cấp khoảng 150 tấn miến cho thị trường. Ảnh: Công Đạt 

Xã Phúc Sen (huyện Quảng Uyên) có khoảng 150 lò rèn gia đình, rải đều ở 6 xóm: Phia Chang trên, Phia Chang dưới, Ðầu Cọ, Pác Rằng, Tình Ðông và Lũng Vài. Ảnh: Trịnh Bộ 

Mùa thu hoạch lúa ở xã Ngọc Côn. Ảnh: Trịnh Bộ

Người dân xã Ngọc Côn thu hoạch lúa nếp Ong - đặc sản của Trùng Khánh. Ảnh: Trịnh Bộ

Bà con dân tộc Tày phơi lúa bên những nếp nhà sàn bằng đá có niên đại lên đến hơn 400 năm ở làng đá Khuổi Ky. Ảnh: Công Đạt 

Đến với Công viên Địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng, du khách sẽ có dịp đến với các làng nghề truyền thống như làng rèn Pác Rằng. Có truyền thuyết rằng thuở xưa có một ông cụ không biết từ đâu đi ngang qua, thấy người Nùng An chỉ biết săn bắt, hái lượm nên cuộc sống rất nghèo đói. Vì thế ông cụ quyết định dạy cho người Nùng An nghề rèn. Ngày nay, người Nùng An ở Phúc Sen vẫn lập một ngôi đền nhỏ để tưởng nhớ ông tổ nghề và mỗi gia đình đều có riêng một bát hương tỏ lòng biết ơn đối với ông. Có nguồn tin còn cho rằng làng rèn này đã từng đúc cả thần công trước kia và đại bác trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Ở đây còn có nghề làm hương của người Nùng An ở làng Phia Thắp. Được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, cả làng ai cũng biết làm hương. Hương Phia Thắp được làm hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên ở vùng miền núi đá vôi: cây mai để làm que, vỏ cây gạo, mùn cưa và đặc biệt là lá cây bầu hắt - một loại lá cây trên rừng dùng để làm keo kết dính các chất liệu lại với nhau.

Du khách còn được chiêm ngưỡng hàng chục lễ hội dân gian như pháo hoa Quảng Uyên, Nàng Hai Phục Hòa, lồng tồng của người Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ... và thưởng thưc các món ẩm thực như thịt lợn ướp bột gạo chua, lạp xường hun khói, thịt nướng, chả cuốn, vịt quay, lợn sữa quay nhồi lá mác mật vàng rộm. Hoặc các món ăn được khéo léo kết hợp nguồn gia vị thực phẩm phong phú sẵn có của núi rừng đặc sắc như ong đất xào măng, lẩu cá chua, xôi trám đen, rêu đá Tầu Quầy xào.

Với trên 130 điểm di sản địa chất độc đáo và có ý nghĩa giá trị quốc tế, danh hiệu Công viên Địa chất toàn cầu là một ghi nhận của UNESCO về cảnh quan đa dạng phong phú, giá trị văn hóa tinh thần của khu vực Non nước Cao Bằng. Cuộc sống dân giã, thanh bình hòa quyện trong khung cảnh trời mây, non nước sẽ khiến du khách muốn sống chậm lại để thư thả tận hưởng những giây phút thanh thản quý giá.

Công viên Địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng có rất nhiều giá trị di sản địa chất thuộc nhiều kiểu loại khác, trong đó đặc biệt lý thú có khu vực núi Phia Oắc với các hoạt động núi lửa ngầm trong lòng đất cách ngày nay khoảng gần 100 triệu năm, gây biến đổi mạnh mẽ đất đá vây quanh, sản sinh ra nhiều loại hình khoáng sản như thiếc, vonfram, vàng, fluorit, quặng phóng xạ urani...”

PGS.TS. Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bài: Trịnh Bộ - Ảnh: Công Đạt, Trịnh Bộ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét