12 thg 2, 2020

Lễ leo gươm lên cửa lầu của dân tộc Tày

Tỉnh Quảng Ninh là vùng đất ẩn chứa kho tàng văn hóa, văn nghệ dân gian phong phú, đặc sắc của cộng đồng các dân tộc anh em như Tày, Dao... Trong lễ hội truyền thống của dân tộc Tày, bà con còn giữ lại nhiều nghi lễ mang những giá trị nhân văn, tiêu biểu là nghi lễ leo gươm lên cửa lầu” (Khẩn tu làu, tu đáp). 

Đây là một nghi thức trong đại lễ lẩu then - một nghi thức sinh hoạt văn hóa dân gian mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của tộc người Tày tỉnh Quảng Ninh, tổ chức cấp sắc cho người làm then đạt đến cấp cao nhất, được quyền nhận đệ tử để truyền nghề, được đứng ra tổ chức đại lễ then cho các then khác. 

Thầy cúng rải cuốn vải tơ làm đường lên cửa Ngọc Hoàng. 


Lễ vật sử dụng là 1 mâm đồ chay gồm: trầu, cau, thuốc lá, đường, mía, mộc nhĩ nấm hương, vải hoa, bánh dày; 1 thảm rượu ngọt; số bát hương và bát gạo bằng với số lượng con chàng (đệ tử). Đặc biệt là phải có một dải vải liền mảnh màu vàng bằng tơ tằm được rải từ Bàn thờ trong nhà làm lễ ra đến lầu, rải quanh chân lầu tượng trưng cho đường đi lên cửa Ngọc Hoàng.

Thầy cúng đưa các then lên lầu, tượng trưng nơi ở của Ngọc Hoàng. Trên đó, đoàn quân then xin hoa, xin tài lộc, xin sức khỏe, xin cho con người và mọi vật ở dưới hạ giới được sinh sôi, nảy nở… sau đó họ ban phát lộc cho những người cùng tham dự. Đoàn then làm lễ phát tàng (tức dọn đường). Lời then diễn tả mỗi người một việc, ai nấy đều khẩn trương, chung sức làm một con đường đi thật đẹp, chuẩn bị cho đoàn quân then lên cửa Ngọc Hoàng... Hoàn thành công việc dọn đường, thầy cả cùng các đệ tử chuẩn bị giải vía: Trước khi lên đường phải được thanh sạch, chay tịnh; các then cầm lá bưởi, lá đào đi giải vía cho mọi người. Đoàn quan then bắt đầu hành trình đi: đi từ góc vườn với cây đào, cây chanh, ra khỏi đầu bản cuối mường rồi lần lượt đi qua các bản làng trên mường trời xa xôi...

Điệu múa quạt trong lễ lên cửa lầu. 

Đoàn quân then xin được quyền phép của quan tưởng Hoàng, tưởng Cá để tiếp tục cuộc hành trình... Thầy cúng với vai trò bảo vệ hội then rải vải tơ từ bàn thờ then ra lầu, làm thành con đường tới cửa Ngọc Hoàng. Thầy vừa đi vừa làm phép để các vía xấu không xâm phạm. Thầy then cả cùng các con tràng đi theo, vừa đi vừa niệm chú thành tâm. Đến bậc thang lên nơi ở của Ngọc Hoàng, đoàn quân then thận trọng từng bước, lên xin Ngọc Hoàng ban quyền phép cho then được cấp sắc và ban phúc lộc cho tất cả mọi người... Lên đến cửa Ngọc Hoàng, then cả cùng các con tràng trình bày việc xin được cấp sắc, xin ban quyền phép, trình bày nguyện vọng của con người, cầu xin Ngọc Hoàng ban phúc lành cho con người và vạn vật nơi hạ giới.

Lễ vật dâng cúng Ngọc Hoàng. 

Đại lễ “Lẩu then khẩn tu làu” không chỉ dành riêng cho người làm then mà trở thành ngày hội của cả cộng đồng. Mọi người giúp nhau nhiệt tình, vô tư, điều mà họ nhận lại là tình cảm khăng khít bền chặt, niềm tin vào một cuộc sống tươi đẹp phía trước... Lời hát then cầu mong điều tốt đẹp đến với dân bản: “Đầu tay cầm chắc tiền tài/ Cuối tay cầm chặt tiền vốn/ Làm gì cũng được/ Muốn gì cũng thành/ Cơm gạo đủ đầy/ Phú quý chứa chan/ Về trần thế được an/ Về dương gian được mạnh”. Các bài then có sức sống trường tồn và đang tiếp tục phát triển, trở thành nếp nghĩ, sức sáng tạo văn hóa, nghệ thuật của dân tộc Tày.

Tấn Vịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét