22 thg 8, 2017

Bánh tráng cuốn Đại Lộc vẫn thơm ngon qua bao thế hệ

Đến với làng quê của huyện Đại Lộc những ngày nắng cháy da thịt, dạo quanh nơi đây sẽ dễ dàng bắt gặp những chiếc bánh tráng tròn tròn sắp xếp thẳng tắp trên vỉ được phơi trước sân nhà, sau hè dưới cái nắng gắt ngày hè. 


Nghề làm bánh tráng cuốn ở các làng quê của huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) ngày trước được gầy dựng từ bàn tay của những người phụ nữ thôn quê, chịu thương chịu khó, cần cù thức khuya dậy sớm tráng bánh để lo cho cuộc sống gia đình. 

Nhiều thế hệ ở làng quê Đại Lộc suốt đời tận tụy tráng từng chiếc bánh tráng và truyền bí quyết lại cho con cháu để giữ lấy cái nghề của cha ông, nơi đây có nhiều gia đình có hai ba thế hệ sống bằng nghề làm bánh tráng cuốn. 

Có duyên với nghề làm bánh tráng lúc mới về làm dâu, chị Lê Thị Linh ở khu 4, TT Ái Nghĩa kể, được mẹ chồng truyền cho tất cả kinh nghiệm để tráng ra những chiếc bánh dày mỏng đều tay và đặc biệt phải tròn, bén duyên với nghề đã hơn 18 năm, bây giờ chị đã là người làm bánh nổi tiếng ở vùng quê Đại Lộc.

Hàng ngày, chị tráng hơn một nghìn chiếc bánh, những ngày tết thì gấp đôi gấp ba. Lò bánh chị thuộc một trong những lò nổi tiếng nhất nhì Đại Lộc. Chị thêm: “Nghề này khó khăn nhất vào mùa mưa, không phơi bánh được phải sấy bằng than, cứ tới mùa mưa lụt là cực lắm. Nhưng cũng cố gắng vượt qua để làm cho kịp số lượng vì hôm nay người ta bắt đầu đặt bánh để làm quà tết gửi đi miền Nam”. 

Người dân xứ Quảng ăn bánh tráng quanh năm, nhà nào cũng để sẵn bánh tráng trong nhà và món bánh tráng cuốn là đặc sản đất Quảng Nam mỗi khi có khách đến chơi. Bánh tráng Đại Lộc đã tạo nên hương vị riêng cho các món cuốn dân dã của xứ Quảng và trở thành món ăn không thể bỏ qua mỗi khi có dịp đến với Quảng Nam. 


Ở miền quê Đại Lộc những lò bánh tráng thủ công hằng ngày vẫn cho ra thị trường những chiếc bánh ngon nhất. 


Bánh được phơi dưới nắng vừa đủ để có độ giòn tan, sân trước, sau hè đều được làm sân phơi bánh. 


“Bắt” bánh lên vỉ mang đi phơi. 

Gạo được chọn rất kĩ lưỡng xong vo và đem ngâm nước khoảng 2 ngày, sau đó mang đi xay thành bột để tráng bánh. 


Lò tráng bánh được xây thủ công và đốt bằng trấu. 

Người làm bánh phải theo dõi nước trong lò để châm thêm thì bánh mới chín đều. 

Bà Lê Thị Phiến (68 tuổi) trú khu 7, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc kể, được gia đình dạy nghề tráng bánh lúc mới lên 10, làm bánh tráng lúc đó rất cực vì tất cả các công đoạn đều phải làm thủ công, ngày nay đã có máy móc hỗ trợ nên người làm nghề đỡ cực hơn, chỉ còn vất vả là phải thức khuya dậy sớm. 

Tôi vẫn hay khuyên các con cố gắng bám lấy nghề, giữ lấy cái nghề của ông cha, mai đây nếu nghề tráng bánh không còn là thu nhập chính thì vẫn có thể dùng trong bữa ăn hàng ngày.
Với kinh nghiệm hơn 30 năm trong nghề làm bánh tráng và được ông cha truyền cho bí quyết đã 3 đời, ông Nguyễn Thế (khu 4, TT Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc) chia sẻ: “Để có bánh ngon phải biết chọn gạo, vo sạch thay nước liên tục 2 ngày rồi đem ra xay nhuyễn rồi thêm gia vị. Tiếp đến là tráng bánh đúng kỹ thuật và phơi bánh để bánh đẹp tròn đều và giòn tan. Khi phơi bánh ngoài trời phải chú ý, nếu nắng nhiều bánh sẽ bị giòn và dễ bể, ít nắng thì bánh mềm không có độ giòn”.

Bài và ảnh: Huy Đạt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét