9 thg 8, 2017

Làng Lỗ Khê – đất Tổ ca trù

Làng Lỗ Khê thuộc xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội. Làng được hình thành từ lâu đời, đến nay vẫn còn lưu giữ nhiều nét của một làng cổ, với quần thể đình, miếu, cổng, luỹ làng, lễ hội những làn điệu dân ca. Đặc biệt trong đó phải kể đến hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc là hát ca trù.

Tổ chức giáo phường ca trù Lỗ Khê

Ca trù Lỗ Khê gắn với giáo phường hàng Phủ của đạo Kinh Bắc (giáo phường to nhất của nước ta lúc bấy giờ), trên địa bàn khá rộng của 12 họ, 11 làng hàng phủ. Cụ thể: Làng Trịnh Nguyễn (làng Ngòi) và làng Trịnh Xá thuộc huyện Đông Ngàn, nay cùng thuộc Châu Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Làng Dương Sơn (làng Chõ), làng Phúc Tinh thuộc huyện Đông Ngàn, nay cùng thuộc xã Tam Sơn, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Làng Thụy Hà, làng Quan Âm nay cùng thuộc xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh. Làng Lại Đà, huyện Đông Ngàn, nay thuộc xã Đông Hội, huyện Đông Anh. Làng Đông Lâu, làng Hồi Quan huyện Yên phong, nay thuộc hai xã Đông Tiến huyện Yên phong và Tương Giang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Làng Phú Lâm huyện Tiên Du, nay thuộc xã Phú Lâm, huyện Tiên Du.

Làng Lỗ Khê có hai họ: Họ Nguyễn Văn, Tổ họ là Nguyễn Văn, hiệu Phúc Chính Tiên sinh. Họ Nguyễn Thế, Tổ họ là Nguyễn Thế Nho, hiệu Trung Trực Tiên sinh. 



Xét về mặt tổ chức và sinh hoạt, thì giáo phường Lỗ Khê có quy củ và kỷ luật chặt chẽ những tiêu chuẩn cần thiết để làm cho giáo phường vững mạnh cả về tinh thần lẫn vật chất.

Mỗi họ cử một người kỳ cựu hiểu luật hát ca trù làm trùm họ. Các ông trùm họ bầu người có khả năng có uy tín nhất làm Quản giáp phụ trách điều khiển tất cả mọi việc của giáo phường. Quản giáp giáo phường Lỗ Khê được quan tỉnh Bắc Ninh cấp bằng công nhận, nên từ trùm họ đến đào kép, ai nấy đều tôn trọng nội quy chung của giáo phường một cách tự giác.

Thăng trầm ca trù Lỗ Khê

Có thể nói, hát cửa đình vừa là cỗ tinh thần để cúng thành hoàng tỏ lòng nhớ ơn, cũng vừa là món ăn tinh thần của quần chúng, từ lâu đã trở thành nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng của dân gian do giáo phường đảm nhiệm. Xuất phát từ ý thức tự hào dân tộc, ông cha ta muốn thông qua hát cửa đình để giáo dục truyền thống đấu tranh thiên nhiên và đấu tranh xã hội. Cho nên hát cửa đình trước hết phải trang nghiêm, cách hát phải minh bạch, điệu bộ phải đoan chính, lời hát phải rõ ràng, nội dung chương trình biểu diễn tế thần tất nhiên phải lấy những bài hát về lịch sử, ca ngợi sự nghiệp anh hùng, ca ngợi quê hương đất nước, chúc tụng dân làng là chính.

Mang tính chất anh hùng ca và sử thi, hát cửa đình Lỗ Khê còn có chức năng thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ, vui chơi giải trí cho quần chúng. Hát cửa đình Lỗ Khê có hai hình thức Hát thờ và Hát thi.


Tồn tại gần 600 năm nay, ca trù Lỗ Khê tuy có đoạn thăng trầm nhưng khói hương ở nhà thờ Tổ sư không bao giờ ngừng kế cả trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, chức quản giáp hai họ Nguyễn Văn, Nguyễn Thế vẫn thay nhau làm, cho mãi đến năm 1993 mới chuyển thành Ban quản lý nhà thờ do các cụ hai họ cử ra. Ngày nay mùng một hàng tháng hai họ vẫn sửa vấn lễ để cúng tổ.

Ngay sau cách mạng tháng Tám, ca trù ở Lỗ Khê đã chuyển hướng nội dung bài hát phục vụ kháng chiến, lấy bài hát nói “Giang san tín mỹ” của cụ Huỳnh Thúc Kháng đăng trên báo cứu quốc năm 1946 động viên toàn dân đứng lên chống Pháp.

Năm 1993, ngành văn hóa huyện mở hai lớp đào tạo và nâng cao do nghệ nhân kép Nguyễn Văn Hành và nghệ nhân Phạm Thị Mùi truyền dạy. Kết quả lớp học này đã đào tạo được một số đào kép trẻ. Kép Nguyễn Văn Tuyến, Phạm Văn Phong; Đào Phạm Thị Mận, Nguyễn Thị Lan, Nguyễn Thị Thảo. 


Năm 2002, ngành văn hóa huyện lại tổ chức lớp đào tạo các cháu tuổi học trò tiểu học và trung học cơ sở. Gần 50 cháu do đào nương Phạm Thị Mận truyền dạy, các cháu đã tiếp xúc với cỗ phách tre, tạm gõ được phách và bước đầu tập hát nói.

Năm 2007, ngành văn hóa huyện lại tổ chức mở lớp giao cho văn hóa xã quản lý, đào nương Nguyễn Thị Thảo dạy 30 buổi tối, học trò có 30 cháu. Lớp đào tạo các cháu đều gõ được 5 khổ phách cơ bản và một số bài hát nói. Còn lớp nâng cao của các bà trung nữ, nghệ nhân Dương Thị Nhiên truyền dạy.

Như vậy cùng với sự hồi phục nghệ thuật ca trù trong cả nước thì Lỗ Khê - nơi đất tổ ca trù cũng đã có những cống hiến, những nỗ lực không nhỏ để vực dậy làn điệu ca trù những tưởng đã bị lãng quên.

Bảo Nga

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét