6 thg 8, 2017

Bảo tàng vũ khí cổ ở Vũng Tàu

Nằm trong khuôn viên rộng rãi của tòa biệt thự kiểu Pháp ở số 98 Trần Hưng Đạo, Bảo tàng vũ khí cổ của ông Robert Taylor đang là địa điểm du lịch yêu thích của du khách mỗi khi đến Tp. Vũng Tàu. 

Vốn là một kỹ sư cơ khí cùng với sở thích đam mê sưu tầm vũ khí từ nhỏ, Robert Taylor đã dành dụm hết gia tài của cả đời mình làm việc để mua lại các món đồ mà ông yêu thích. Năm 1996, ông định cư tại thành phố Vũng Tàu và thực hiện giấc mơ lập Bảo tàng vũ khí cổ.

Tháng 4/2016, Bảo tàng vũ khí cổ mở cửa đón khách. Hơn năm 50 sưu tầm, giờ đây, ông Robert Taylor sở hữu 2.500 hiện vật bao gồm súng, kiếm, nỏ, trang phục quân đội... từ thế kỷ XVII đến XX... Trong đó, có khoảng 1.500 hiện vật là súng ngắn, súng trường có độ tuổi 200 - 300 năm của các nước Anh, Đức, Pháp, Mỹ, Italia, Hà Lan... Nhiều khẩu súng rất đặc biệt, được dát bạc và khảm trai trên báng súng, là món đồ sở hữu của giới quý tộc, danh tướng thời đó.

Bảo tàng vũ khí cổ châu Âu của ông Robert Taylor thu hút khách tham quan.


Du khách chăm chú nghe hướng dẫn viên Bảo tàng giới thiệu về trang phục Quân đội hoàng gia Úc.

Ông Robert Taylor giải thích cho du khách về đặc điểm quân phục, các binh chủng của quân đội Mỹ.

Bảo tàng có khoảng 1.500 hiện vật là súng ngắn, súng trường có độ tuổi 200 - 300 năm của các nước Anh, Đức, Pháp, Mỹ, Italia, Hà Lan... 

Bảo tàng được ông Robert Taylor bày trí rất khoa học trong 3 tòa nhà để người xem có thể hình dung được toàn cảnh lịch sử quân sự châu Âu qua từng thời kỳ. Các hiện vật được sắp xếp đúng với niên đại, quân phục cùng vũ khí… Đặc biệt, các hình nộm được làm đúng chuẩn với kích cỡ người thật để tạo nên sự uy dũng của từng đội quân được trưng bày.

Ở tòa nhà đầu tiên là phòng trưng từ thời kì cổ đại đến trung cổ với hình nộm các chiến binh Viking, Spartan, bộ binh Hy Lạp cổ, binh lính Trung Quốc qua các triều đại, các Samurai và Shogun của Nhật Bản, quân đội thập tự chinh…Nhiều bộ giáp, kiếm cổ còn nguyên vẹn. Ngoài ra, một số thanh gươm và súng của các dân tộc ít người phía Băc ở Việt Nam từ thế kỉ 19 cũng được trưng bày dọc hành lang để du khách chiêm ngưỡng.

Tòa nhà thứ 2 là bộ sưu tập toàn bộ các quân chủng của quân đội Anh thời cận đại như: bộ binh, kỵ binh hoàng gia, pháo binh, linh hậu cần, hải quân cho đến quân đội thuộc địa đều có mặt với lịch sử của từng sư đoàn nổi bật. Du khách bước chân lên lầu 2 là phòng trưng bày quân phục và binh khí, mũ… của quân đội các nước Châu Âu như Nga, Đức, Pháp, Áo, Thụy Điển, Phần Lan…

Tòa nhà thứ 3 trưng bày về quân đội Mỹ, Hoàng gia Úc… thời hiện đại và một số loại vũ khí trong chiến tranh thế giới thứ II như: súng máy Maxim và súng tiểu liên PPS-43 của Nga, súng liên thanh Bren MKI và súng máy Vickers của Anh.

Bộ áo giáp Gothic nguyên vẹn từ thế kỷ XV để bảo vệ toàn bộ thân thể cho hiệp sĩ.

Trang phục và vũ khí của người Viking.

Áo giáp thời kỳ La Mã.

Trang phục và vũ khí của lính Hy Lạp cổ đại.

Trang phục và vũ khí của Samusai- Võ sĩ đạo Nhật Bản.

Quân phục và vũ khí quân đội Nga.

Lính ném lựu đạn của quân đội Áo thế kỷ XVIII.

Trang phục của quân đội Anh thế kỷ XVIII.

Trang phục của quân đội hoàng gia Hà Lan thế kỷ XIX.

Trang phục và vũ khí quân đội các thời kỳ của Trung Quốc.

Mũ của các tướng lĩnh hoàng gia.

Cung tên của Anh.

Cận cảnh sung lục Nữ hoàng Anh năm 1710.

Súng lục Anh năm 1790.

Súng lục Anh của người gác biển năm 1800.

Súng lục hải quân Pháp năm 1816.

Súng lục kỵ binh Anh 1840. 

Nói về niềm đam mê vũ khí cổ của mình, ông Robert Taylor chia sẻ một câu chuyện khá thú vị: “Năm 18 tuổi, tôi đã làm việc dành dụm được 80 USD để mua lại thanh kiếm 100 năm tuổi. Từ đó đến nay, cứ có tiền là tôi lại sưu tầm những món đồ mình yêu thích. Còn nhiều hiện vật đang được cất trong kho chưa có không gian để trưng bày". Ông Robert Taylor hi vọng Bảo tàng sẽ mang lại những trải nghiệm thích thú cho du khách, giúp mọi người hiểu biết hơn về lịch sử, văn hóa và sự phát triển của thế giới.

Bảo tàng vũ khí cổ Châu Âu của ông Robert Taylor được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập là Bảo tàng vũ khí cổ tư nhân lớn nhất Việt Nam vào năm 2011.

Thực hiện: Nguyễn Oanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét