16 thg 8, 2017

Nhất Dương Chỉ - Nhị Thiên Đường - Tam Tông Miếu

Ai ở miền Nam ngày trước chắc đều biết hoặc nghe mấy câu: Nhất Dương Chỉ - Nhị Thiên Đường - Tam Tông Miếu... Tiếp theo là Tứ đổ tường - Ngũ Vị Hương - Lục tào xáNgộ và hay là bài đồng dao (hoặc vè) này ngoài việc đếm từ 1 tới 6 (Nhất đến Lục) nó còn liệt kê các hạng mục khác nhau. Từ một môn võ công (nhất dương chỉ), đến một loại dược phẩm (dầu gió Nhị Thiên Đường), văn hóa phẩm (lịch Tam Tông Miếu), tệ nạn xã hội (tứ đổ tường), gia vị (Ngũ vị hương), món ăn đường phố (lục tào xá). Nhận định theo kiểu truyền thông bây giờ là Tôn vinh Top thương hiệu của từng ngành hàng theo bình chọn của người tiêu dùngQua đó ta có thể biết được những thứ nổi tiếng của miền Nam thuở xưa (thập niên 1960, 1970).

Hai trong số 6 thương hiệu trên khá đặc biệt ở chỗ nó không chỉ là tên sản phẩm mà còn là tên địa điểm nữa. Đó là Nhị Thiên Đường, vừa là tên một loại dầu gió, vừa là tên một chiếc cầu (gần nơi sản xuất dầu). Đó là Tam Tông Miếu, vừa là tên một loại lịch, vừa là tên một ngôi chùa (là nơi làm ra lịch).

Bài viết này chỉ lan man về lịch Tam Tông Miếu thôi, không nói về 5 cái top còn lại.

Lịch Tam Tông Miếu là gì?


Lịch Tam Tông Miếu có 2 dạng: lịch block và lịch sách. Về cơ bản nó là một loại sách tử vi, trong đó tập trung chủ yếu là xem ngày tốt, xấu (vì là lịch mà!). Nội dung sách lịch Tam Tông Miếu nói về thiên văn, phong tục, ngày tốt xấu, mùa màng, khai trương...và khá nhiều vấn đề khác của con người, ở những tuổi khác nhau. Còn lịch block thì mỗi tờ lịch đều ghi ngày tốt xấu, nên và không nên làm gì.

Thuở ấy, lịch và sách lịch Tam Tông Miếu được coi như cẩm nang xem ngày của mọi người. Từ thành thị tới thôn quê, cứ đến cận Tết là nhà nhà lại sắm cho mình một cuốn lịch Tam Tông Miếu. Khi định tiến hành một sự kiện gì trọng đại (cưới xin, khai trương, động thổ...) là lại giở lịch ra xem ngày tốt xấu.

Nhìn dưới góc độ kinh doanh ngày nay, lịch và sách lịch Tam Tông Miếu là sản phẩm đầu tiên và duy nhất đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng nên nhanh chóng thống lĩnh thị trường và tạo nên thương hiệu vững mạnh.

Tại sao lại là Tam Tông Miếu?

Gọi là lịch Tam Tông Miếu vì lịch này do chùa Tam Tông Miếu (hiện ở số 82 Cao Thắng, q.3, TPHCM) biên soạn và phát hành.

Chùa Tam Tông Miếu

Vậy tại sao chùa lại là Tam Tông Miếu?

Kỳ thật, Tam Tông Miếu không phải là một ngôi chùa Phật giáo, mà là nơi thờ tự của Minh Lý đạo. Minh Lý đạo được kể là một trong ngũ chi của đạo Cao Đài. Đạo ra đời năm 1924, lấy Tam giáo (Phật, Nho, Lão) làm tôn chỉ. Mặc dù được xem là một trong ngũ chi của Cao Đài nhưng Minh Lý đạo không hẳn là Cao Đài (xin chú ý là đạo Cao Đài như ta biết ra đời năm 1926, sau Minh Lý đạo). (Tôi hy vọng là sẽ có một bài viết tản mạn cùng các bạn nhiều hơn về chuyện này, còn bài viết này chủ yếu là nói về lịch Tam Tông Miếu).

Ngày 3/1/1926, qua huyền cơ, Đức Diêu Trì Kim Mẫu ban cho chữ hiệu của chùa là "Tam Tông miếu". Ngài Minh Thiện, chủ trì Tam Tông Miếu, đã giải thích ý nghĩa chữ Tam Tông Miếu như sau (tóm tắt):

Chữ Tam nghĩa là ba, chữ Tông nghĩa là Tông Tổ, là gốc chánh. Miếu là đền thờ. Chỗ hiệp ba tông đem về một mối gọi là qui nguyên. Nguyên là bổn thể có một mà hiện tượng là trạng thái phát sanh ra ngoài, tỉ như một gốc cây có nhiều chi nhiều nhánh, mà chi nhánh đó không thể rời khỏi gốc rễ của nó mà tự sống riêng biệt được. Tam Tông là cái tên tổng quát gồm nhiều ý nghĩa, kể ra sau nầy:

Tam giáo đồng nguyên.
Tam tài nhứt thể.
Tam Ngũ hiệp nhứt hay Tam gia tương kiến.


Trong đó ý nghĩa quan trọng nhứt là Tam giáo đồng nguyên, với Tam giáo là ba tôn giáo lớn ở Đông Nam Á, tức là: Đạo Phật, Đạo Lão, Đạo Khổng.

Dưới góc nhìn kinh doanh, lịch Tam Tông Miếu là một thương hiệu có giá trị cao, được sự nhận biết và yêu thích của đông đảo khách hàng (miền Nam) trong thời gian dài. Mấy chục năm qua, chắc là chùa Tam Tông Miếu chưa đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với thương hiệu Lịch Tam Tông Miếu, tuy vậy nếu bây giờ đăng ký vẫn còn có hiệu lực nhờ vào các yếu tố lịch sử (các sách lịch cũ vẫn còn đó, bìa sách vẫn in sờ sờ hình ngôi chùa Tam Tông Miếu...)

Lịch Tam Tông Miếu có từ bao giờ?

Đạo Minh Lý ra đời từ 1924. Ngôi chùa Tam Tông Miếu như hiện giờ được xây dựng từ 1957, hoàn thành năm 1960. Còn theo một số thông tin thì quyển lịch Tam Tông Miếu đầu tiên ra đời năm 1947. Tiếc rằng tôi không tìm thấy hình ảnh quyển lịch Tam Tông Miếu năm 1947 ấy, hình ảnh xưa nhất tôi tìm thấy là quyển lịch năm 1954.

Lịch Tam Tông Miếu 1954

Lịch Tam Tông Miếu 1962

Lịch Tam Tông Miếu 1969

Nếu kể từ năm 1947 thì đến 1975 đã có 29 bộ lịch Tam Tông Miếu ra đời, một tuổi thọ khá dài cho một sản phẩm văn hóa. 

Khi tôi hỏi thăm một vị môn sinh ở Tam Tông Miếu thì vị này cho biết rằng từ sau 1975 Nhà nước không cho phép xuất bản nữa. Một chi tiết khá bất ngờ là Minh Lý đạo và chùa Tam Tông Miếu chỉ mới được Ban Tôn giáo Chính phủ công nhận từ năm... 2008! 33 năm không hề được công nhận. Hic, không công nhận thì lấy tư cách gì mà xin giấy phép xuất bản?

Bên cạnh lý do pháp lý bất khả kháng nêu trên, theo tôi còn 2 lý do. Một là, theo thời gian, Tam Tông Miếu không còn nhân lực để biên soạn lịch nữa. Hai là, hiện nay có khá nhiều xuất bản phẩm có chức năng xem ngày tốt xấu như lịch Tam Tông Miếu khiến cho lịch này có ra đời cũng không còn giữ vị trí độc tôn như ngày xưa.

Lịch Tam Tông Miếu không còn ở Việt Nam, nhưng lại còn ở... Mỹ. Một môn sinh chùa Tam Tông Miếu là ông Nhựt Thanh - từng tham gia biên soạn lịch Tam Tông miếu trước 1975 - đã rời khỏi Việt Nam từ tháng 4/1975 (ông này đi cùng chuyến bay sang Đài Loan với Tổng thống VNCH Nguyễn văn Thiệu). Ông Nhựt Thanh là nhà tử vi, đã biên soạn lịch sách tử vi, lúc đầu cho chùa Khánh Anh, rồi sau đó bộ lịch - bao gồm lịch block và lịch sách - được mang tên là lịch Tam Tông Miếu - Nhựt Thanh. Bộ lịch này được phát hành hàng năm, cho đến tận bây giờ (2017)

Lời ông Nhựt Thanh kể như sau:

“Đầu tiên lịch sách và lịch block Tam Tông Miếu có mặt tại Pháp vào năm 1976 và được Hàn Lâm Viện tại Pháp công nhận… Năm đó, ông Trần Văn Bá, chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên tại Pháp nhờ một nhóm bạn kiến trúc sư bỏ dấu tiếng Việt bằng tay vào bản thảo đầu tiên đánh bằng máy đánh chữ tiếng Anh cho Bộ Lịch Tam Miếu và đem in, bộ lịch Tam Tông Miếu đầu tiên đã được ra đời tại hải ngoại từ đó.

Năm 1979, Lịch Tam Tông Miếu đầu tiên in tại Mỹ và ra mắt cộng đồng người Việt tại đây. Cộng đồng người Việt phát triển tới đâu thì lịch Tam Tông Miếu có mặt tới đó."


Ai là người đầu tiên biên soạn lịch Tam Tông Miếu?

Dĩ nhiên là chùa Tam Tông Miếu rồi, nhưng cụ thể là AI?

Theo lời kể của ông Nhựt Thanh:

“Thuở bé lúc 1 tuổi tôi là trẻ mồ côi được mang về ở trong chùa, và tôi được học ngành thiên văn học để làm lịch số. Năm 1968, tôi 18 tuổi, bắt đầu đặt bút viết cho bộ lịch số Tam Tông Miếu. Đây là bộ Lịch làm theo triết lý tốt đẹp của cuộc sống, theo vũ trụ quan. Lúc đó, tôi chỉ được viết các câu dạy 30 ngày đầu theo đạo Phật, 30 ngày theo đạo Lão và 30 ngày sau viết theo đạo Khổng."

Như vậy, ông Nhựt Thanh chỉ bắt đầu tham gia biên soạn lịch Tam Tông Miếu từ năm 1968, 21 năm sau khi quyển lịch đầu tiên ra đời. Còn trước đó thì sao?

Theo sách "Ngài Minh Thiện - Cuộc đời và đạo nghiệp" do chùa Tam Tông Miếu ấn tống năm 2010 thì:

"Ngài Minh Thiện đem hết sức lực, tâm trí, ngày đêm nghiên cứu, học hỏi các kinh sách như bói toán, bốc dịch, tướng số, thiên văn, địa lý, y học. Môn nào cũng nhờ thầy chuyên môn chỉ dẫn tận tường, chớ không chịu đọc sách qua loa.

Do đó lịch Tam Tông Miếu được nghiên cứu tinh vi, nên được khắp nước Việt Nam tin tưởng và ưa chuộng."

Cũng cần nói thêm là ngài Minh Thiện - chủ trì Tam Tông Miếu - là người am hiểu Pháp và Hán văn nên có năng lực tiếp thu các kiến thức nói trên rất tốt.

Do vậy, có thể nhận định rằng chính ngài Minh Thiện là trưởng ban biên tập, cùng với các cộng sự của mình ở chùa Tam Tông Miếu là những người đầu tiên nghĩ ra và biên soạn bộ lịch Tam Tông Miếu này.

Sách lịch Tam Tông Miếu cũ được rao bán trên mạng

Tiếc thay cho một sản phẩm thương hiệu Việt rất nổi tiếng đã không còn tồn tại ở Việt Nam nữa, dù rằng bây giờ những người lớn tuổi ở miền Nam vẫn còn nhớ và biết tới thương hiệu này, nhất là vẫn còn được lưu truyền qua lời ca Nhất Dương Chỉ - Nhị Thiên Đường - Tam Tông Miếu...

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét