2 thg 8, 2017

Con đường nay em đi, ngày xưa có tên gì?

Dù chính quyền đã đặt tên đường chính thức, có cắm bảng đề tên chính chủ nhưng người Sài Gòn vẫn gọi theo thói quen của họ cho… dễ gọi và dễ nhớ. 

Đường Duy Tân được đổi thành Phạm Ngọc Thạch, xưa có tên Tây đọc là Lan Si Bê (Blansubé) - Ảnh: T.T.D. 

Nhiều khu cư dân hình thành tự phát từ một nhóm cư dân rồi dần dần thành một khu phố nhỏ và nhiều khu phố nhỏ. Một khu đất trống nhờ xây dựng, có dân đến ở, chia thành những con đường chưa được đặt tên.

Những cái tên “mắc cười muốn chết”

Để giải quyết sự rắc rối nhầm lẫn về địa chỉ, người dân ở khu đất mới tự chọn tên đường cho khu mình ở dựa theo đặc điểm mà khu phố khác không có.

Bởi vậy, ở thành phố hiện nay có những con đường mang những cái tên thoạt nghe mắc cười muốn chết. 

Nào là đường “Mẫu Giáo - Nghĩa Địa”. Có lẽ con đường này có trường mẫu giáo gần nghĩa địa (?).

Rồi có tên con đường thoạt nghe thấy lạnh run: “Ướp Lạnh” (chắc ở con đường này có nhà máy nước đá hay đông lạnh thủy hải sản nào đó).

Bà con ở đường “Cựu Chiến Binh Không Rác” chắc vô cùng tự hào vì con đường này vừa mang tính truyền thống vừa bảo vệ môi trường triệt để.

Dân mê mạng chắc tập trung ở con đường “Facebook”. Ngọt nhất có lẽ là hai con đường “Đường Cát” và “Đường Phèn”...

Hãy thử tưởng tượng cách bà con đặt tên đường.

Thoạt đầu có thể như vầy: “Anh (chị) ơi, tôi muốn tìm nhà bà Hai ở xóm trên”/ “Bà Hai hả, anh đi hết con đường có cái trường mẫu giáo, rồi qua nghĩa địa sẽ thấy”/ “Qua mẫu giáo, rồi nghĩa địa”/“Ờ, mẫu giáo, rồi nghĩa địa”.

Dần dần rồi thành con đường mang tên “Mẫu Giáo - Nghĩa Địa”, đường “Ướp Lạnh” hồi nào chẳng ai hay. Sau cùng khi đặt tên đường, cắm bảng địa phương sẽ dùng cái tên được định sẵn theo cách gọi của người dân địa phương.

Gọi tên từ vựa cá, hàng cây...
Nếu như đọc một bài viết của nhà văn Bình Nguyên Lộc - một người Đồng Nai nhưng sống và viết nhiều về Sài Gòn - ta sẽ khám phá cách gọi tên đường thật “bá đạo” ngày xưa. 

Trước hết, họ gọi tên đường theo đặc điểm nơi đây từng có một cơ sở sản xuất gì đó.

Nếu đi ngang vùng “ngã tư quốc tế”, dân Sài Gòn nào chẳng biết đường Nguyễn Thái Học, trước kia có tên Tây là Kitchener nhưng bà con khoái gọi là đường Lò Heo vì đường này từng có một lò heo. Tương tự, đường Bùi Quang Chiêu (Đặng Thị Nhu) được gọi là đường Cá Hấp vì các vựa cá hấp đóng đô gần khu vực chợ Bến Thành.

Thứ đến, đặt tên đường thật thơ mộng theo tên những hàng cây dài che bóng mát cho những cặp tình nhân như họ thường gọi hai con đường Hàng Bàng và Hàng Sao thế thân cho đường Chasseloup Laubat (Hồng Thập Tự - Nguyễn Thị Minh Khai), Massiges (đường Mạc Đĩnh Chi) vì hai bên vệ đường từng có hàng cây bàng và cây sao rợp bóng.

Hoặc cư dân Sài Gòn với lòng tôn kính, biết ơn những người có công góp phần xây dựng thành phố bằng những công trình xây dựng để đời thường dùng ngay chính tên các nhân vật này để gọi, thay vì gọi tên đường do Nhà nước đặt.

Trường hợp này có đường Frères Guillerault (Bùi Chu - Tôn Thất Tùng) được gọi là đường Huyện Sĩ vì có nhà thờ do ông tri huyện Lê Phát Đạt bỏ tiền túi xây dựng. Đường Alsace Lorraine (Phó Đức Chính) được gọi là đường Chú Hỏa vì tòa biệt thự của Hui BonHoa - sau này được dùng làm bối cảnh quay phim Con ma nhà họ Hứa.

Tiếp thu “truyền thống” đặt tên đường theo đặc điểm địa phương, không quan tâm đến tên gọi có “hộ khẩu”, người dân gọi những con đường dành riêng cho quan chức, cán bộ là đường “Trần Dư” - nói lái là trừ dân.

Biết đâu sau này ở tỉnh Yên Bái có con đường mang tên “Chổi Đót”, Đắk Lắk có con đường mang tên “Xe Ôm” hay đường “Chăn Lợn” để ghi nhớ những quan xây biệt phủ bằng con đường lao động đặc thù có một không hai của các quan khi khởi nghiệp làm... quan. 

Tên đường Việt hóa từ chữ Tây
Trước năm 1954, các con đường thành phố đều đặt theo tên Tây, mỗi lần gọi muốn trẹo lưỡi nên bà con tự động Việt hóa mà không cần đến những nhà ngôn ngữ học.

Đố ai thời này biết được con đường “Ai Vô Rờ Quẹt” chính là con đường Eyriaud des Verges (Trương Minh Giảng - Lê Văn Sỹ). “Nhăn Răng Rìa Ai Đi Đây?” là cách gọi con đường Legrand de la Liraye (Phan Thanh Giản - Điện Biên Phủ).

Đường Đít Xơ Mít là cách phiên âm của Dixmude (Đề Thám). Đói bụng hãy nhớ đến đường “Lên Ăn Cơm” khi nói đến đường Léon Combes.

Đường Duy Tân (Phạm Ngọc Thạch) trước kia có tên Tây là Blansubé thì được bà con gọi như tên một thiếu nữ: Lan Si Bê.

Đường Monlaii (Huỳnh Thúc Kháng) là đường Mộng Lầu. Ngã sáu Phù Đổng trước kia được gọi là ngã sáu Quẹt Đoong (Verdon)... 

LÊ VĂN NGHĨA 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét