20 thg 8, 2017

Canh vả nấu giò heo

Trái vả và chân giò heo là hai thứ bổ dưỡng, kết hợp với nhau trong món canh theo cách nấu của người Huế lại càng trở nên đặc biệt và có hàm lượng dinh dưỡng cao, bồi bổ sức khỏe.

Trái vả là trái cây khá quen thuộc với người Huế để chế biến nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng với hương vị đặc trưng. Trái vả khi được chế biến kết hợp cùng một số thứ khác, không chỉ thành món ăn ngon mà còn có tác dụng làm thuốc để chữa bệnh hay bồi bổ sức khỏe. Trong đó phải kể đến món trái vả nấu canh với giò heo. 


Trái vả gần giống với trái sung. Dân gian thường ví von “Lòng vả cũng như lòng sung” là vì thế. Trái vả tròn dẹt, có vỏ xanh bao bọc, có lông tơ mịn màng. Một trái vả tuơi ngon là trái có đặc điểm sau: Trái xanh, thịt trắng, lòng hồng. Khi chế biến món canh vả nấu giò heo người nội trợ thường chọn những trái vả như thế. Huế gọi đó là “vả nếp”.

Trái vả được bán hầu khắp các chợ xứ Huế từ thành thị đến nông thôn. Đến bất cứ khu chợ nào ở Huế bạn cũng bắt gặp. Vả cũng được người Huế mang bán tại các chợ TP. Đà Nẵng như chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ Mới…

Theo Y học cổ truyền, canh vả nấu với giò heo có tác dụng bồi bổ sức khỏe cho phụ nữ sau sinh. Kích thích tuyến sữa hoạt động. Ngoài ra, món canh này còn có tác dụng phòng ngừa một số bệnh như: Phòng bệnh tim mạch, bảo vệ khung xương, giảm huyết áp cao, ổn định đường huyết và cả làm đẹp da, ngừa mụn nhọt…

Để có một tô canh trái vả nấu với chân giò heo dùng cho 4 người ăn, người nội trợ thường dùng khoảng 5 trái “vả nếp”, 300g thịt chân giò heo, một ít gia vị như nước mắm, hành tím, hạt tiêu...


Vả được sơ chế bằng cách gọt vỏ. Trái vả tươi thường chứa một loại mủ màu trắng như sữa. Loại mủ này thường làm cho trái vả có vị hơi chát, chính vì thế nên loại bỏ bằng cách bổ đôi quả vả rồi luộc qua. Sau đó vớt ra để nguội rồi cạo bỏ vỏ xanh. Cắt miếng dày 2 cm theo chiều dọc quả. Rửa sạch để ráo nước.

Thịt chân giò heo rửa sạch, cắt miếng vừa sau đó ướp với chút nước mắm, vài củ hành tím giã nát cùng hạt tiêu. Ướp khoảng 15 phút. Tiếp đến cho chút dầu ăn vào nồi, dầu nóng già thì đổ thịt chân giò heo đã ướp vào xào qua. Khi thấy miếng thịt săn lại thì đổ trái vả đã sơ chế vào đảo đều cho thấm sơ qua. Khoảng 2 phút sau đổ ngập nước và nấu cho đến khi thịt chân giò và miếng vả mềm thì cho vào nồi canh một chút ruốc Huế. Lúc bấy giờ cả gian bếp sẽ dậy một mùi thơm ngào ngạt rất đặc trưng, đầy quyến rũ.

Nếu quá trình nấu canh mà nước cạn thì tiếp tục chêm thêm nước để vả và giò heo luôn được ngập. Khi thịt giò và trái vả đã mềm, bạn nêm nếm lại cho vừa miệng rồi tắt bếp. Múc canh ra tô, bỏ thêm chút hành lá ngò rí thái nhỏ và thưởng thức cùng cơm nóng thì không gì sánh bằng. Món canh này sẽ cho bạn một trải nghiệm thú vị. Vị béo ngọt của thịt giò heo hòa quyện cùng vị ngọt bùi của miếng vả. Vị mặn mòi dịu ngọt đặc trưng của chút ruốc Huế cùng mùi thơm ngào ngạt của gia vị sẽ làm say lòng người thưởng thức.

Bởi vậy, người xưa có câu ca: “Canh vả nấu với giò heo, anh ăn một chén, anh theo tới già”. Người Huế xa quê trong nỗi nhớ quê hương có nỗi nhớ khôn nguôi về món canh trái vả nấu giò heo đơn sơ mà ngọt lành như tình mẹ.

Ngọc Hoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét