7 thg 8, 2017

Dấu xưa nơi làng cổ Đông Sơn

Đây là ngôi làng cổ với niên đại khoảng 2.500 năm, chứa đựng trong đó những trầm tích văn hoá, giá trị lịch sử về nguồn cội dân tộc. Làng còn có tiềm năng du lịch to lớn chưa được khai thác.

Dấu xưa của nguồn cội dân tộc


Làng trước thuộc xã Đông Giang, huyện Đông Sơn, TP. Thanh Hoá, nay thuộc phường Hàm Rồng, TP. Thanh Hoá. Theo tài liệu khảo cổ học, từ thời các vua Hùng dựng nước, làng đã được hình thành, là nơi sinh sống của người Việt cổ với 1 nền văn minh lúa nước phát triển vô cùng rực rỡ. 

Cổng ngõ Trí . 


Ngôi làng bé nhỏ này đã được cả thế giới biết đến khi người nông dân trong làng là Nguyễn Văn Nắm phát hiện được nhiều đồ cổ bằng đồng, trong đó có một chiếc trống đồng, trong một lần đi đánh cá dọc sông Mã vào năm 1924. Sau đó, tên làng được đặt tên cho 1 loại trống đồng và định danh cho một nền văn minh rực rỡ trong tiến trình phát triển của lịch sử văn minh nhân loại - nền văn hóa Đông Sơn.

Cách trung tâm thành phố khoảng 1 km nhưng làng vẫn giữ được nét yên bình và sự biệt lập của một ngôi làng thuần nông. Ở vị trí đắc địa, bên bờ Nam sông Mã, nơi tiếp giáp của sông Chu và sông Mã, làng nằm giữa thung lũng, dựa lưng vào chân núi Cánh Tiên, phía trước là cánh đồng bằng phẳng, màu mỡ, bao quanh làng là đồi đất, núi đá. Vì thế, từ xưa, làng đã có thuận lợi để phát huy triệt để lợi thế của kinh tế ruộng nước và đất đồi.

Trải qua thời gian, với những thăng trầm lịch sử, làng đã có nhiều biến đổi nhưng những nét xưa với một hệ thống các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể vô cùng quý giá vẫn còn được lưu giữ tại làng.

Kết cấu xóm làng, kiến trúc nhà cửa, cổng làng... vẫn mang đậm dấu ấn của một làng Việt cổ với những lối đi nhỏ được lát gạch hoặc đá, kết nối các cụm dân cư kiểu xương cá, thuận lợi cho đi lại. Làng vốn được chia thành 6 làng nhỏ, với làng Văn - người học chữ Nho; làng Võ - người đi lính; làng Nhạc - người chơi nhạc; làng Hộ - người trông coi Văn Thánh… Bốn ngõ xóm của làng được đặt tên là Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng. Đây là sự phản ánh sống động bề dày truyền thống văn hóa của làng cổ.

Đền thờ cổ 400 năm tuổi thờ Lê Uy - Đức Thánh Cả. 

Đến nay, người làng vẫn tuân thủ những hương ước của làng, với những quy định cụ thể về tang tế, hôn lễ, tế tự, kết chạ...

Một số ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi cùng hệ thống những di tích Văn Thánh, đền Đức Thánh Cả, Phủ Mẫu, Miếu Nhị, văn bia “Tượng Sơn bi ký”... tại làng không chỉ là dấu tích xưa mà còn là gạch nối, gắn kết quá khứ và hiện tại.

Trong đó, ngôi đền cổ Lê Uy - Đức Thánh Cả, hay còn gọi là đền Nghè, có cách đây hơn 400 năm đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Nét kiến trúc cổ với nghệ thuật điêu khắc gỗ màn trạm tứ linh, hoa lá sinh động cùng với 31 tấm sắc phong của ngôi đền cổ vẫn được giữ nguyên vẹn.

Ngôi nhà cổ, số 10 ngõ Trí, được cụ tổ 5 đời của dòng họ Lương Trọng xây dựng bằng gỗ cách đây khoảng 200 năm, có kiểu kiến trúc điển hình của nhà ở phía Bắc thế kỷ XIX cũng vẫn còn được lưu giữ gần như nguyên vẹn. Trong nhà còn chứa những hiện vật cổ quý giá, nhiều hiện vật có từ thời Lê (khám thờ, bát hương sứ, mâm bồng, đài gỗ, lục bình gỗ, quả hộp gỗ, giá chuông, bàn thờ, bức đại tự, ống nhổ trầu bằng đồng…).

Bên cạnh đó, nhiều lễ hội cổ truyền cũng được cư dân nơi đây giữ gìn, trao truyền và tiếp nối qua các thế hệ với sự đa dạng, phong phú của nền văn minh lúa nước (lễ Sắp Ấn, lễ Thượng Nêu, lễ Kỳ Yên, lễ Cửu Trùng, lễ Hạ Nguyên, lễ Văn Thánh...).

Tiềm năng du lịch

Làng cổ Đông Sơn cũng không tránh khỏi quá trình đô thị hóa. 13 ngôi nhà cổ ở làng chỉ còn nguyên vẹn một. Những ngôi nhà ở hiện đại dần thay thế. Người làng cũng không chỉ làm nông mà đã tham gia vào các lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ và sản xuất công nghiệp. Đất canh tác bị thu hẹp, dân số làng tăng nhanh là những nguy cơ lớn bào mòn và làm mất dần đi những dấu tích cổ xưa còn lại.

Chùa Đông Sơn với biểu tượng trống đồng độc đáo. 

Tuy nhiên, những dấu xưa vẫn còn được lưu giữ, làng vẫn mang dáng dấp cổ xưa. Tiềm năng phát triển du lịch của làng rất lớn. Theo các chuyên gia đánh giá, làng cổ Đông Sơn hội tụ đủ 5 di tích (khảo cổ, danh thắng, lịch sử văn hóa, cách mạng kháng chiến và kiến trúc), đây đã là sự hấp dẫn hiếm có để thu hút du khách tham quan, tìm hiểu.

Hiện nay, làng đã nằm trong khu du lịch Hàm Rồng, điểm và tuyến du lịch hành trình xứ Thanh của tỉnh.

Tuy nhiên, để tạo sự hấp dẫn và sức hút, chính quyền và các đơn vị quản lý du lịch này cần xây dựng những sản phẩm du lịch chuyên biệt và đa dạng cũng như đảm bảo dịch vụ tối ưu.

Tam quan đền thờ Đức Thánh Cả. 

Là làng cổ, nhưng Đông Sơn chưa được công nhận là làng cổ vì vậy công tác bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa, truyền thống ở đây nhỏ lẻ và tự phát. Chính quyền tỉnh và thành phố cần có cơ chế, chính sách cũng như hoạch định chiến lược phát triển du lịch của làng cổ Đông Sơn trong du lịch tỉnh nhà. Song song với việc phát triển du lịch làng cổ, cần thực hiện tốt công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa nơi đây.

Trong tương lai không xa, người dân làng cổ Đông Sơn sẽ có đời sống tốt hơn khi du lịch phát triển. Cư dân làng chính là chủ thể bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa cũng chính là người tham gia làm du lịch.

Nguyễn Văn Mão

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét