17 thg 8, 2017

Ánh trăng Khmer

Cả nước Việt Nam có hơn 15.000 ngôi chùa, trong đó hầu hết là chùa Bắc tông, chùa Nam tông chỉ có 539 ngôi (hơn 3%). 539 ngôi chùa Nam tông ấy tập trung chính ở miền Tây Nam bộ và chủ yếu là Nam tông Khmer. Thí dụ, riêng Trà Vinh đã có tới 141 ngôi chùa Nam tông Khmer.

TPHCM có hơn 1.000 ngôi chùa, nhưng chỉ có 19 ngôi chùa Nam tông (dưới 2%). Khác với miền Tây, ở TPHCM chùa Nam tông chủ yếu là của người Việt, cả thành phố chỉ có 2 ngôi chùa Nam tông Khmer thôi. Đó là chùa Chantarangsay ở 164/235 đường Trần Quốc Thảo, thuộc phường 7, quận 3 và chùa Pothiwong ở 1985B Hồng Lạc, phường 10, quận Tân Bình.

Chùa Chantarangsay là ngôi chùa Nam tông Khmer to và đẹp nhất ở TPHCM (chùa Pothiwong to và đẹp... nhì!).

Cổng chùa

Tên Chantarangsay rất nên thơ, nó có nghĩa là ánh trăng. Chùa Chantarangsay nghĩa là Chùa Ánh trăng. (một số nơi ghi là chùa Wat Chantarangsay, thật ra Wat đã có nghĩa là chùa).

Ngôi chùa do Đại đức Lâm Em khởi dựng năm 1946. Ông là người Khmer, quê Sóc Trăng, tu tập ở Campuchia, từng là Hiệu trưởng trường Phật học tại Phnompenh. Thường về Sài Gòn, ông thấy cần có một ngôi chùa Khmer cho sư sãi Nam tông tu học đồng thời giúp các sư sãi vãng lai có chỗ nghỉ ngơi hợp với giáo luật. Ban đầu, ông chỉ cho lấp đầm lầy, dựng một căn nhà sàn để ở và tu hành. Năm 1949, ngôi chánh điện được xây dựng bằng bê tông, hoàn thành và làm lễ kết giới năm 1953. Từ đó đến nay, chùa đã qua nhiều lần trùng tu. 
Theo tư liệu, diện tích chùa là 4.500 m2.

Chùa Chantarangsay khoảng năm 1990. Ảnh: Võ văn Tường

Như tất cả các ngôi chùa khác, ngôi chính điện là kiến trúc quy mô và quan trọng nhất của chùa Chantarangsay. Là chùa Nam tông, nên trong chính điện chỉ thờ mỗi Đức Phật Thích Ca. Giữa chánh điện tôn trí kim thân đức Phật, được xếp thành năm tầng từ thấp đến cao, từ lớn đến nhỏ, mỗi tầng là một tư thế tu hành của đức Phật. Trên trần và tường là các hình ảnh kể về sự tích của Phật. Và vì là chùa Khmer nên kiến trúc chùa mang đậm nét kiến trúc Khmer.



Bên ngoài ngôi chánh điện

Các ngọn tháp trên mái chánh điện



Bên trong ngôi chánh điện

Một công trình quan trọng khác là Sala (nhà tăng), theo bảng đề thì Sala hiện nay được xây dựng năm 1967.

Sala được xây dựng năm 1967

Trong khuôn viên chùa còn có tháp thờ Phật, tháp đựng hài cốt, các tượng và cụm tượng...




Các tháp và tượng trong khuôn viên chùa

Nếu bạn chưa có dịp viếng thăm một ngôi chùa Nam tông Khmer ở miền Tây Nam bộ (thường có tuổi đời 500 - 600 năm) thì đến viếng thăm ngôi chùa Ánh Trăng này ngay tại Sài Gòn bạn sẽ cảm nhận được những nét đặc sắc tiêu biểu của chùa Nam tông Khmer (tuổi đời chỉ 70 năm). 

Tuy nhiên, có một điều rất đặc trưng của chùa Khmer miền Tây mà chùa Chantarangsay không có được. Đó là hầu như tất cả các ngôi chùa Khmer ở miền Tây đều có một rừng cây rất rộng bao quanh, với cây xanh tỏa bóng mát, với tiếng lá rì rào, với tiếng chim ríu rít (ấy vậy nên miền Tây mới có chùa Cò, chùa Dơi...). Quả là một điều đáng tiếc, nhưng cũng khó lòng có được với một ngôi chùa ở trong lòng đô thị sầm uất nhộn nhịp này.

Cây xanh như thế này đã là rất nhiều đối với một ngôi chùa ở Sài Gòn

Và còn một điều khác nữa. Nếu về miền Tây, bạn có thể gặp các nhà sư chân không ôm bát đi khất thực trên đường (theo đúng phương cách tu của Nam tông) thì điều đó không thực hiện được nơi TPHCM náo nhiệt này. Chỉ có Phật tử cúng dường và chùa dùng tiền ấy để lo các bữa ăn cho sư sãi.


Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét