8 thg 3, 2024

Về Bàn Than – Hòn Mang – Hòn Dứa

“Khom lưng, ông Đụn vờn mây nước/Nhắm mắt, bà Che tẩy bụi trần”… Núi Bàn Than trải dài như bức bình phong chắn sóng gió cho làng Thuận An (xã Tam Hải, Núi Thành). Những con sóng bao đời nay vẫn vỗ vào vách đá tạo lớp trầm tích văn hóa bền bỉ với thời gian, ngân rung giai điệu về sự đổi thay của xã đảo.

Làng Thuận An nằm dưới chân núi Bàn Than. Ảnh: Đ.Q

500 năm lập làng

Chúng tôi hỏi chuyện lập làng, vị Bí thư chi bộ thôn Thuận An Nguyễn Ngọc Thọ lắc đầu bảo: “Chuyện của tiền hiền thì lớp người như chúng tôi cũng không tỏ tường nổi ngoại trừ biết lịch sử mảnh đất này đã ngót nghét gần 500 năm”. Nói rồi ông Thọ dẫn chúng tôi qua bậc cao niên nhất trong thôn là Nguyễn Đức Ba với hy vọng tìm thấy được những câu chuyện còn lưu trong trí nhớ lão ngư dân này.

Ở tuổi 80, ông Nguyễn Đức Ba vẫn minh mẫn, nhớ như in từng câu chuyện mà ông bà xưa kể lại. Chỉ tay về hướng núi Bàn Than, ông bảo xưa kia những cư dân đầu tiên lên lập làng ở dưới chân núi. “Cha ông hồi đó xuôi theo biển mưu sinh khi đến đây thấy thế đất doi ra biển, yên tĩnh và nhiều cá tôm nên họ trú ngụ lại. Thuở ban đầu là ở sát dưới chân núi, sau đó mới tiến vào dần và lập nên mảnh đất này” – ông Ba kể chuyện.

Theo bia ghi lại ở sở tự tiền hiền làng Thuận An, ngôi làng này được lập nên từ thế kỷ 16. Chẳng ai biết bậc khai lập ra làng nhưng các cao niên ở đây quả quyết những người đầu tiên là 2 dòng họ Đào và họ Bùi.

Bí thư chi bộ thôn Thuận An Nguyễn Ngọc Thọ nhận định: “Ngày xưa 2 dòng họ này ở sát chân núi nên chắc chắn tổ tiên họ là những tiền hiền khai mở. Sau đó, nghề bủa lưới, giăng câu ăn nên làm ra nên các họ khác cũng về đây hội tụ, dần dà trở nên đông đúc”.

Còn ông Nguyễn Ngọc Ba nói: “Núi Bàn Than không có đỉnh và bằng phẳng kéo dài. Vì vậy các cụ ngày xưa nói lại thì tên gọi ban đầu là “Bằng Thán”, dịch nghĩa là tấm tắc khen vì sự quá bằng phẳng của ngọn núi. Sau này, các thế hệ sau đọc trại đi thành Bàn Than”.

Ngư dân thôn Thuận An bao đời gắn bó với nghề đánh bắt gần bờ. Ảnh: Đ.Q

Quanh ghềnh đá Bàn Than có một rạn san hô lớn kéo dài hơn 10 cây số, nơi tập trung sinh sống của nhiều loại rong tảo, hải sản quý như tôm hùm, tôm sú, ốc hương, cá, mực và giáp xác các loại. Theo đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học trên lĩnh vực địa chất, khu vực các xã Tam Hải, Tam Quang của huyện Núi Thành, nhất là khu vực Bàn Than, Hòn Mang, Hòn Dứa có niên đại cách ngày nay khoảng 400 triệu năm, mang những đặc trưng tiêu biểu của quá trình tiến hóa vỏ Trái Đất, liên quan tới sự hình thành và tách giãn Biển Đông; là địa điểm có giá trị đối với việc nghiên cứu và làm sáng tỏ các giai đoạn phát triển địa chất của vỏ Trái Đất.

Một góc Bãi Nồm thuộc khu vực Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa. Ảnh: Đ.Q

Gìn giữ và trao truyền

Trải qua 500 năm hình thành và phát triển, ngư dân Thuận An vẫn giữ nghề lộng gần bờ. Những năm gần đây, những hải sản đánh bắt được có giá ổn định khi được các chủ đầu nậu, nhà hàng trên địa bàn thu mua hết.

Ông Trịnh Văn Thảo cho biết, những ngư dân nơi này thường ra khơi lúc 3 giờ để thu lưới, bủa lưới và trở về khi rạng đông đã tỏ mặt người. Nghề ven bờ thường dựa vào từng thời vụ hải sản như ghẹ, mực, các loại cá… để khai thác.

“Thời ông bà đi ghe buồm thì vất vả nhưng nay dùng ghe máy hết nên sản lượng cũng nhiều hơn. Mỗi ghe chỉ cần 1 – 2 người là tự đánh bắt được và mỗi chuyến đi cho thu nhập khoảng 300 đến 500 nghìn đồng” – ông Thảo nói.

Đội bả trạo thôn Thuận An tập luyện. Ảnh: Đ.Q

Không chỉ gìn giữ nghề cha ông, những cư dân Thuận An luôn trao truyền các giá trị văn hóa – lịch sử do tiền nhân để lại. Thôn Thuận An là nơi duy nhất ở xã đảo Tam Hải đã phục dựng thành công đội hát bả trạo.

“Nhân dân luôn nuối tiếc vì làng biển hơn 500 năm lịch sử lại thất truyền đi nghi thức hát bả trạo nên cách đây 3 năm, tôi và các cao niên trong làng đi khắp nơi tìm lại lời hát, vận động người tham gia và được xã ra quyết định thành lập. Đó là điều đáng mừng vì mình giữ được văn hóa đặc trưng vùng biển” – ông Nguyễn Ngọc Thọ nói.

Đội bả trạo Thuận An có 15 người, trong đó có 3 tổng và 12 chèo được tập hợp từ các trung niên, phụ nữ trong thôn. Và những ngày này, các thành viên của đội đang ngày đêm tập luyện nhằm phục vụ cho lễ hội cầu ngư và lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia danh lam thắng cảnh Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa. Họ tranh thủ sau chuyến biển là quây quần về nhà văn hóa thôn để tập từng lời hát, nhịp chèo…

Người dân xã Tam Hải chung tay bảo vệ môi trường tại danh thắng Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa. Ảnh: Đ.Q

Đến Tam Hải du khách có thể thăm thú nhiều cảnh đẹp này bằng thuyền, ca nô. Ảnh: Đ.Q

Giấc mơ làng du lịch cộng đồng

Khi Tam Hải chưa biết đến kinh tế du lịch, những người dân Thuận An chỉ gắn chặt đời mình với chiếc ghe, con tàu. Và những phụ nữ trong thôn ngoài việc phụ chồng bủa lưới, giăng câu chỉ quanh quẩn chuyện buôn bán lặt vặt. Nhưng từ ngày khách nhiều nơi tìm về đây tham quan trải nghiệm, họ có cơ hội làm ăn.

Bà Trương Thị Cúc cho biết, tín hiệu vui khi dịch COVID-19 được kiểm soát thì du khách cũng đến với xã đảo Tam Hải thêm đông. Nhận thấy tiềm năng, bà Cúc thuê người đổ nền bê tông, dựng khu ăn uống, giải khát hơn 20 triệu đồng để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Sự thức thời này giúp bà tăng thu nhập, đặc biệt, dịp Tết Giáp Thìn vừa qua, quán nước nhỏ của bà luôn tấp nập khách.

“Không chỉ khách vãng lai đến tham quan Bàn Than – Hòn Mang – Hòn Dứa ghé vào uống nước, mua các đặc sản của vùng này như rau xoa, tôm, cá, ghẹ… mà những đoàn khách ở xa cũng đặt nhà tôi làm các bữa liên hoan, ăn uống. Tuy nhiên, đò giang cách trở, nơi lưu trú chưa có nhiều nên lượng khách không đông như các địa điểm du lịch khác” – bà Cúc chia sẻ.

Đá nước giao hòa nơi xã đảo. Ảnh: Đ.Q

Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải Đỗ Kim Hùng cho biết, Tam Hải có diện tích tự nhiên hơn 1.332 ha gồm 7 thôn với 2.855 hộ, 10.051 nhân khẩu. Hòn đảo này có địa hình thế chân vạc, sông biển bao quanh với 3 mặt giáp biển, 1 mặt giáp sông Trường Giang, thông qua hai cửa biển là cửa An Hòa và Cửa Lở. Nhờ đó, thiên nhiên ban tặng cho xã đảo nhiều danh thắng kỳ vĩ, đến nay vẫn còn giữ nét hoang sơ.

Trong đó, di tích cấp quốc gia danh thắng Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa là địa danh được nhiều người biết đến. Khu vực này có ghềnh Bàn Than kéo dài quanh hòn núi nhỏ, có những bàn đá đen hình thù khác nhau, sắp xếp ngẫu nhiên tựa như muôn vàn tác phẩm điêu khắc nằm giữa đất trời, đem lại hứng thú cho mỗi du khách khi dừng chân. Đồng thời, gần đó là các hòn đảo nhỏ Hòn Mang, Hòn Dứa không có người sinh sống, mang vẻ đẹp hoang sơ.

Du khách tham quan Bàn Than. Ảnh: Đ.Q

Cũng trong khu vực này là hệ thống rạn san hô đa dạng nằm trong khoảng giữa về phía bắc và phía nam của cửa vũng An Hòa. Đồng thời nhiều loài rong biển, cá sinh sống tại đây, có nhiều loài có giá trị kinh tế như cá hồng, cá mú, cùng với tôm hùm và nhiều loài ốc đẹp….có thể khai thác phục vụ khách lặn biển ngắm san hô và các sinh vật biển.

“Xã đảo Tam Hải còn có di tích lịch sử cấp tỉnh Chi bộ An Hòa (Quang Ánh Minh), Nghĩa địa cá Ông, Đồn Hải thuyền, Sân bay Hòa Long, Giếng nước cổ… Những tài nguyên du lịch tự nhiên, văn hóa, lịch sử hội đủ để xây dựng nên dịch vụ du lịch theo hướng eco-tour, nghỉ dưỡng trong tương lai” – ông Hùng thông tin.

HOÀNG ĐẠO - HỒ QUÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét