17 thg 3, 2024

Độc đáo lễ hội cúng thần rau ở Hội An

Đoàn nghinh thần (rước thần) có hai hàng cờ với trống chiêng, cổ nhạc và bô lão vận áo dài khăn đóng cùng những chàng trai, cô gái trong lễ phục khênh kiệu hoa, mâm ngũ quả, lư hương, án thờ diễu qua khắp các ngõ làng, thôn xóm. Phần tế chính thức diễn ra tại đình làng với bàn thờ đầy bánh trái, hương hoa và lễ vật để bày tỏ lòng biết ơn đến tiền hiền, cầu Thần Nông phù hộ cho mưa thuận gió hòa rau hoa tươi tốt.

Lễ hội Cầu Bông trở thành nét văn hóa đặc sắc ngày đầu năm mới ở làng rau Trà Quế (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) từ hơn 400 năm nay.

Lễ hội Cầu Bông đầu năm ở làng rau Trà Quế

Cảm tạ Thần Nông

Làng Trà Quế nằm cách phố cổ Hội An 2,5 km về phía Bắc, là làng rau nổi tiếng với tuổi đời hơn 400 năm. Nghề trồng rau ở đây được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Những ngày đầu năm Trà Quế ngập tràn trong sắc màu tươi mới. Màu xanh ngắt của rau, vàng tươi hay đỏ thắm của hoa, cờ hội giăng khắp nẻo làng. Sáng ngày mồng 7 tháng Giêng, dân làng tụ hội về đông đủ dưới mái đình cổ để tham gia Lễ hội Cầu Bông, nét văn hóa tâm linh lâu đời.

Từ sáng sớm, hai hàng cờ, phướn được đặt trước đoàn nghinh thần, phía sau là kiệu thần với trống chiêng, đồ nhạc cổ, đồ gia lễ, các bô lão, nghệ nhân khăn đóng áo dài cùng những chàng trai, cô gái trong lễ phục khênh kiệu hoa, mâm ngũ quả, lư hương, án thờ diễu qua khắp các ngõ làng, thôn xóm di chuyển hướng về phía đình làng.

Lễ vật được chuẩn bị chu đáo, rất nhiều sắc màu gồm mâm xôi màu hồng, con gà trống miệng ngậm hoa, hương đèn, hoa quả, trà rượu, vàng mã,... Theo người dân, xôi màu hồng tượng trưng cho sự may mắn, đoàn kết, được mùa. Con gà ngoài ý nghĩa đại kiết còn thể hiện sự gắn bó gần gũi với đời sống sản xuất của người nông dân.

Sau lễ Nghinh thần là lễ cúng đất, cúng âm linh và lễ tế chính theo nghi thức truyền thống. Khi cúng vái, ngoài phần giới thiệu tên đất tên làng, lễ vật dâng lên, người ta thường vái Thần Nông, Thành Hoàng Bổn xứ của xứ đất Trà Quế và những bậc lão làng của nghề trồng rau đã quá cố.

Với người dân Trà Quế, lễ hội Cầu Bông vô cùng thiêng liêng, ý nghĩa nên có đi đâu thì cũng trở về để tham gia. Sáng sớm sau khi làm lễ cúng tại nhà thì ai nấy đều ra tụ hội về đình làng để dự lễ chung.

Ông Nguyễn Hùng (67 tuổi) chưa năm nào bỏ lỡ tham gia Lễ Cầu Bông. “Đã là người Trà Quế thì có đi đâu, làm gì thì ngày này cũng tề tựu đông đủ. Nhà nhà cùng dâng lễ bày tỏ lòng biết ơn tiền hiền, cầu một năm mưa thuận gió hoà, cây trái tươi tốt và cùng nhau tham gia phần hội gắn kết cộng đồng”, ông bày tỏ.

Sau phần nghi lễ là các hội cũng được nhiều người dân và du khách tham gia. Hội thi cuốc đất trồng rau; thi vớt rong, bón gốc; hội thi ẩm thực, làm món tam hữu đặc sản của làng được làm từ tôm, hành, rau húng. Món ăn dân dã nhưng đậm vị khó quên bởi hương vị đặc trưng từ nguyên liệu của vùng rau di sản.

Theo ông Mai Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà, lễ hội Cầu Bông của cư dân Trà Quế có từ lâu đời. Lễ hội được tổ chức nhằm cúng Thần Nông, tiền hiền, cầu an, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, mọi người mạnh khỏe, an vui. Lễ hội cũng là dịp để gắn kết tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt.

Giữ làng rau di sản

Trong lịch sử, địa danh Trà Quế còn được gọi Nhự Quế, Thanh Quế, Nhà Quế. Chuyện lưu truyền trong dân gian kể rằng, vào khoảng thế kỷ XVIII có một vị vua du ngoạn trên dòng sông Đế Võng và ghé vào làng, thưởng thức một loại rau nhận thấy vị thơm của rau giống loại trà, vị cay giống quế, thế rồi vị vua này đặt tên làng rau là Trà Quế.

Năm 2022 Bộ VH-TT&DL công nhận nghề trồng rau Trà Quế là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm tự hào của người địa phương.

Trà Quế có hơn 50 loại rau, trong đó có những loại rau đặc trưng như rau húng, é, cải con, hẹ,… Những thế hệ truyền tay nhau gìn giữ giống rau xưa của làng, vừa phù hợp thổ nhưỡng lại ít sâu bệnh, mùi thơm đặc trưng.

Nằm cạnh sông, Trà Quế được ưu ái thổ nhưỡng phù sa, mầu mỡ lại thêm bản tính người nông dân cần cù, không tiếc công chăm bẵm. Những đôi tay tỉ mẩn từ khâu làm đất bón phân, đến tìm bắt sâu, nhổ cỏ, tưới nước mỗi ngày giữ rau luôn xanh mướt. Ở đây người ta dùng rong vớt lên từ dưới sông để ủ đất, bón lót thêm phân bò ủ, tuyệt nhiên không dùng đến thuốc hóa học. Mỗi ruộng đều đào một giếng trữ nước sạch dùng để tưới rau. Rau Trà Quế luôn tỏa ra mùi vị thơm nồng đặc trưng, được nhiều người tin dùng.

Ông Lê Mậu (63 tuổi, nông dân Trà Quế) chia sẻ, rau Trà Quế không chỉ là món ăn hàng ngày trong bữa cơm gia đình mà còn là vị thuốc tự nhiên. Những loại rau này là nguyên liệu không thể thiếu của những món ăn đặc sản xứ Quảng như mỳ Quảng, cao lầu, bánh xèo…Đặc biệt món tam hữu riêng có không của Trà Quế. Món ăn tưởng dung dị với 3 thức chính gồm tôm, thịt và rau thơm, nhưng lại kết tinh đất trời mà mỗi ai đến đây ăn thử đều nhớ.

Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết, định hướng sắp tới của thành phố vận động người dân chuyển đổi phương thức canh tác theo quy trình sản xuất rau organic, đồng thời phát triển du lịch cộng đồng dựa trên nền tảng nông nghiệp hữu cơ và nghề truyền thống. Đề án hiện dự kiến triển khai vào giữa năm 2024, bước đi này nhằm phát huy hiệu quả, bền vững làng rau di sản.

Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà Mai Thanh Hùng, cho biết hiện làng Trà Quế có 202 hộ trồng rau với tổng diện tích 18,5 ha. Bình quân mỗi năm bán ra khoảng gần 800 tấn rau, doanh thu khoảng 12 tỷ đồng.

Rau “made in Trà Quế” định vị thương hiệu, luôn được giá cao, người mua tin dùng. Những dịp như Tết thường "cháy" hàng bởi xu hướng dùng rau sạch.

Ngôi làng nhỏ nổi tiếng không chỉ là vựa rau sạch mà còn định vị mình trở thành “làng rau di sản”, điểm đến xanh hấp dẫn du khách. Rất đông du khách, nhất là khách Tây tìm đến Trà Quế để trải nghiệm làm nông dân, tự tay cuốc đất, gieo hạt, tưới cây, hay thưởng thức ẩm thực món ăn dân dã như tam hữu, bánh xèo, cao lầu…giữa không gian đồng quê tươi mát.

Hoài Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét