Trước nay, khi đi Long Hải tắm biển, tui thường... vô chùa. Đó là ngôi Tịnh xá Ngọc Hải, nằm sát bên biển. Cổng sau chùa có lối ra biển.
Tịnh xá Ngọc Hải là một tịnh xá ni, do ni trưởng Thích Nữ Huỳnh Liên thành lập vào năm 1960 trên một khu đất rộng 5 hecta. Thời gian kiến tạo tịnh xá kéo dài 10 năm, gồm chánh điện và các công trình phụ với tổng diện tích 1.300 m². Trong khuôn viên tịnh xá cảnh quan rất đẹp, với nhiều cụm tượng như: Đức Phật đản sinh, Đức Phật xuất gia, Đức Phật chuyển pháp luân, Đức Phật nhập Niết bàn...Phía sau tịnh xá có lối ra biển. Tịnh xá cũng có tổ chức cho thuê chỗ, giữ đồ, tắm nước ngọt như các bãi tắm, nhưng giá rất dễ chịu, và đều do các ni cô quản lý... bạn sẽ không phải bực mình vì bị chèo kéo, hét giá v.v...
Tui biết đến tịnh xá từ năm 2000 và thích tới đây tắm biển vì yên tĩnh hơn các bãi tắm náo nhiệt khác, vừa vãn cảnh chùa. Hồi đó tắm xong bạn có thể dùng cơm chay trong tịnh xá. Vì là nhà chùa, nên bạn có thể ăn mà không mất tiền, nhưng tốt nhất là nếu đi đông người bạn có thể gửi tiền để các ni có thể mua thức ăn và nấu chuẩn bị cho bạn (chứ ăn chùa thì... cũng ngại!). Ăn xong, bạn có thể ngả lưng trên những tấm phản mát lạnh của tịnh xá. Tuy nhiên từ ngày tịnh xá được xây dựng lại, những lần gần đây tui tới thì không thấy có nhận nấu cơm chay cho khách nữa.
Tượng thái tử Tất Đạt Đa cắt tóc trong khuôn viên tịnh xá Ngọc Hải, ảnh chụp năm 2001. Thằng nhóc trong hình giờ đã qua tuổi 30.
Lối ra, từ phía sau của tịnh xá ra bãi biển. 2013
Từ hướng biển nhìn lên tịnh xá. 2013
Bãi tắm sau tịnh xá Ngọc Hải vắng lặng, yên bình. Phía xa kia là bãi tắm Long Hải, đông nghẹt người. 2013
Nhiều người biết Dinh Cô Long Hải, nhưng số người biết đến mộ Cô thì ít hơn. Nhiều người lại nghĩ rằng mộ Cô và dinh Cô là một. Thật ra đây là hai điểm đến khác nhau cùng liên quan đến một vị nữ thần trong truyền thuyết.
Cô ở đây là một cô gái trẻ tên Lê thị Hồng, ra biển lâm nạn và mất năm 16 tuổi. Ngư dân đã chôn cất cô trên đồi Cô Sơn, chính là vị trí mộ Cô hiện nay (không biết tên Cô Sơn có trước hay do mộ Cô ở đó nên đồi được gọi tên là Cô Sơn). Cũng cần lưu ý là mặc dù hiện nay khu mộ của cô được xây dựng khá quy mô nhưng người dân vẫn chỉ gọi là mộ chớ không gọi là lăng. Ai gọi là Lăng Cô coi chừng đi lộn ra tới... Huế!
Từ đó cô luôn hiển linh mộng báo điềm lành, diệt trừ dịch bệnh, độ trì bá tánh, phù trợ ngư dân… nên dân trong vùng tôn xưng cô là "Long Hải Thần Nữ Bảo An Chánh Trực Nương Nương Chi Thần", và lập đền thờ thờ Cô. Đó chính là Dinh Cô.
Dinh Cô cách mộ Cô khoảng 1 km nếu đi bộ dọc biển, nhưng cách đến 3 km nếu đi bằng xe hơi.
Năm 2021, tranh thủ lúc Covid lắng xuống, tui rủ mấy ông bạn già ra đây, định giới thiệu một chỗ tắm biển độc - lạ. Rất tiếc, cửa ra biển đã khóa lại, nơi nghỉ ngơi và tắm nước ngọt cạnh đó (trong khuôn viên tịnh xá) đã dẹp từ bao giờ. Có lẽ do áp lực của các bãi tắm tư nhân gần đó mở ra ngày càng nhiều, mà nhà chùa chẳng muốn phiền toái.
Dinh Cô cách mộ Cô khoảng 1 km nếu đi bộ dọc biển, nhưng cách đến 3 km nếu đi bằng xe hơi.
Mộ Cô - năm 2001.
Đứng ở lan can mộ Cô, hướng ra biển - năm 2001. Hai anh chàng trong hình giờ này đã già hơn gần 1/4 thế kỷ.
Mộ Cô thì vẫn vậy, được điểm tô thêm nhiều sắc màu hơn.
Lối lên mộ Cô, ngôi chùa phía xa là tịnh xá Ngọc Hải. Năm 2021
Lan can trên mộ Cô nhìn ra biển, giờ có thêm những tiểu tượng trang trí. Năm 2021
Tết năm nay (2024) tui lại ra Long Hải. Sát mộ Cô vừa khai trương một quán cafe hoành tráng, mang tên Moco, nghe cứ y như là tiếng Ý. Quán sang trọng, có view đẹp. Giới trẻ nườm nượp tới check in, chụp ảnh.
Quán cà phê Moco. Ảnh Phạm Hoài Nhân 2024
Ngồi trong quán, tui nghe các bạn trẻ ở bàn bên cạnh chỉ sang mộ Cô kế bên và hỏi:
- Mộ Cô bên đó là cô nào vậy ta?
- Ờ, chắc là một cô công chúa thời xưa đó mà!
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét