Cây 'cô đơn' giữa lòng hồ Phú Ninh hút khách
Cây sanh mọc trên ốc đảo giữa lòng hồ thủy lợi Phú Ninh, tạo nên điểm nhấn giữa lòng hồ thơ mộng, thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan ngày cuối tuần.
Gần một tháng qua, hồ thủy lợi Phú Ninh cạn nước lộ ra ốc đảo gần 50 m², cách bờ 20 m. Trên đảo chỉ có một cây sanh, quanh gốc được phủ kín cỏ, đoạn bờ đất lộ thiên có màu vàng đỏ, tương phản, làm nổi bật cây sanh cô đơn, tạo nên bức tranh phong cảnh thơ mộng. Không gian bên bờ thoáng mát nên nhiều người đến tham quan, tổ chức ăn uống và cắm trại.
Cây sanh được người dân trồng hơn 10 năm trước, đến nay cao 5 m, tán sum suê soi bóng xuống mặt nước trong xanh. Do chỉ có một cây mọc trên ốc đảo nên cây sanh được gọi là "cây cô đơn".
Mỗi ngày cuối tuần, khu vực quanh cây cô đơn thu hút hơn 1.000 người đến check in.
Phía trên hồ là thân đập dài gần 2 km, cao khoảng 15 m, một bên lát đá, một bên cỏ xanh tạo cảnh quan. Du khách đứng trên đập vừa ngắm nhìn cây cô đơn giữa lòng hồ rộng lớn và vừa thấy được cánh đồng làng uốn lượn xung quanh.
Để ngắm cây cô đơn nhiều bạn trẻ mang theo ghế ngồi. Nhiều nhóm khác mang theo bạt, chiếu trải trên bãi cỏ. Một số bạn trẻ dựng lều vui chơi qua đêm.
Vào mùa hồ tích nước, cây cô đơn bị ngập sâu, nay cạn nước nên nhiều khách lội ra đảo.
Hồng Dung (phải), xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành tạo dáng chụp ảnh cây cô đơn. Dung biết địa điểm này qua mạng xã hội. "Em ấn tượng với cây cô đơn vì nó thơ mộng và rất độc lạ", Dung nói.
Anh Phan Văn Lục, xã Tam Dân, huyện Phú Ninh, cùng gần 20 người thân mang theo thức ăn, than, củi đến bãi đất bên hồ đốt lửa nướng thức ăn mở tiệc. "Cây cô đơn không chỉ đẹp mà không gian ở đây thoáng mát về chiều", anh nói và cho hay đã nhiều lần cùng người thân lên đây tổ chức ăn uống.
Thời điểm chiều tối là đẹp nhất khi đến cây cô đơn. Nhiều du khách tranh thủ lưu lại khoảnh khắc hoàng hôn với ráng chiều soi bóng xuống lòng hồ bên cạnh cây cô đơn.
Hồ Phú Ninh được bao bọc bởi 23.000 ha rừng phòng hộ cùng 30 hòn đảo lớn nhỏ, cách TP Tam Kỳ, Quảng Nam khoảng 7 km về phía tây, thuộc địa phận hai huyện Phú Ninh và Núi Thành.
Hồ nhân tạo này có diện tích mặt nước 3.433 hecta, sức chứa 344 triệu m³, cung cấp nước cho 12.000 ha sản xuất lúa, hoa màu của thành phố Tam Kỳ, các huyện Núi Thành, Thăng Bình, Quế Sơn và một phần huyện Duy Xuyên. Ngoài ra, hồ còn cung cấp nước sinh hoạt cho người dân các địa bàn trên với một triệu m³ mỗi tháng.
Hiện có một khu du lịch hoạt động tại khu vực hồ nhưng chưa có nhiều dịch vụ, trải nghiệm.
Đắc Thành
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét