4 thg 6, 2020

Đỏ lửa giữ nghề thổi thủy tinh ở thủ đô

Bằng các công cụ thô sơ và kỹ thuật điêu luyện, người dân ở xã Thống Nhất (Thường Tín, Hà Nội) từ đời này qua đời khác đã làm ra những sản phẩm gia dụng từ nghề thổi thủy tinh.

Thổi thủy tinh là nghề truyền thống lâu đời tại xã Thống Nhất (Thường Tín, Hà Nội) - Ảnh: MAI THƯƠNG 

11h, Hà Nội nắng cháy đổ lửa. Trong căn xưởng nhỏ gần 20m2 tại thôn Hoàng Xá (xã Thống Nhất, Thường Tín, Hà Nội), anh Lê Xuân Tiến cùng các nhân công vẫn miệt mài đỏ lửa với nghề thổi thủy tinh.

Anh Tiến thoăn thoắt hơ, kéo các ống tuýp thủy tinh, miệng phồng rộp, khô khốc vì phải dồn hơi thổi thủy tinh với nhiệt độ cao hàng giờ đồng hồ để kịp tiến độ sản phẩm cho khách.

"Nghề thổi này là do ông bà, bố mẹ tôi truyền lại, rồi đến đời tôi tiếp nối giữ gìn đã 30 năm. Để làm nghề này phải biết chịu thương chịu khó, vì suốt ngày làm việc bên đốm lửa nóng nực, lợi nhuận cũng không được cao. Nhưng đã làm là rất đam mê, nghỉ ngày nào là chân tay lại ngứa ngáy không chịu được.

Đợt dịch vừa rồi xưởng đóng cửa một thời gian nên nay tôi phải làm cùng với các anh em thợ để kịp hàng cho khách" - anh Tiến vừa làm vừa trầm tư kể lại. 

Quy trình làm các sản phẩm từ thủy tinh gồm nhiều công đoạn, đầu tiên phải hơ nóng ống tuýp thủy tinh để kéo ra từng khúc ngắn - Ảnh: MAI THƯƠNG 

Người thợ “quện” thủy tinh nóng chảy vào đầu một cái ống dài rồi kê miệng vào đầu kia của ống và thổi, khi đó, thủy tinh ở đầu kia phình ra - Ảnh: MAI THƯƠNG 

Trong lúc thổi, người thợ phải tạo hình và làm cho sản phẩm có độ dày thích hợp - Ảnh: MAI THƯƠNG 

"Để làm ra được các sản phẩm ưng ý, người thợ lành nghề phải biết được độ “chín” của thủy tinh. Ban đầu khi mới tiếp xúc với lửa, thủy tinh sẽ có màu xanh, khi đốt đến độ, thủy tinh sẽ chuyển sang màu trắng. Lúc đó chỉ cần hà hơi thổi nhẹ, thủy tinh sẽ phồng ra to nhỏ theo ý muốn" - anh Tiến chia sẻ - Ảnh: MAI THƯƠNG 


Trong các bước tạo hình thủy tinh, kỹ thuật thổi là quan trọng nhất. Người thợ phải điều tiết hơi thở sao cho nhịp nhàng, phù hợp với từng loại sản phẩm - Ảnh: MAI THƯƠNG 


Thủy tinh khi thổi được đưa vào một khuôn cố định để đồng nhất kích cỡ cho các sản phẩm - Ảnh: MAI THƯƠNG 

Xưởng nhà anh Tiến có quy mô nhỏ, với 3 người cùng làm việc. Mặt hàng chủ yếu là ống thủy tinh cho chim ăn. Mỗi ngày, xưởng sản xuất được số lượng từ vài trăm đến 1.000 sản phẩm. Những ngày nóng gần 40 độ, công việc lại càng vất vả hơn.

Trăn trở về việc giữ gìn nghề thổi thủy tinh truyền thống, anh Tiến tâm sự: "Từ thời bố mẹ tôi, hầu như cả xã làm nghề nấu, thổi thủy tinh. Nhưng khoảng chục năm trở lại đây, mọi người đều bỏ nghề hết vì cực khổ, lợi nhuận lại không cao, chuyển sang những nghề khác dễ kiếm tiền hơn hoặc là đi tha phương làm ăn tứ xứ. Ở làng này chỉ còn 4 - 5 hộ gia đình còn giữ nghề này làm công việc chính".

“Để trụ được với nghề này, người thợ phải có sức chịu đựng vô cùng lớn. Ngày mát mẻ thì không sao, chứ mùa hè lúc nào cũng như trong “lò bát quái”. Người ngợm đầy mồ hôi, môi thì phỏng rộp lên vì thổi thủy tinh quá nhiều. Thu nhập không cao, công sức bỏ ra nhiều nhưng tôi vẫn muốn duy trì xưởng truyền thống vì muốn duy trì nghề mà bố mẹ để lại" - anh Tiến tiếp lời. 

Gia đình chị Tạ Thị Ngà là một trong số những hộ còn duy trì nghề thổi thủy tinh tại xã Thống Nhất (Thường Tín, Hà Nội) với sản phẩm là ống xét nghiệm dùng trong y tế - Ảnh: MAI THƯƠNG 

Để tiết kiệm nhân lực cũng như tăng sản lượng, một số hộ gia đình đã đầu tư, sắm máy móc để sản xuất hàng loạt sản phẩm trong thời gian ngắn.

Anh Lương Văn Trãi, chủ một xưởng sản xuất ống Philatop, cho biết: "Gia đình tôi sắm chiếc máy với vốn đầu tư là 200 triệu đồng. Chiếc máy có thể thay thế được công sức của 10 - 15 người làm, nên công việc có đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, công đoạn ban đầu vẫn phải dùng phương pháp thủ công để tạo ống thủy tinh thô". 

Anh Lương Văn Trãi (giữa) cùng vợ con vận hành chiếc máy sản xuất ống Philatop - Ảnh: MAI THƯƠNG 

Chiếc máy tự động sản xuất với sản lượng lớn, mỗi ngày có thể làm ra hàng vạn sản phẩm - Ảnh: MAI THƯƠNG 

MAI THƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét