22 thg 5, 2018

Nét đẹp trang phục và trang sức của đồng bào Êđê

Người Êđê ở Dak Lak có nhiều nhóm địa phương khác nhau, nhưng đều giống nhau về hình thức trang sức và trang phục. Trang sức và trang phục của người Êđê mang những nét chung của nhiều cư dân vùng Trường Sơn - Tây Nguyên. Nữ mặc váy dài và có ngăn chui đầu. Nam đóng khố và mặc áo cánh dài quá mông. Nam, nữ đều thích mang nhiều trang sức như vàng, bạc, đồng…
Chiếc váy cổ truyền của người phụ nữ Êđê gọi là m’yêng. Đó là loại váy mở, màu đen đậm, quấn quanh thân, khi mặc váy phủ kín đến mắt cá chân. Chạy dọc phía dưới chân váy là những hoa văn hình hạt thóc, hạt bắp và đường lưỡng hà… với màu đỏ, kết hợp với màu vàng, màu trắng trông rực rỡ nhưng kín đáo. Căn cứ vào chất lượng vải và hoa văn trên váy, người Êđê có nhiều tên gọi khác nhau cho từng loại váy: m’yêng đêch, m’yêng drai, m’yêng kdru êch piek, m’yêng mut; trong đó m’yêng đếch là quý hơn cả (trước đây trị giá từ hai đến ba con trâu). Đó là những chiếc váy đẹp mà phụ nữ Êđê thường mặc trong những dịp lễ lớn của cộng đồng.

Thanh niên người Êđê trong trang phục truyền thống tại Lễ hội Văn hóa của cộng đồng. Ảnh: Minh Quân

Áo chui đầu truyền thống của phụ nữ Êđê (còn gọi là ao đêch) được thêu dệt các đường hoa văn ngang dọc ở vai, nách, cổ tay và phần gấu áo (các hoa văn này cũng giống như hoa văn ở váy). Đặc biệt ở áo chui đầu được thêu màu đỏ pha màu vàng, màu trắng làm nổi bật trên nền đen của thân áo. Có loại áo cổ vuông thấp bằng vai, đây là áo kín tà, hai vạt trước và sau bằng nhau. Có loại áo mở ở hai vai được đơm một hàng cúc bấm bằng đồng lấp lánh, có những tua chỉ màu đính vào vai áo, trông rất duyên dáng.

Phụ nữ Êđê thường búi tóc ở đằng sau gáy, cài trâm bằng đồng hoặc ngà voi. Trâm có loại thẳng, có loại hình chữ U. Phụ nữ Êđê có hai kiểu chít khăn: kiểu chít khăn ra đằng sau gáy, kiểu chít khăn ra trước trán vận chéo hình chữ nhân. Các bà, các chị thường đeo vòng bạc hoặc chuỗi hạt trong những dịp lễ hội của cộng đồng, tạo nét đẹp duyên dáng, kín đáo.

Đàn ông Êđê thường có tập quán mang khố (k’pin). Khố màu đen được dệt bằng sợi bông xe săn. Trên mặt khố có nhiều đường hoa văn chạy dọc theo hai bên mép vải, ở hai đầu khố có tua dài khoảng 25 cm. Người Êđê căn cứ vào dải hoa văn trên khố mà đặt tên cho từng loại khố: khố ktek, khố drai, khố bông, khố mlang; trong đó trị giá nhất là khố ktek, khố drai (xưa kia mỗi cái trị giá từ hai đến ba con trâu).

Áo của đàn ông Êđê là áo dài tay, chui đầu, cổ áo hình chữ V. Đây là loại áo lửng che kín mông, buông dài đến điểm giữa đùi và đầu gối, thân sau dài hơn thân trước. Áo cánh của đàn ông Êđê thường mặc trong các dịp lễ hội được trang trí cầu kỳ hơn. Loại áo này giữa ngực được mở ra một khoảng dài từ 10-15cm, có đính hàng khuy đồng, khuyết khuy áo được bện bằng chỉ đỏ. Hai mảng ngực áo được trang trí bằng hai mảng hoa văn màu đỏ rực hình cánh chim đại bàng, tượng trưng cho khí phách và khát vọng chinh phục thiên nhiên của người Êđê. Gấu áo được viền chỉ màu đính cườm trắng và tua chỉ màu đỏ dài khoảng 15 cm. Áo này có tên gọi là ao đêch kwich gru, thường được mặc trong dịp lễ hội, cưới hỏi, mừng nhà mới… Mùa lạnh, đàn ông Êđê thường khoác thêm chiếc mền (a băn) dệt bằng sợi bông, màu nâu chàm, có trang trí hoa văn ở hai đầu (giống hoa văn ở khố). Khi ra khỏi nhà, dự lễ hội, hay đi thăm bà con ở buôn xa, họ thường đeo gùi, ngậm tẩu, đó cũng là cách làm nổi bật bộ trang phục cổ truyền.

Đàn ông Êđê thường đeo vòng đồng hoặc vòng bạc ở cổ tay, khi có lễ hội của cộng đồng. Người cao tuổi của những gia đình khá giả thường đeo chuỗi hạt ở cổ và ngà voi ở tai, thể hiện vẻ đẹp quyền quý.

Ngày nay, do ảnh hưởng của cuộc sống đương đại, trang phục, trang sức truyền thống của người Êđê tuy có phần bị mai một, nhưng chúng ta vẫn gặp những bộ trang phục, trang sức này của các amí, ama trong các dịp lễ hội truyền thống của cộng đồng dân tộc Êđê. Nó thể hiện bản sắc độc đáo của đồng bào Êđê, cần được gìn giữ, phát huy trong thời kỳ hội nhập.

Trương Bi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét