14 thg 5, 2018

Ẩm thực thời chiến - Kỳ 3: Món chuột rán thơm lừng

Khi đi chiến trường qua đồng Tháp Mười, tôi đã nhiều lần được ăn thịt chuột. Chuột ở Đồng Tháp mập mạp, tinh khiết, nướng trui ăn còn ngon hơn thịt gà. Những ngẫm lại, vẫn không bằng thịt chuột rừng ăn ở rừng. 

Có những lúc ở rừng cũng thật đáng nhớ. Tôi nhớ, nhiều đêm ở rừng ven sông Vàm Cỏ, tôi với Tư Xuân ngồi uống trà chuyện bao đồng, khoảng 10 giờ đêm, thì nghe tiếng Hai Hoàng kêu thất thanh : "Thảo ơi! Tư Xuân ơi! Chuột!". Người ngoài nghe tiếng kêu ấy sẽ không hiểu gì cả. Nhưng tôi với Tư Xuân thì hiểu ngay. Hai Hoàng vừa đánh chết được mấy con chuột ăn gạo trong kho gạo cơ quan.

Không phải Hai Hoàng quá tích cực bảo vệ kho gạo, mà đơn giản hơn, anh rình bẫy chuột, đánh chuột ăn gạo để mấy anh em chúng tôi ăn… chuột. Mang mấy con chuột chiến lợi phẩm về nhà, Hai Hoàng nổi lửa. Tôi với Tư Xuân phụ vào. Chẳng mấy chốc, đám chuột được làm sạch sẽ và cho vào chảo mỡ. Rán. Thơm nức nở luôn.


Tư Xuân đã chuẩn bị cơm nguội dành sẵn từ chiều, Hai Hoàng lôi ra một cút rượu đế, và chúng tôi… lai rai. Thú vị không thể tả. Bởi lúc ấy vừa đói bụng vừa buồn. Nhắm rượu với thịt chuột rán, kèm thêm bát cơm nguội, đời tự nhiên có ý nghĩa hẳn.

Mùa đông năm ấy thật lạnh. Món thịt chuột rán đã khiến chúng tôi cảm thấy ấm áp trở lại. Khi đi chiến trường qua đồng Tháp Mười, tôi đã nhiều lần được ăn thịt chuột. Chuột ở Đồng Tháp mập mạp, tinh khiết, nướng trui ăn còn ngon hơn thịt gà. Những ngẫm lại, vẫn không bằng thịt chuột rừng ăn ở rừng. Vì nói tới ẩm thực, là phải nói tới không khí ẩm thực: ăn ở đâu, ăn với ai, vào lúc nào.

Mười giờ đêm trong rừng, là giờ bụng rất đói. Chuột rừng ăn gạo cơ quan, là loại chuột không lớn, xương mềm, và thịt cũng rất thơm ngọt, cũng tinh khiết không kém gì chuột Đồng Tháp. Và cái chính, tôi với Hai Hoàng và Tư Xuân là ba người bạn thân, vẫn thường “nổi lửa lên anh” vào lúc đêm khuya, khi nấu cái này, lúc nướng cái khác, toàn những thứ ăn được lúc đói.

Thịt chuột rừng nướng cũng ngon, nhưng có lẽ với chúng tôi lúc đó, chuột rán là món ngon nhất. Đơn giản, vì rán là có mùi mỡ, có chất béo, những thứ mà chúng tôi rất thiếu hồi đó. Có đĩa chuột rán, bát cơm nguội, xị rượu đế, ba anh em cảm thấy rất ấm áp và đầy đủ. Ẩm thực bao giờ cũng gắn với cảm xúc. Khi những món ăn khiến anh thấy xúc cảm dâng trào, thì chắc chắn những món ấy rất ngon. Chứ sơn hào hải vị mà ăn không đúng lúc, ngồi không đúng người, thì vẫn rất chán.

Ngày ở miền Bắc, lúc học đại học sơ tán mãi tận rừng núi Đại Từ-Thái Nguyên, tôi cũng đã có vài lần ăn thịt chuột. Cũng là thịt chuột rừng pha chuột đồng, vì nơi chúng tôi ở vừa có núi, vừa có thung lũng cấy lúa. Nhưng đúng là hồi ấy, ăn như thế chỉ vì đói, chưa thể gọi là ẩm thực.

Chỉ khi ở chiến khu Tây Ninh, bên sông Vàm Cỏ Đông, tôi mới thực sự cảm thấy những bữa tiệc thịt chuột rán trong rừng mang hương vị của ẩm thực cao cấp. Bây giờ trong nghệ thuật ẩm thực, những tiêu chuẩn “độc”, “lạ” luôn được đặt lên hàng đầu. Người ta bỏ nhiều tiền săn tìm những món ăn ấy, để thưởng thức, và khoe lên facebook.

Nghĩ lại, thời chúng tôi ở rừng, có bao nhiêu là món ăn vừa độc vừa lạ, được chế biến hết sức tự nhiên, và được ăn kèm với các loại rau rừng cũng hoàn toàn thiên nhiên nhưng rất phù hợp. Có thể ăn thịt chuột rán với đọt lá bứa, một loại lá có vị chát và thơm. Hay ăn với đọt trâm sắng, chua chua chát chát: “Trâm sắng mà chấm với tương/Có ăn mới thấm chiến trường miền Đông/”, nghe hơi cực khổ. Nhưng trâm sắng ăn kèm với thịt chuột rán, thì đậm đà vô cùng.

Trong chúng tôi có những tay đầu bếp nghiệp dư nhưng rất cừ khôi, và nhiều sáng tạo. Như nhà văn Trang Thế Hy. Như vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nữ nhà thơ Lê Giang. Khi họ cầm trên tay bất cứ nguyên liệu nào có thể chế biến thành món ăn, họ đều suy nghĩ và tìm được những phương án tối ưu nhất. Họ đúng là những tay đầu bếp quí tộc, vì cách họ cư xử với nguyên liệu ẩm thực là rất “noble”, rất quí phái.

Từ những nguyên liệu tối giản họ có thể tạo nên những món ăn hay món nhậu cực bắt…rượu. Tôi luôn ngưỡng mộ những người sáng tạo ẩm thực, nhưng sáng tạo trong điều kiện cực kỳ thiếu thốn thì đó mới là điều đáng kể.

Nhớ hồi đi qua Trường Sơn “Thương nhau sốt rét thèm chua/Bạn leo cây thanh trà cao ba mươi thước/”. Trái thanh trà rừng chua chua thì ăn lúc nào cũng ngon, nhưng nó chỉ ngon nhất khi ta bị sốt rét. Lúc ấy miệng nhạt thếch, thèm chua lắm. Cái thèm ấy nhận được hành động hết sức thực tế của tình bạn “leo cây thanh trà cao ba mươi thước”, hái mấy quả thanh trà cho mình ăn.

Chẳng biết cây thanh trà có cao tới ba mươi thước thật không, hay cao hơn, nhưng tình bạn, tình đồng đội thì cao hơn thế rất nhiều. Đó là những yếu tố “cộng thêm”(plus) vào bất cứ món ăn nào, dù đơn giản tới bao nhiêu, khiến nó trở nên món ẩm thực kỳ diệu.

So với các bậc đầu bếp “noble” trong rừng thì tôi với anh Hai Hoàng hay Tư Xuân chỉ là đầu bếp ẩm thực bình dân. Nhưng trong khả năng hạn hẹp của mình, chúng tôi cũng cố gắng nghĩ ra cách nấu những món ăn sao cho ngon từ những nguyên liệu tối giản. Và phải chăng, nghệ thuật ẩm thực thời chiến tranh là nghệ thuật của sự tối giản, từ những nguyên liệu tối giản.

Trong thơ, cũng đã có một trường phái thơ tối giản, với những bậc thầy sáng chói của trường phái thơ này như nhà thơ Hy Lạp Yannis Ritsos, nhà thơ Thổ Nhĩ Kỳ Nazime Hikmet, nhà thơ Việt Nam Văn Cao… Và với những tài năng thơ lớn, thì đó là một trường phái rất riêng, đầy cá tính. Khi cất công tìm hiểu, ta sẽ thấy, hầu hết những nhà thơ ấy đều sáng tác trong những môi trường sống tối giản.

Và ngôn ngữ họ dùng trong thơ cũng là ngôn ngữ tối giản, được tiết kiệm tối đa. Ẩm thực trong thời chiến cũng vậy. Và món thịt chuột rán bình dân của chúng tôi, là thuộc hẳn về trường phái ẩm thực tối giản đó.

Thanh Thảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét