7 thg 5, 2018

Ghi ở vùng cỏ bàng và sếu đầu đỏ

Ngày 19.10.2004, một dự án lạ lùng: Bảo tồn cỏ đã ra đời tại xã Phú Mỹ, huyện Kiên Lương (nay là huyện Giang Thành), tỉnh Kiên Giang. Phạm vi dự án là đồng cỏ bàng tập trung ở ba ấp là Trà Phọt, Kinh Mới và Trần Thệ. 

Sếu đầu đỏ ở Phú Mỹ. 

Xưa kia, cỏ bàng (Lepironia articulata) mọc bạt ngàn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Những cánh đồng đất càng nhiễm phèn nặng, lúa cấy xuống là chết cháy thì cỏ bàng lại càng ngạo nghễ vươn lên, tốt tươi. Cũng tự bao đời, người Khmer nơi đây biết nhổ cỏ bàng về phơi khô, đập dập rồi đan cà ròn, đệm, chiếu, giỏ, nón... phục vụ cuộc sống hàng ngày. Cỏ bàng cho thu hoạch quanh năm, nhưng rộ nhất là vào mùa nước nổi, từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm. Người dân ra đồng nhổ cỏ bàng mang về phơi khô, giã dập rồi tích trữ để đan quanh năm. Hình ảnh nên thơ đó đã được nhạc sĩ Ngô Huỳnh khắc họa trong bài hát “Con kênh xanh xanh” (1949) với những câu luyến nhớ: “Chiến khu bừng vui ấm bao lòng dân quê tôi/ Tiếng ai giã bàng nhịp nhàng như tiếng lòng tôi”.

Cùng với củ năn là thức ăn yêu thích, sếu đầu đỏ (Grus antigone sharpie), loài chim đẹp, quý hiếm, có tên trong sách đỏ thế giới và Việt Nam, cũng chọn những cánh đồng cỏ bàng làm nơi trú ngụ. Ngày ngày, người đi nhổ cỏ, sếu thảnh thơi kiếm ăn, đấu hót, nhảy múa hay dang cánh đua với ánh mặt trời... làm nên bức họa đồng quê bình yên, tuyệt đẹp. Nhưng rồi người dân khai thác tự do, tận diệt cỏ bàng khiến cây mai dương xâm lấn, có nguy cơ diệt dần cỏ bàng. Lại nữa, cơn lốc khu công nghiệp, vuông tôm quét qua, dân tình cũng mặc sức khai thác lộc trời đất nên diện tích cỏ bàng dần thu hẹp. Sinh cảnh biến đổi, sếu sợ hãi bay đi, sinh kế của người dân cũng bị ảnh hưởng.

Lợi đơn lợi kép

Mê sếu, loài chim có dáng tiên phong đạo cốt nên khi thấy diện tích đồng cỏ bàng, sinh cảnh của chúng, ngày càng bị thu hẹp, TS Trần Triết, Trưởng khoa Thực vật – môi sinh, Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM, đã viết dự án gửi dự thi và được Ngân hàng Thế giới trao giải. Từ tiếng vang đó, Hội Sếu quốc tế (ICF) nhanh chóng vào cuộc, tài trợ 500.000 USD cộng với vốn đối ứng của UBND tỉnh Kiên Giang là 300.000.000 đồng để triển khai dự án Khai thác bền vững đồng cỏ bàng kết hợp với bảo tồn nghề thủ công địa phương tại xã Phú Mỹ, huyện Kiên Lương (nay là huyện Giang Thành), tỉnh Kiên Giang. 447 hộ dân với hơn 1.400 người tham gia, diện tích dự án là 342 héc ta. 

Cỏ bàng nhổ về được người dân Khmer ở xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang phơi khô, giã dập rồi đan thành những vật dụng thường ngày như đệm, giỏ xách, nón… Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng 

6 giờ 45 phút, tiếng xe máy, tiếng nói cười đã rộn rã ngoài sân trụ sở BQL dự án. Công nhân từ khắp các ấp đổ về để bảy giờ bắt đầu một ngày làm việc răm rắp như ở khu công nghiệp. Người đan đệm; người nhịp nhàng chân nhấn công tắc môtơ, tay lượn những tấm cỏ bàng cho đều mũi kim đường chỉ; người chuốt, tạo hình thành chiếc giỏ, kẹp hồ sơ, cặp sách, túi đựng nữ trang... Tiếng rì rầm trò chuyện, tiếng cười đùa thi thoảng lại rộ lên. Suốt cho đến mười bảy giờ. Ít ai biết, những ngày đầu xuống đây, bà con sống khép kín, ngại giao tiếp, nhiều người không nói được tiếng Việt nên cán bộ dự án phải mất hai, ba tháng mới làm quen được, khi đó họ mới cởi mở trò chuyện. “Tiếp thu chậm nên mỗi mẫu sản phẩm phải hướng dẫn mất chừng mười lăm ngày họ mới quen. Làm được nhưng làm sang mẫu mới, quay lại làm mẫu trước thì với họ lại như mới, lại phải cầm tay chỉ việc từ đầu,” Hà Trí Cao – cựu điều phối viên dự án - nhớ lại. 

Cỏ bàng được người dân chở bằng ghe về. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng 

Chị Thị Phum, 38 tuổi, ở ấp Trà Phọt, mỗi ngày chị đi nhổ được mười bó cỏ bàng về phơi khô, đập dập rồi đan được một tấm đệm kích thước 175 cm x 65cm, bán được 1.500.000 đồng. Đệm cỏ bàng rất bền, dùng được từ 4 - 5 năm. Về thu hoạch cỏ bàng, chị cho biết: Cỏ bàng cao từ 1,1 mét trở lên mới được nhổ. Cúi thấp lưng, vơ lấy vài ba cây cỏ, nắm phần gần gốc, nhẹ tay giật, người ngả về phía sau là cỏ bật rễ, cứ nhịp nhàng như thế, nếu cỏ tốt, mỗi người cũng nhổ được hơn chục bó một ngày. Đan thành đệm rồi đến công đoạn nhuộm. Điều phối viên của dự án phải ngồi ôtô lắc lư cả ngày trời lên tận TPHCM mua bột màu, về trộn các loại với nhau để có màu ưng ý rồi hòa nước sôi để ra màu dạng lỏng. Lúc này mới trao công thức cho thợ nhuộm.

Anh Nguyễn Văn Hổ, nhà ở ấp Kinh Mới, đối diện trụ sở ban quản lý dự án, làm thợ nhuộm từ năm 2007. Anh giảng giải: “Lấy chổi chấm nước màu quét một hoặc hai lớp lên phên cỏ bàng rồi xếp vào nồi nhôm, bắc lên bếp. Đốt củi đun từ ba giờ đến ba giờ ba mươi phút để màu ngấm vào bàng. Tắt lửa, để nguội thì đem ra phơi nắng, màu ăn chặt, giặt không phai”.

Nhờ sự thành công của dự án Khai thác bền vững đồng cỏ bàng kết hợp với bảo tồn nghề thủ công địa phương tại xã Phú Mỹ, huyện Kiên Lương (nay là huyện Giang Thành), tỉnh Kiên Giang, người dân được dạy nghề, được đưa mẫu mã sản phẩm nên hiện nay đã có hơn 500 sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cỏ bàng. Không chỉ tiêu thụ trong nước, sản phẩm còn xuất khẩu sang các nước và vùng lãnh thổ: Mỹ, Canada, Châu Âu, Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản… Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng 

Từ những tấm đệm cỏ bàng đa sắc đó, những người phụ nữ Khmer lại làm thành hơn 500 mẫu sản phẩm đẹp, chất lượng giới thiệu cho khách hàng, trong đó có nhiều mẫu mã làm theo yêu cầu của các công ty xuất khẩu tại TPHCM và Hà Nội. Trước đây đa số người dân làm hoàn toàn bằng tay để đan những sản phẩm đơn giản như nón, đệm, giỏ xách... Từ ngày có dự án, cán bộ dự án đưa mẫu mã sản phẩm đa dạng và máy may về, thầy Nguyễn Văn Dạn dạy hai tháng thì các chị biết may sản phẩm. Chị Thị Phum cho biết: “Cũng là nón nhưng không phải loại nón giống như trước mà nó đẹp hơn. Giỏ xách cũng là kiểu mới để bán ở các khu du lịch, đẹp lắm!”. Dự án cũng chú trọng ngay từ gốc, đầu tư cho người dân phân bón, hướng dẫn cách chăm sóc thu hoạch đúng cách (nhổ cả cây chứ không cắt), để cỏ bàng không bị kiệt quệ.

Trương Anh Thơ, điều phối viên dự án, là một cô gái đa tài và nhiều mơ mộng. Chị rất quan tâm đến các dự án truyền thông nhằm bảo tồn và phát triển sinh kế bền vững, hiệu quả cho người dân. Cuối 2014, chị được mời về làm quản lý truyền thông của dự án. Làm truyền thông tốt, dần dà chị được tin tưởng giao trách nhiệm làm điều phối viên của dự án. Chị tâm sự: “Càng làm, tôi càng quý con người nơi đây và mong muốn cùng họ xây dựng một làng nghề phát triển cũng như biến dự án trở thành một “Best practise” (thực tiễn tốt nhất) 
cho khu vực”. 

Giỏ xách làm bằng cỏ bàng được thiết kế độc đáo, đẹp mắt với họa tiết sếu đầu đỏ đặc trưng.

Chị Trương Anh Thơ cho biết: Sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cỏ bàng có thể phân ra thành bốn loại: Túi thời trang, đồ gia dụng và trang trí nội thất, vật liệu xây dựng, và bao bì thương hiệu. Các mặt hàng đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng phù hợp với từng thị trường và thị hiếu người tiêu dùng. Dự án cung cấp sỉ, lẻ và thiết kế riêng đơn đặt hàng cho các cửa hiệu và xuất khẩu. Sản phẩm đan đát từ cỏ bàng như các loại giỏ, khay, thùng, chiếu, đệm, nón, có mặt ở thị trường nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới là Mỹ, Canada, Châu Âu, Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản... Tôi cầm trên tay chiếc túi xách pastel cỡ lớn (50 cm x 25 cm x 14 cm), hai mặt giỏ sơn màu pastel, gắn chùm pompom nhỏ, mặt ngoài trang trí họa tiết hình sếu đầu đỏ, mặt trong bọc vải, miệng giỏ có túi rút, giá bán 320.000 đồng/chiếc mà tấm tắc. Biết bao nhiêu mồ hôi và công sức, tiền bạc của những cán bộ dự án đã đổ xuống đất phèn nghèo khó này để đưa những sản phẩm hàng ngày từ cỏ bàng lên thành sản phẩm mỹ nghệ!

Doanh thu từ việc bán các sản phẩm cỏ bàng ước đạt hơn hai tỉ đồng mỗi năm. Nhưng theo chị Thơ, quan trọng nhất, dự án đánh giá mức độ thành công thông qua việc phát triển làng nghề, mỗi hộ gia đình thu hoạch, đan và bán cho nhiều nguồn thu mua khác nhau. Thu nhập của người lao động đạt từ 3 triệu đồng/tháng đến 8 triệu đồng/tháng. Từ hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu sản phẩm này đã tạo việc làm ổn định cho hơn 1.000 lao động địa phương tham gia hoạt động của dự án và nhiều lao động phụ khác. Dự án đã đào tạo trên 500 công nhân thành thạo kỹ thuật đan giỏ xách, nón, may các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cao cấp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Khoảng 300 hộ dân, với gần 1.000 lao động trong vùng dự án nhờ bán nguyên liệu cỏ bàng, cung cấp các sản phẩm dệt tại nhà như đệm, chiếu...

Không chỉ giải quyết sinh kế cho người dân Khmer nghèo ở địa phương, dự án còn bảo vệ được 1.200 héc ta đồng cỏ, rừng tràm tự nhiên, phục hồi 60 héc ta và trồng mới 20 héc ta cỏ bàng. Nhờ đó, môi trường sinh thái ổn định và bền vững, trở thành nơi cư ngụ quan trọng cho sếu đầu đỏ bay về, từ 6 cả thể vào năm 2003, đến nay đã có hơn 300 cá thể sếu bay về, được các tổ chức môi trường thế giới đặc biệt quan tâm.

Cảnh cũ lại về
Trời ngả về chiều, chúng tôi khoác ba lô, ống nhòm, máy ảnh, sổ, sách lội bộ xuống ấp Trà Phọt. Gần một giờ bước thấp bước cao, may mắn thì được giẫm chênh vênh lên những bờ ruộng lúa nhiều khi chỉ mảnh như cái đòn gánh, không thì phải bì bõm lội xuyên qua những đồng cỏ bàng bạt ngàn, váng phèn nổi vàng khè. Trên nền trời vàng cam xuất hiện một đàn chim từ phía Campuchia theo hình mũi tên bay tới. Chưa rõ hình hài đã nghe thấy những tiếng kêu trầm đục. “Đúng rồi!,” Văn reo lên. Cao và Duy vừa xoay ống kính máy ảnh, ống nhòm vừa đố nhau xem “những em chân dài chảnh chọe” sẽ đáp xuống bãi nào. Tôi thì chỉ biết ngửa cổ ngắm dáng bay thanh thoát của đàn sếu. Như để tri ân sự chờ đợi của chúng tôi, đàn sếu lần lượt đáp xuống đồng cỏ bàng cách chỗ chúng tôi đứng chừng 200 mét. Sáu cá thể tất cả, con cần mẫn kiếm ăn, con ve vãn bạn tình, con nghịch ngợm đá nhau... Chiều biên cương thơ thới...

Sếu đầu đỏ, tên khoa học là Grus antigone sharpie; cao từ 150cm - 180 cm; nặng: 8 kg - 10 kg; sinh cảnh của chúng là đầm lầy, các vùng nước nông, các vùng đất ngập nước. Sếu đầu đỏ là loài chim cao nhất trong số các loài chim biết bay trên trái đất. Sếu đầu đỏ sống hiền hòa, đoàn kết và còn là sứ giả của môi trường. Mỗi cặp sếu đầu đỏ khi kết đôi sẽ sống với nhau trọn vẹn cả đời. Khi một con chết, con còn lại sẽ thủy chung và thậm chí tuyệt thực để rồi chết theo bạn đời. Do đó, sếu đầu đỏ còn là biểu tượng của lòng chung thủy cũng như tình yêu bền vững.

Mùa sếu đầu đỏ về là từ tháng 12 đến tháng 5 hàng năm, tháng 3 là thời điểm sếu về nhiều nhất. Đây cũng là lúc đồng cỏ bàng Phú Mỹ thu hút đông đảo người yêu thiên nhiên, nhà khoa học về xem và nghiên cứu sếu. Mực nước phù hợp cho sếu ngủ là từ 3 - 4m. Xem sếu thích hợp nhất là trong khoảng thời gian từ 16 giờ đến 18 giờ 30 phút.

Ông Nguyễn Phong Vân - Giám đốc Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ, cho biết: Năm 2016, đàn sếu đầu đỏ về lại được 120 cá thể. Nhưng năm 2017, toàn bộ khu vực dự án có khoảng 20 cá thể sếu đầu đỏ bay về. Số lượng thay đổi thất thường là do thời tiết thay đổi, mực nước thủy văn cao và áp lực của việc tăng dân số địa phương và nhu cầu sử dụng đất. Hai điểm ăn trong khu bảo tồn là khu vực kênh HT6, và khu vực lộ Đồng Hòa thường xuyên có cá thể sếu di trú tại đây. Điều đáng mừng là ngoài việc đàn sếu di trú về đây để kiếm ăn thì chúng còn ngủ lại.

Ông Lê Văn Hồng, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Kiên Giang, phấn khởi: “Thành công của dự án Khai thác bền vững đồng cỏ bàng kết hợp với bảo tồn nghề thủ công địa phương tại xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang là gắn bảo tồn thiên nhiên với nâng cao đời sống của người dân, nhờ đó nâng cao tính bền vững của đa dạng sinh học. Dự án đã hướng dẫn người dân địa phương khai thác, phát triển (trồng mới) và bảo vệ cỏ bàng (điều chưa từng có từ trước đến nay ở vùng này). Thay vì bán đổ tháo nguyên liệu thô như trước đây, người dân được học làm những mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ cỏ bàng để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Nhờ đó, thu nhập của các hộ dân trong vùng dự án đã tăng gấp ba lần so với trước, cuộc sống và thu nhập ổn định. Nhờ bảo tồn và phát triển được diện tích cỏ bàng nên nơi đây trở thành một trong những điểm tập trung sếu đầu đỏ đông nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, dự án đã hai lần được nhận giải thưởng của Liên Hiệp Quốc, kèm phần thưởng 80.000USD. Hiện nay, Hội Sếu quốc tế tiếp tục tài trợ thêm 150.000USD để triển khai giai đoạn ba của dự án”.

TS Trần Triết, đại diện Chương trình Đông Nam Á - Hội Sếu quốc tế tại Việt Nam, nhận xét: “Đây là thắng lợi lớn của việc gắn bảo tồn thiên nhiên với nâng cao đời sống người dân bằng bảo tồn nghề thủ công truyền thống”.

Ngày 15.7.2016, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Kiên Giang cùng UBND huyện Giang Thành tổ chức lễ công bố Quyết định số 11/QĐ-UBND ngày 5.1.2016 của UBND tỉnh Kiên Giang về việc phê duyệt dự án và thành lập Khu Bảo tồn loài – sinh cảnh Phú Mỹ, xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang. Khu Bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ (Phu My Habitat – Species Management Area), xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang có tổng diện tích khoảng 2.700ha, trong đó, diện tích vùng lõi khoảng 940ha và diện tích vùng đệm khoảng 1.760ha và phân cấp do địa phương quản lý. Ban quản lý khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ thực hiện trách nhiệm quản lý, bảo tồn, bảo vệ, tổ chức khai thác giá trị tài nguyên và môi trường trong khu bảo tồn. Quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học thu thập nguồn gen mẫu vật. Bảo tồn loài thực vật đặc trưng như: Cỏ bàng – cỏ mồm mốc, cỏ năng nỉ, cỏ năng ngọt, cỏ hoàng đầu ấn, tràm... Với hệ động, thực vật hơn 472 loài, trong đó; 134 taxa phiêu sinh thực vật, 69 loài phiêu sinh động vật, 7 loài động vật đáy, 39 loài nhện, 65 loài côn trùng thủy sinh; 23 loài cá; 23 loài lưỡng cư bò sát và với hơn 132 loài chim; đặc biệt là loài sếu đầu đỏ loài chim biết bay to lớn nhất hiện nay còn sót lại trên toàn thế giới đang có nguy cơ tuyệt chủng. Ngoài ra, Ban quản lý khu bảo tồn có một nhà xưởng sản xuất đan dệt cỏ bàng bằng nghề truyền thống, xưởng sản xuất hơn 500 mặt hàng từ cỏ bàng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang các nước và vùng lãnh thổ: Nhật Bản, Mỹ, Cannada, Thụy Sĩ, Hồng Kông, Pháp ,Ý, Đức... Ban quản lý khu bảo tồn giao khoán và hướng dẫn bà con khai thác, bảo tồn. Người dân đã quý cỏ bàng như vàng vì có cỏ họ mới có công ăn việc làm, có thu nhập tích lũy cho cuộc sống. Đây là điều trước đây chưa từng có ở Phú Mỹ. 

Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét