24 thg 5, 2018

Trăm năm thuyển thúng Phong Thành


Cách đây chừng mươi năm, khi đi qua vùng đất Nghi Phong, dễ bắt gặp hình ảnh những dãy dài thuyền thúng úp ngửa dọc đường làng. Đó là sản phẩm đang chờ xuất bán của người dân Phong Thành. 



Ông Phạm Văn Lý, người gắn bó với nghề đan thuyền thúng hơn 50 năm trầm ngâm nhớ lại: “Nghề ni du nhập vô làng dễ chừng hàng trăm năm. Như tui lớn lên đã thấy cha, thấy chú, bà con trong làng làm nghề rồi. “Cha truyền, con nối”, vừa bỏ bút là tui theo nghề. Học cách vót nan, cách đan mê, lận vành… thành thạo, đan thuyền thúng thành “cần câu cơm” của cả nhà. Nghề phụ mà thu nhập chính đó”.

Thuyền thúng là phương tiện được ngư dân lựa chọn để đi câu, bủa lưới, khai thác hải sản gần bờ như hái rong, bắt sò, ốc, tôm, cua hoặc làm phương tiện qua lại ở cửa sông, cửa lạch nhỏ… Ở những bãi ngang, tàu thuyền đánh cá thường neo đậu ngoài biển, cách bờ vài chục mét, thuyền thúng là phương tiện trung chuyển hữu hiệu, đưa ngư cụ, ngư dân lên thuyền; vận chuyển tôm, cá, mực vào bờ.

Thuyền thúng là phương tiện gọn nhẹ, cơ động, an toàn cho ngư dân hành nghề trong những ngày sóng yên biển lặng. Rồi các bãi biển thành điểm du lịch nổi tiếng, thuyền thúng nan là phương tiện chở khách du lịch tham quan dọc biển, chở khách đi câu mực đêm… 


Có cung ắt có cầu, ngư dân vùng biển Cửa Lò, Cửa Hội hay tận Diễn Châu, Quỳnh Lưu và cả các tỉnh lân cận đều tìm về Phong Thành đặt hàng. Có thời điểm, người dân trong làng làm không xuể.

“Là do “tiếng lành đồn xa”, thuyền thúng Phong Thành chắc, bền, độ an toàn cao. Đó là “bí quyết” riêng của dân làng nghề. Công phu lắm. Nguyên liệu đan phải chọn loại tre đặc, không non nhưng cũng không được quá già. Sau khi chọn được thân tre ưng ý, mang về chẻ, vót nan và phơi nắng đủ độ thì đem đan thành mê. Sau khi đan mê, đóng 4 cọc làm trụ để tạo hình cho thuyền. Khó nhất trong các công đoạn làm thuyền thúng là khâu lận vành. Nó đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật cao, độ khéo léo và tính cẩn trọng. Tre làm vành phải là loại tre tốt; dây cột vành là dây cước chuyên dụng, có khả năng chịu nước tốt. Sau đó, thuyền thúng được mang đi phơi nắng. Sau khi phơi, dùng phân bò tươi, quấy nhuyễn với nước, đem phết đều lên nan thuyền nhằm làm kín các khe, chống thấm nước. Cuối cùng, quét đều 1 lớp nhựa đường rồi phơi khô”, anh Nguyễn Văn Thành, một người làm nghề đan thuyền thúng ở làng cho biết. 

“Nghề này (đan thuyền thúng) chúng tôi thường tếu táo là nghề “bán cột sống” vì suốt ngày ngồi vót nan, đan mê cùng với một tư thế xiêu vẹo, cột sống vì thế cũng biến dạng theo. 100% các công đoạn đều làm thủ công bằng tay nên hai bàn tay khi nào cũng chi chít sẹo, sẹo cũ chưa kịp lên da non đã có những vết cứa, vết nứt mới… Đôi tay chẳng khi nào lành lặn. Nghề lắm công phu, vất vả nhưng ai cũng say nghề, nhiều gia đình có đến 3-4 thế hệ làm nghề như gia đình ông Long, ông Lý, ông Hoa… Hồi đó, cả làng Phong Thành này có đến vài ba mươi hộ theo nghề. Trong làng lúc nào cũng rộn tiếng chẻ tre, tiếng vót nan. Vào mùa đi biển, đơn hàng nhiều, cả làng chong đèn đan thuyền thâu đêm”, anh Phạm Bá Thành, xóm phó, kiêm công an viên xóm Phong Thành cho biết. 


Cái nghề tạo nên cuộc sống ấm no và danh tiếng cho làng, một thời hưng thịnh nhưng, giờ đây, chỉ còn vài ba hộ bám trụ với nghề… 


“Nhà tui 3 đời theo nghề. Cha tui là ông Nguyễn Văn Long, một trong những người tiên phong đưa nghề về làng. Sau ông truyền lại cho 3 đứa con trai, trong đó có tui. Đến đời con tui, trong 6 đứa chỉ 1 đứa theo nghề cha ông, còn lại đều mưu sinh bằng nghề khác cả. Bởi nghề ni vất vả, dừ cũng khó tiêu thụ, công lênh chẳng được bao nhiêu. Đan 1 thuyền thúng, mất đến 5 ngày công, bán 1,5-2 triệu đồng/chiếc, trừ chi phí nguyên vật liệu, tính ra mỗi ngày được khoảng 200.000 đồng, xấp xỉ công phụ hồ. Thứ nữa, giá nguyên liệu cao, trong khi đó giá thành phẩm không tăng nên để bám trụ với nghề khá nan giải. Hầu hết, người dân trong làng đều đã bỏ nghề, chuyển sang làm thợ xây, phụ hồ, buôn bán nhỏ hoặc đi xuất khẩu lao động. Rồi nay, mai khi thuyền thúng nhựa chiếm lĩnh, thuyền nan không bán được thì cũng đành bỏ nghề mà thôi. Nghề mai một là điều tất yếu!”, ông Nguyễn Văn Hoa, nay đã 60 tuổi, có hơn 40 năm theo nghề chia sẻ. 


Ấy là ông nói vậy, hiểu vậy và chấp nhận vậy, nhưng nhìn cách ông ngồi đan mê với tất cả sự tỉ mẩn, say mê, tôi hiểu rằng, ông chẳng muốn bỏ nghề. “Cụng nỏ đành rời xa nghề ni. Những ngày không có hàng để đan, thấy buồn, đôi bàn tay như thừa thãi. Giờ thì dân chài tỉnh mình hầu hết đã chuyển sang dùng thuyền nhựa, chỉ đôi hộ còn dùng thuyền nan. Nhưng dân vùng trong vẫn chuộng thuyền nan lắm”.

Ông biết thế là vì ông cùng con trai đã bỏ công, bỏ của lặn lội vào các xã miền biển tận Hà Tĩnh, Quảng Bình để tìm mối đặt hàng. Như năm nay, ông nhận đơn hàng của các hộ dân huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) mỗi đơn 10 chiếc thuyền thúng, trung bình mỗi năm 5-10 đơn. Như vậy hai cha con ông có việc làm quanh năm. “Có mối làm ăn, có tiền trang trải cuộc sống và vui nhất là giữ được nghề”, – ông tâm tư. 


Ông đọc báo, xem tivi, biết được rằng, làng nghề đan thuyền thúng Thọ Quang, Sơn Trà (Đà Nẵng) có ông Phan Liêm đan thuyền thúng xuất khẩu sang các nước Anh, Pháp, Úc… Ông bàn với con, cuối tháng 5 này, vào đó một chuyến, xem “họ làm ăn thế nào”, biết đâu, tìm được bạn hàng, nhận được đơn đặt hàng, và rồi nghề đan thuyền thúng lại thịnh như xưa? Bởi cầu còn thì cung còn. Dẫu nghề có vất vả nhưng niềm say nghề, mong muốn giữ lửa nghề thì ông luôn sẵn… 


Trong cái nắng chói chang đầu hè, dáng hai cha con ông Hoa cần mẫn, tỉ mẩn chuốt nan, đan mê mặc mồ hôi ướt đầm lưng áo dễ hiểu đan thuyền thúng với cha con ông không chỉ là nghề kiếm cơm mà còn là “nghiệp” theo suốt cuộc đời. 

Những chiếc thuyền thúng quét nhựa đường đen bóng nằm úp phơi nắng trong vườn chờ ngày theo xe vào Quảng Bình phục vụ người dân, nghĩ về những dự định sắp tới của ông Hoa, hy vọng rằng, lửa nghề vẫn còn, nghề truyền thống trăm năm của người dân Nghi Phong còn được giữ…

Bài: Thanh Phúc
Ảnh: Thanh Phúc – Sách Nguyễn – Ngọc Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét