28 thg 5, 2018

Mạch nguồn hào khí Đồng Nai

320 năm qua, tên gọi Đồng Nai vinh danh trong sử dân tộc với hào khí Đồng Nai nức tiếng oai hùng, hiển hách. Trong đó, không thể không nhắc đến những con người với những tính cách nổi bật tạo nên hào khí Đồng Nai rất đỗi tự hào. 

Ông Nguyễn Đức Thùy (76 tuổi, ở hẻm 39, KP.3, phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) trông giữ mộ Trịnh Hoài Đức đã 25 năm. 

Tính cách của người Đồng Nai ra sao? Đó là những người vừa có sự hào sảng của một vùng đất luôn “mở lòng”, vừa có khí phách, tài ba, cương trực, dũng cảm của lớp người mở cõi.

* Hào sảng Thủ Huồng

Theo Đại Nam nhất thống chí, Thủ Huồng tên thật Võ Hữu Hoằng, sống ở châu Đại Phố, huyện Phước Chính, phủ Phước Long (nay là xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) khoảng năm 1755. Ông xuất thân làm thơ lại, trong 20 năm làm việc đã thu tóm được nhiều tiền của.

Thủ Huồng rất yêu vợ, sau khi vợ mất sớm nghe nói rằng ở chợ Mãnh Ma là chỗ người sống và người chết có thể gặp nhau, ông quyết đi tìm vợ và được đưa xuống âm phủ chơi. Ở cõi âm, ông tận mắt nhìn thấy những cực hình dành cho những kẻ phạm nhiều tội ác khi còn sống, trong số đó có một cái gông to mà cai ngục cho biết là để dành cho người tên gọi Thủ Huồng.

Khi trở lại cõi dương, ông đem toàn bộ tài sản dùng vào việc bố thí, xây dựng những công trình phúc lợi, đặc biệt là làm nhà để giúp dân nghèo dừng chờ nước triều ở ngã ba sông. Sau, Thủ Huồng được vợ đưa xuống cõi âm lần nữa, thấy cái gông trước kia đã nhỏ lại rất nhiều. Từ đó, ông tiếp tục làm việc thiện, việc nghĩa cho đến khi mất.

Sách Gia Định thành thông chí chép: Thuở ấy, dân cư còn thưa thớt, ghe đò hẹp nhỏ, hành khách thổi cơm, đun trà rất khổ, vì vậy có người phú hộ ở tổng Tân Chánh là Võ Thủ Hoằng kết tre lại làm bè, trên che lợp phòng ốc, sắm đủ bếp núc, gạo, củi, và đồ ăn để dưới bè cho hành khách tùy ý dùng mà không bắt phải trả tiền. Sau đó khách buôn cũng kết bè nổi bán đồ ăn nhiều đến 20, 30 chiếc, nhóm thành chợ trên sông, nên mới gọi xứ ấy là Nhà Bè.

Ngày nay, ở Cù lao Phố có chùa Chúc Thọ tương truyền do Thủ Huồng xây dựng. Con rạch chạy ngang qua đường Bùi Hữu Nghĩa (phường Bửu Hòa) đi TP.Hồ Chí Minh do Thủ Huồng tổ chức nạo vét nên gọi là rạch Thủ Huồng, đồng thời cây cầu đá giữa Tân Vạn và chợ Đồn (Biên Hòa) do Võ Hữu Hoằng xây dựng đến nay vẫn còn. Ngã ba sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, nơi Thủ Huồng cho kết bè nổi để khách thương hồ có nơi ăn nghỉ đợi chờ con nước, sau biến thành chợ trên sông. Những cái tên bến Nhà Bè, sông Nhà Bè, huyện Nhà Bè... chính là để ghi dấu “nhà bè” do Thủ Huồng dựng. Câu ca dao “Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về” xuất phát từ tích trên.

* Tài hoa Đào Trí Phú

Đào Trí Phú sinh tại làng Phước Kiển, thuộc Long Thành, dinh Trấn Biên (nay thuộc xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch). Ông thi đỗ Cử nhân tại khoa thi Hương Gia Định năm 1825. Con đường làm quan của ông lần lượt trải qua các chức vị như: Thị lang bộ Hộ, kiêm quản Phủ doãn phủ Thừa Thiên,Tham tri bộ Hộ, Tham tri bộ Binh...

Đặc biệt, Đào Trí Phú là một trong số rất ít người thời đó thông thạo ngoại ngữ, ông có thể giao tiếp được với người nước ngoài bằng tiếng Anh, Pháp lẫn tiếng Hoa, vì thế thường được vua Minh Mạng cử làm việc với đoàn sứ bộ các nước đến nước ta, hoặc đi công cán ở nước ngoài như: Trung Quốc, Philippines, Singapore… Ông từng khuyên nên học hỏi các nước châu Âu và Mỹ về các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là khí tài chiến đấu, được vua khen ngợi và nhiều lần cử theo đoàn sang Singapore mua kim khí, hóa phẩm. Đào Trí Phú là người đầu tiên mua tàu chạy hơi nước ở châu Âu đem về Việt Nam, trong đó có chiếc Điện Phi rất lớn, mua với giá 280 ngàn quan tiền.

Nhờ những chuyến đi nước ngoài, đồng thời biết kinh thương nên ông tích lũy tài sản khá lớn. Tương truyền, áo mão cân đai của ông đều có gắn vàng lá. Vì thế năm 1848 ông bị đàn hặc là tham nhũng, bị cách chức. Năm 1854, An Phong công Nguyễn Phúc Hồng Bảo mưu đoạt ngôi vua không thành, bị bắt giam và chết trong ngục, Đào Trí Phú cũng bị kết tội theo phe phản loạn, xử lăng trì tại huyện Long Thành. Người thân ông phải cải họ trốn đi nơi khác, mãi đến sau này mới dám lấy lại họ Đào.

* Trịnh Hoài Đức - nhân cách thanh liêm, cao trọng
Tổ tiên của Trịnh Hoài Đức vốn là người tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc), theo Trần Thượng Xuyên vào sống ở Trấn Biên, vì thế ông sinh ra ở Biên Hòa. Năm Mậu Thân 1788, Trịnh Hoài Đức đậu khoa thi Nho học đầu tiên do chúa Nguyễn tổ chức ở Nam bộ. 


Trịnh Hoài Đức là người có năng lực và nhân cách đáng kính trọng. Trải qua 4 đời vua: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, ông từng giữ những chức vị cao của triều đình như Thượng thư (tương đương Bộ trưởng) của cả Bộ Lại (chức năng như Bộ Nội vụ) và Bộ Binh (Bộ Quốc phòng ngày nay), đồng thời sung chức Phó tổng tài Quốc sử giám, thăng Hiệp biện Học sĩ, là thầy dạy học của hoàng tử. Về mặt học thuật, ông là tác giả nhiều bộ sách, trong đó nổi tiếng nhất là Gia Định thành thông chí, ghi chép tỉ mỉ về địa lý, phong tục, tập quán, thành trì, sản vật… của cả vùng đất Nam bộ, được đánh giá như “bách khoa toàn thư” về Nam bộ và là tài liệu quý làm cơ sở nghiên cứu, tham khảo cho đến tận ngày nay.

Chức vị cao, nhưng hơn 40 năm làm quan ông vẫn sống cuộc đời thanh liêm, chính trực, không tơ hào của công hay nhận biếu xén của người khác. Theo Đại Nam liệt truyện, khi ông về kinh thành Huế làm quan, vua mới biết ông không có được ngôi nhà để ở, vì thế ban cho 3 ngàn quan tiền và gỗ, gạch ngói để làm nhà. Trịnh Hoài Đức mất năm 1825 tại Huế, thọ 61 tuổi. Vua thương tiếc cho bãi triều 3 ngày, truy tặng ông là Thiếu bảo Cần chánh điện Đại học sĩ, phái Hoàng tử Miên Hoằng đưa linh cữu của ông về làng Bình Trước (nay ở hẻm 63, KP.3, phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa).

* Nguyễn Thị Tồn rạng danh tiết phụ

Nhắc đến danh nhân Bùi Hữu Nghĩa, một trong 4 “rồng vàng Đồng Nai”, không thể không nhắc đến vợ ông là bà Nguyễn Thị Tồn. Bùi Hữu Nghĩa quê ở làng Long Tuyền (nay thuộc quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ), từ nhỏ nhà nghèo nên được gởi lên Biên Hòa ở nhà Hộ trưởng Nguyễn Văn Lý (làng Mỹ Khánh, tổng Chánh Mỹ Thượng, nay thuộc phường Bửu Hòa) để theo học với thầy đồ Hoành, sau được ông Lý gả con gái là Nguyễn Thị Tồn. Bà Tồn buôn bán tảo tần để nuôi chồng ăn học.

Bùi Hữu Nghĩa thi đậu giải nguyên năm 1835, được bổ làm Tri huyện Phước Chánh (nay là TP.Biên Hòa và một phần huyện Vĩnh Cửu), nhưng do tính tình thẳng thắn, liêm chính nên không được lòng quan trên, bị đổi về làm Tri huyện Trà Vang (Trà Vinh hiện nay). Tại đây, năm 1848 trong vụ án Láng Thé, ông vì bênh vực những người Khmer yếu thế nên bị quan trên là Bố chánh Truyện và Tổng đốc Trương Văn Uyển khép vào tội làm loạn, lạm phép giết người và xử tội chết.

Nhận được tin dữ, bà Nguyễn Thị Tồn quá giang ghe bầu từ Biên Hòa vượt sóng gió hàng tháng trời ra Huế đến Tam pháp ty “kích cổ đăng văn” (đánh trống, đội đơn) kêu oan cho chồng. Vua Tự Đức giao cho Bộ Hình thẩm án, nhờ vậy Bùi Hữu Nghĩa khỏi tội tử hình nhưng phải quân tiền hiệu lực, đoái công chuộc tội. Bà Nguyễn Thị Tồn được vua Tự Đức ban võng điều có 4 lọng, nhưng ở đầu võng có gông nhỏ sơn son, ngầm ý khen bà là người trung trinh, gan dạ song cũng “nhắc khéo” bà kinh động đế đô. Hoàng thái hậu Từ Dũ cảm phục khí phách của người phụ nữ xứ Đồng Nai, không ngại khó khăn thân gái dặm trường đến kinh thành minh oan cho chồng nên hết lời khen ngợi bà là người tiết nghĩa, đáng mặt nữ lưu và ban cho tấm biển vàng “Tiết phụ khả gia”.

Khi bà về đến Biên Hòa thì lâm bệnh nặng, qua đời. Lúc ấy Bùi Hữu Nghĩa đang sung quân ở An Giang nên không về được. Ông đau xót viết văn tế vợ: “Nơi kinh quốc ba hồi trống gióng, biện bạch này oan nọ ức, đấng hiền lương mắt thấy thảy đau lòng/ Chốn tỉnh đường một tiếng thét vang, hẳn hòi lẽ chánh lời nghiêm, lũ bạn đảng tai nghe đà khiếp vía… Ta nghèo, mình hay giúp đỡ; ta tội, mình biết kêu oan, trong triều ngoài quận đều khen mình mới thật là vợ/ Mình bịnh, ta không thuốc thang; mình chết, ta không chôn cất, non sông cười ta chẳng xứng gọi là chồng”…

Bài học lớn từ câu đối ở mộ Trịnh Hoài Đức

Ở ngôi mộ cổ của Trịnh Hoài Đức, phía trước mộ có 2 cặp đối chữ Hán. Cặp đối phía ngoài mỗi vế 7 chữ: Sơn thủy hữu tình thành quyến thuộc/ Càn khôn vô vực thị gia hương (Sông núi có tình nghĩa trở thành người thân trong gia đình/ Trời đất không giới hạn chính là quê nhà của mình).

Cặp đối phía trong mỗi vế 5 chữ: Các nhân chính tẩu mã/ Cử thế kiên hành chu (Con người đường hoàng như cưỡi ngựa/ Xử thế ở đời như chèo thuyền).

Theo nhà nghiên cứu Lý Việt Dũng, muốn giải mã cặp đối này, phải hiểu đôi câu đối cổ của tiền nhân: Tâm như bình nguyên mục mã dị phóng nan thu/ Học như nghịch thủy hành chu bất tiến tất thoái (Tấm lòng như người cưỡi ngựa ở đất bằng, dễ phóng đi nhưng khó ghì cương lại/ Sự học như người chèo thuyền ngược nước, không tiến lên ắt sẽ thụt lùi).

Cái hay của câu đối trước mộ Trịnh Hoài Đức là thu gọn từ vựng câu đối 7 chữ còn 5 chữ mỗi vế (vốn rất khó trong thuật đăng đối) mà thể hiện sáng tạo bài học luân lý có triết lý giáo dục: Con người phải biết nén lòng, làm chủ được cái tâm của mình. Sự học phải biết cầu tiến, vượt khó để không tụt hậu. Nội dung các câu đối phù hợp với triết lý sống của Trịnh Hoài Đức, là bài học quý cho người hậu thế.

Tịnh Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét