16 thg 5, 2018

Xuân cuối trên làng gốm cổ nhất Nam bộ

Nét cổ kính, màu men đặc trưng của làng gốm nằm bên sông Đồng Nai đã trở nên quá quen thuộc với người dân ở Tân Vạn, TP Biên Hòa. Tết Ất Mùi sẽ là tết cuối ở đây bởi các lò gốm phải di dời vào cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh vào cuối năm nay.

Được hình thành khoảng 300 năm từ những cư dân khai phá đất phương nam, làng gốm cổ Tân Vạn nằm nép mình bên dòng sông Đồng Nai hiền hòa thuộc các phường Tân Vạn, Bửu Hòa, TP Biên Hòa. Chính từ làng gốm đầu tiên này mới lan tỏa hình thành các làng gốm vệ tinh xung quanh như Bình Dương, TP HCM. 


Từ những buổi ban đầu, sản phẩm làm ra chủ yếu là lu, hũ, chậu, ghè, bình... xuôi về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, ra Bình Thuận, vượt sóng đến Phú Quốc để dùng trong các công việc hằng ngày. 

Anh Trương Vĩnh (47 tuổi), một nghệ nhân gốm gắn bó từ nhỏ cho biết hiện nay phần lớn là nghệ nhân lớn tuổi, giới trẻ hầu như không còn mặn mà với nghề của cha ông. "Có lẽ là mùa xuân cuối cùng làng gốm tồn tại, sang năm tất cả các làng gốm phải về cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh... Mấy chục năm gắn bó với đất, bàn xoay, gốm và vùng đất Tân Vạn nên cũng cảm thấy buồn buồn", anh Vĩnh tâm sự. 

Để có những tác phẩm đi khắp bốn phương, những nghệ nhân làng gốm cổ nhất Nam bộ tỉ mỉ từng chi tiết, tâm huyết với dòng men để tạo ra những sản phẩm chất lượng. Theo các bậc cao niên ở làng gốm, ngày xưa các dòng men là bí quyết gia truyền rất khó lọt ra ngoài để giữ được hồn của gốm. 

Những ngày cận Tết, không khí làm việc tại các cơ sở gốm mỹ nghệ trở nên lặng lẽ. "Đây là cái Tết cuối cùng chúng tôi làm việc bên những xưởng gốm cổ, gắn bó với cả cuộc đời con gái", một phụ nữ cho biết. 

Gốm mỹ nghệ Biên Hòa hiện nay dù vẫn sáng tạo nhiều kiểu mẫu, màu sắc nhưng màu men thì vẫn luôn giữ được nét đặc trưng của gốm sứ xưa. 

"Nghề làm lu ở Biên Hòa phần lớn vẫn làm bằng thủ công, mỗi công đoạn có một người phụ trách nên năng suất đã dần cải thiện. Ngoài yếu tố đặc trưng về mẫu mã mới thì chất lượng luôn được những người làm gốm chúng tôi đặt lên hàng đầu", chú Minh Tuấn nói. 

Với việc nung gốm, lu bằng thủ công củi lửa khiến hạn chế lớn nhất của các lò gốm Tân Vạn là ô nhiễm môi trường. Đây cũng chính là nguyên nhân buộc UBND tỉnh Đồng Nai phải quy hoạch khu gốm sứ quy hoạch một chỗ để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm hạn chế ô nhiễm. 

Màu men luôn là điểm mạnh của gốm Biên Hòa khó lẫn với tất cả các dòng sản phẩm ở địa phương khác. Các sản phẩm gốm mỹ nghệ Biên Hòa từng tham gia các triễn lãm lớn, được nhiều huy chương bằng khen danh dự của Pháp, Nhật, Thái Lan... 

Làng gốm cổ nằm bên sông Đồng Nai thơ mộng từ lâu là điểm đến tham quan của tuyến du lịch đường sông từ TP HCM, Bình Dương. 

Đường làng khoác lên vẻ đẹp cổ kính với đất đỏ, những chiếc lu gốm bắt mắt hai bên đường cuốn hút du khách mỗi độ xuân về. 

Hoàng Trường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét