4 thg 5, 2018

Về chợ quê gặp ngày hội

Chương trình "Chợ quê ngày hội" được tổ chức nằm trong khuôn khổ Festival Huế 2018 thu hút được sự quan tâm của du khách và người dân. Ảnh: NĐT 

Sáng 28.4 tại Cầu Ngói Thanh Toàn xã Thuỷ Thanh, thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã diễn ra “Chợ quê ngày hội”. Lễ hội thu hút được sự quan tâm của người dân địa phương và du khách trong ngoài nước.

Được tổ chức hai năm một lần cùng với thời gian diễn ra Festival Huế, “Chợ quê ngày hội” là dịp để du khách có thể cảm nhận được một phiên chợ đậm chất mộc mạc và dân dã của một miền quê thanh bình bên con sông Như Ý hiền hoà. 

Điểm nhấn của không gian chợ quê ngày hội là Cầu Ngói Thanh Toàn có tuổi đời hàng trăm năm. Cây cầu không những làm điểm nhấn cho không gian mà còn là nơi để người dân nghỉ ngơi, hóng mát mỗi trưa hè oi ả. Ngày thường nhiều đoàn khách cũng thường về đây để tận hưởng không khí trong lành bên cạnh cánh đồng lúa đang vào độ chín. Ảnh: Tr.L 

Đua thuyền trên sông là chương trình mở màn cho những chương trình mà lễ hội mang lại. Ảnh: NĐT 

Cuộc đua là sự cạnh tranh của các thanh niên trai tráng trong xã. Sự cạnh tranh hấp dẫn giữa các đội đã đem đến cho lễ hội một không khí náo nhiệt. Ảnh: Tr.L 

Bài Chòi- một loại hình nghệ thuật dân ca và trò chơi dân gian đặc trưng ở miền Trung Việt Nam cũng được đưa vào trong lễ hội, thu hút sự tham gia của du khách. Ảnh: NĐT

Hội này thường được tổ chức ở làng quê vào dịp lễ. Người ta dựng 9 hoặc 11 chòi, chia thành 2 bên, mỗi bên 5 chòi, mỗi chòi cao độ 2-3m, rộng đủ vài ba người ngồi và một chòi trung tâm (chòi mẹ) ở giữa dành cho các vị chức sắc địa phương. Ảnh: Tr.L

Vào cuộc chơi, anh hiệu (tức người hô thai) xốc ống bài, rút ra một con và xướng tên con bài lên. Để gây thêm sự hồi hộp và bắt người chơi phải suy đoán, anh hiệu hô lên một câu khai hoặc một câu ca dao có tên con bài. Chòi nào trúng tên con bài thì gõ mõ để anh hiệu mang con bài đến. Trúng ba con bài là chòi đó "tới", xổ một hồi mõ dài. Khi đó, anh hiệu cầm lá cờ nhỏ, bưng khay rượu tới trao phần thưởng cho người trúng. Lá cờ đuôi nheo bằng giấy cũng được cắm lên chòi để đánh dấu một lần thắng. Ảnh: Tr.L

Ngoài ra những con tò he, là một loại đồ chơi dân gian của trẻ em Việt Nam, có thể ăn được cũng được đưa vào lồng ghép trong lễ hội gây sự thích thú cho các em nhỏ. Ngày nay, nặn tò he là một nét văn hóa dân gian ở các vùng quê Việt Nam. Ảnh: NĐT

...Và nón lá, một sản phẩm không thể thiếu của người dân xứ Huế. Ảnh: Tr.L 

Sự tạo dựng những vật dụng gắn với nông nghiệp với ruộng đồng trong lễ hội đem lại sự tò mò thích thú cho những du khách nước ngoài. Ảnh: NĐT 

Đắc Thành- Trần Lưu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét