14 thg 5, 2018

Thành tựu sau một thế kỷ của ngành khảo cổ học Việt Nam

Với 300 báu vật được coi là những phát hiện quan trọng nhất trong hơn một thế kỷ của ngành khảo cổ học Việt Nam, không gian trưng bày chuyên đề "Báu vật Khảo cổ học Việt Nam" tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội) đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của khán giả trong và ngoài nước. 

Những hiện vật tiêu biểu từ thời Tiền sử đến thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17 – 18) được lựa chọn giới thiệu tới công chúng với ba nội dung chính: Báu vật Khảo cổ học thời Tiền sử; Báu vật Khảo cổ học Thời đại Kim khí và Báu vật Khảo cổ học thời kỳ lịch sử.

Các hiện vật trưng bày được sắp xếp theo các chủ đề từ thời tiền sử đến thời kỳ phong kiến tại Việt Nam. Báu vật khảo cổ học thời tiền sử Việt Nam tập trung giới thiệu những hiện vật điển hình của một số di tích khảo cổ học tiền sử tiêu biểu thuộc các loại hình, như công cụ lao động, đồ trang sức bằng đá, đồ gốm… được tìm thấy tại các di chỉ thuộc nhiều vùng ở Việt Nam.

Báu vật khảo cổ học thời kỳ kim khí Việt Nam với ba trung tâm văn hoá lớn là văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc, văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung, văn hóa Đồng Nai ở miền Nam. Văn hoá Đông Sơn là nền văn hóa thời đại kim khí, có nguồn gốc bản địa, hội tụ và phát triển trực tiếp từ các nền văn hóa tiền Đông Sơn ở 3 lưu vực sông Hồng, sông Mã, sông Lam ở miền Bắc Việt Nam. Các hiện vật được trưng bày theo chủ đề này gồm vòng tay, hạt chuỗi, khuyên tai chất liệu đá thuộc văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu; trống đồng Sao vàng - Thanh Hóa, thạp đồng, chuông đồng thuộc văn hóa Đông Sơn; rìu đồng gót vuông, qua đồng, mũi tên đồng, lưỡi cày đồng, mai, cuốc, lưỡi hái… 

Chuyên đề trưng bày “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội).

Một góc không gian trưng bày chuyên đề “Báu vật Khảo cổ học Việt Nam”.

Du khách được chiêm ngưỡng Trống Sao Vàng (Đồng) của Văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay 2.500 - 2.000 năm được tìm thấy tại Thị trấn Sao Vàng, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Bảo tàng Lịch sử quốc gia sưu tầm năm 2006.

Quan tài tìm thấy trong mộ cổ Châu Can có chiều dài từ 1,85 đến 2,32m, đường kính trên dưới 0,5m.
Thân cây gỗ ở đây được bổ dọc, nửa dày làm thân, nửa mỏng làm nắp quan tài. Bên trong quan tài, người quá cố được đặt nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng, hai tay đặt song song với thân người bọc bằng những lớp vải mỏng hoặc lớp lá chẻ nhỏ đan lại một cách cẩn thận. Đáng chú ý là ngôi mộ còn có nhiều đồ tùy táng chất liệu đồng: rìu xéo, giáo, lao, gương đồng...và những đồ dùng bằng tre, gỗ, gốm, thậm chí còn có cả hiện vật làm bằng vỏ quả bầu.

Du khách được chiêm ngưỡng Lưỡi cày (Đồng) thuộc Văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay khỏang 2.500 – 2.000 năm được tìm thấy tại Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội. Lưỡi cày đồng là một laọi hình công cụ sản xuất thể hiện sự phát triển ở trình độ cao trong kỹ thuật luyện kim và canh tác nông nghiệp của cư dân Đông Sơn.

Trống Phú Phương I (Đồng). Văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay khỏang 2.500 – 2.000 năm. Phát hiện tại xã Phú Phương, Ba Vì, Hà Nội, năm 1973. Du khách còn được ngắm nhìn bản in chi tiết mặt trống bên cạnh hiện vật.

Du khách ngắm nhìn qua kính lúp Linga (Vàng). Thế kỷ 8 – 9 Cát Tiên, Lâm Đồng. 

Văn hóa Sa Huỳnh là một trong ba trung tâm văn hoá khảo cổ thời đại kim khí Việt Nam. Các nhà khảo cổ học Việt Nam đã chứng minh Văn hóa Sa Huỳnh là một nền văn hóa bản địa tồn tại kéo dài từ thời hậu kỳ đồ đá mới đến đầu thời đại đồ sắt (cách ngày nay khoảng 3.000 - 2.000 năm). Các hiện vật được trưng bày tại đây gồm chuỗi hạt bằng thủy tinh tìm thấy tại Sa Huỳnh, Quảng Ngãi; mộ chum có nắp khai quật tại di chỉ Đồng Cườm, Bình Định; đèn gốm, hạt chuỗi bằng thủy tinh…

Khu vực trưng bày Văn hóa Đồng Nai giới thiệu một số hiện vật như nhóm hiện vật di tích Giồng Cá Vồ năm 1994 (gồm vòng tay, khuyên tai hai đầu thú bằng đá, mã não và thủy tinh), các loại hạt chuỗi, nhẫn, lá vàng là những hiện vật bằng vàng sớm nhất ở Việt Nam, các loại đồ gốm như nồi, cà ràng (chân kiềng), nhóm hiện vật di tích Long Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu), nhóm hiện vật di chỉ Gò Ô Chùa (Long An).

Trưng bày cũng giới thiệu một số trống đồng Đông Sơn phát hiện tại Phú Chánh - Bình Dương, thể hiện sự giao lưu rộng rãi giữa các trung tâm văn hóa thời đại kim khí ở Việt Nam.

Phần khảo cổ học lịch sử giới thiệu đến công chúng nhiều báu vật khảo cổ học Việt Nam 10 thế kỷ đầu công nguyên cùng các nền văn hoá như: Văn hoá Chăm Pa và di sản văn hoá thế giới Mỹ Sơn với các tác phẩm điêu khác đá với thể khối lớn thuộc các phong cách Trà Kiệu - Quảng Nam, Tháp Mẫm - Bình Định như sư tử đá, Garuda, asura sinh ra từ miệng Makara, phù điêu tu sĩ, bia Ponaga…; Văn hóa Óc Eo - Phù Nam với một số nhẫn vàng, mảnh vàng trang trí vishu, mảnh vàng trang trí mặt trời… có niên đại thế kỷ 3 - thế kỷ 6.

Tượng động vật (Đồng). Văn hóa Đồng Nai, cách ngày nay khoảng 2.500 năm. Khai quật tại Dốc Chùa, Tân Uyên, Bình Dương năm 1977. Tượng đúc hình con vật 4 chân, đứng trên bệ hình chữ nhật. Đầu ngẩng cao, mõm dài, miệng rộng.

Mũi tên (Đồng – đá). Văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay 2.500 - 2.000 năm Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội.Việc phát hiện kho mũi tên đồng, khuôn đúc mũi tên tại Cổ Loa và những chiếc nẫy nỏ tìm thấy trong các di tích văn hóa Đông Sơn là những bằng chứng vật chất giúp làm sáng tỏ huyền thoại lịch sử về thời kỳ dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Hàng vạn mũi tên đồng cùng hàng trăm khuôn đúc tìm thấy tại đây đã minh chứng Cổ Loa là một trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế lớn của nước Âu Lạc thời An Dương Vương.

Mô hình nhà (Đất nung). Thế kỷ 1 – 3 Bezacier tìm thấy ở Cầu Giấy, Hà Nội, tháng 3/1936. Mô hình nhà là đồ tùy táng được tìm thấy phổ biến trong các ngôi mộ gạch giai đoạn lịch sử 10 thế kỷ đầu công nguyên. Đây là những tư liệu quý để tìm hiểu về đời sống xã hội, kiến trúc... thời kỳ này.

Bình đồng (Đồng). Thế kỷ 1 - 3 Phú Xuyên, Hà Tây. Chiếc bình có phong cách trang trí, kỹ thuật đúc
mang nhiều nét của văn hóa Đông Sơn, chứng minh cho sự bảo tồn văn hóa Đông Sơn cho đến tận những thế kỷ đầu Công nguyên. Đặc biệt, trên một nửa vành miệng có khắc một hàng minh văn gồm 14 chữ Hán: Luy Lâu hồ dung nhất thạch danh viết vạn tuế đệ vị thập lục. Nghĩa là: Bình Luy Lâu, chứa được một thạch, tên gọi là “Vạn Tuế”, là đồ vật thứ 16.

Một góc trưng bày các tượng đá của Champa trong không gian chuyên đề “Báu vật Khảo cổ học Việt Nam”.

Tượng sư tử (Đá cát), thuộc văn hóa Champa, thế kỷ 12-13 được khai quật tại Tháp Mẫm, Bình Định. Sư tử là hình tượng phổ biến trong điêu khắc Champa, là biểu tượng của vương quyền, quý tộc và sức mạnh. Theo truyền thuyết Ấn Độ, sư tử là một trong mười kiếp hóa thân của thần Vishnu và đã giết được quỷ Hiraya Kapipu. Sư tử Champa thường được tạo thân hình vạm vỡ với các tư thế đứng, ngồi, quỳ, phổ biến là tư thế đứng. Trong các đền tháp Champa, tượng sư tử thường được gắn ở chân tháp.

Shiva yogi (Đá cát), thuộc văn hóa Champa, thế kỷ 12-13. (Shiva trong hình ảnh nhà tu khổ hạnh).Khai quật tại Tháp Mẫm, Bình Định năm 2011. Shiva là vị thần tối cao trong Ấn Độ giáo, với nhiều hình thức biểu hiện, hoá thân. Shiva yogi là thần Shiva trong hình thức của một nhà tu hành khổ hạnh đang ngồi thiền (yoga), tay lần tràng hạt, râu tóc mọc dài.

Linga (Thạch anh). Thế kỷ 8 – 9 Cát Tiên, Lâm Đồng. Linga là loại hình đồ thờ, hầu hết những loại hình này đều được làm bằng chất liệu đá sa thạch, kích thước lớn và thường được đặt trước bệ thờ trong đền hoặc ở bên ngoài, khu vực cúng lễ của người dân. Những linga phát hiện tại Cát Tiên có kích thước nhỏ, làm bằng vàng và đá thạch anh là loại hình rất hiếm gặp. Chúng là các đồ quý được mang ra để cúng tế trong các dịp lễ tại các khu đền tháp.

(Từ trái qua phải) Bình tỳ bà, Tượng phụ nữ quý tộc, Ấm Phượng (Gốm Hoa lam) Thười Lê sơ, thế kỷ 15. Tàu cổ Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam. Khai quật năm 1997-2000. 

Phần trưng bày báu vật khảo cổ học thời kỳ phong kiến sẽ giới thiệu những hiện vật là những dấu tích thành cổ như: ngói trang trí uyên ương (Hoa Lư - Ninh Bình), gạch xây thành… Đặc biệt giới thiệu những hiện vật tìm thấy tại 2 trung tâm di sản văn hóa thế giới là thành nhà Hồ (Thanh Hóa) và Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội).

Điều đặc biệt là trưng bày này đã tổ chức thành công tại Đức từ năm 2016 - 2/2018, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng Đức, giúp người dân Đức và châu Âu hiểu biết hơn về đất nước, lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam thông qua các tài liệu, hiện vật. Bên cạnh hoạt động trưng bày, sự hợp tác Việt - Đức còn được phối hợp thực hiện trên các lĩnh vực như: nghiên cứu học thuật, khai quật khảo cổ học, bảo quản, đào tạo, xuất bản…

Bài và ảnh: Công Đạt – Trần Thanh Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét